Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 3/2022. Trước sự kiện quan trọng này, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga đã trả lời phỏng vấn của phóng viên về công tác chuẩn bị cũng như kết quả tổ chức đại hội phụ nữ ở các địa phương.
- Trong thời điểm này các cấp hội phụ nữ trên cả nước đều đang hoàn tất đại hội cấp cơ sở. Đồng chí đánh giá như thế nào về công tác chuẩn bị cho đại hội của các địa phương?
Đồng chí Hà Thị Nga: Thực hiện Chỉ thị số 46 ngày 28/7/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lãnh đạo đại hội đại biểu phụ nữ các cấp và Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII nhiệm kỳ 2022-2027, đại hội phụ nữ 3 cấp cơ sở, huyện và tỉnh được tổ chức trọn vẹn trong năm 2021 và được xác định là sự kiện chính trị quan trọng, là ngày hội lớn của các tầng lớp phụ nữ các địa phương.
Chính vì vậy các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhận được sự quan tâm chỉ đạo rất sát sao của cấp ủy, chính quyền và sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ.
Đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng công tác chuẩn bị cho đại hội phụ nữ các cấp cả về nội dung, nhân sự, tuyên truyền đã được triển khai nghiêm túc, kỹ lưỡng, bám sát chỉ đạo của hội cấp trên, cấp ủy cùng cấp và linh hoạt, phù hợp với bối cảnh phòng, chống dịch.
Đặc biệt, các báo cáo chính trị của đại hội được đầu tư công phu, cụ thể hóa chiến lược phát triển tổ chức hội cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Quá trình xây dựng báo cáo chính trị được tiến hành dân chủ, lắng nghe ý kiến của hội viên để các mục tiêu và giải pháp của nhiệm kỳ 2021-2026 có tính khả thi, thiết thực và sẽ đóng góp vào sự phát triển của địa phương, của đất nước, mang lại lợi ích cho phụ nữ và nhân dân.
Đại hội điểm cấp tỉnh được tổ chức tại tỉnh Sơn La, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam quyết định chỉ đạo theo hình thức trực tuyến để Hội Liên hiệp phụ nữ tất cả các tỉnh/thành phố và đơn vị trực thuộc có thể theo dõi, rút kinh nghiệm phù hợp với bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19.
Kết quả, Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Sơn La đã được tổ chức rất thông suốt với 14 điểm cầu tại tỉnh và gần 80 điểm cầu của Trung ương Hội, các tỉnh/thành, đơn vị. Đây là đại hội cấp tỉnh đầu tiên được tổ chức trực tuyến nên cũng là cơ hội tốt cho Hội Phụ nữ các tỉnh/thành và đơn vị học tập, rút kinh nghiệm.
Thái Bình là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức đại hội cấp tỉnh và tổ chức theo hình thức trực tiếp. Công tác chuẩn bị cho Đại hội đã được Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thái Bình hết sức chú trọng, vừa đảm bảo các tiêu chí đề ra của Đại hội, đồng thời đảm bảo các yêu cầu phòng dịch an toàn.
Bên cạnh công tác chuẩn bị về văn kiện, nhân sự Đại hội, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đặc biệt quan tâm đến hoạt động của tiểu ban tuyên truyền Đại hội, đẩy mạnh tuyên truyền qua nhiều hình thức truyền thông trên mạng xã hội, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt hội viên, phát động các công trình, phần việc, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng Đại hội…
Từ đó, nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào của cán bộ, hội viên phụ nữ về vị trí, vai trò của tổ chức Hội; thu hút sự quan tâm của các cấp, ngành và quần chúng nhân dân đối với công tác phụ nữ...
Tính đến nay, đã có trên 50 tỉnh, thành đã tổ chức thành công đại hội phụ nữ, trong đó 9 tỉnh tổ chức đại hội theo hình thức trực tuyến: Sơn La, Phú Thọ, Cần Thơ, Gia Lai, Tây Ninh, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Chúng tôi thấy cơ bản có thể yên tâm về công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội cấp tỉnh và tin tưởng đại hội đại biểu phụ nữ các tỉnh, thành phố sẽ là ngày hội lớn và cũng là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng của các tầng lớp phụ nữ, mở ra một nhiệm kỳ mới với những nội dung thực sự thiết thực và cách làm đổi mới, hiệu quả hơn.
- Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã đồng hành và chỉ đạo các cấp hội phụ nữ cơ sở như thế nào để có thể khắc phục khó khăn, vượt qua dịch bệnh, tổ chức thành công đại hội, thưa đồng chí?
Đồng chí Hà Thị Nga: Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, yêu cầu đặt ra việc tổ chức đại hội là phải đảm bảo “mục tiêu kép” vừa tổ chức đại hội trang trọng, bảo đảm yêu cầu về nội dung, đồng thời vẫn tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về an toàn phòng dịch.
Trước tình hình đó, từ tháng 8/2020, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn cụ thể về phương pháp tổ chức bằng hình thức trực tuyến; phân công lãnh đạo và cán bộ phụ trách theo cụm để hỗ trợ và đồng hành cùng các địa phương khắc phục khó khăn do dịch bệnh, tổ chức thành công đại hội.
Về mặt chỉ đạo, chúng tôi trao quyền chủ động cho địa phương trong việc lựa chọn hình thức tổ chức đại hội (trực tuyến hay trực tiếp) phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, yêu cầu đại hội vẫn phải bảo đảm các nguyên tắc, quy trình, thủ tục chung theo Điều lệ Hội và các văn bản hướng dẫn, tính đến các vấn đề phát sinh như đại biểu không tham dự do ảnh hưởng của dịch bệnh hay thiên tai, đường truyền bị gián đoán v.v..
Bên cạnh đó, Trung ương Hội liên tục theo dõi tình hình và kết quả đại hội các cấp để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn triển khai tổ chức đại hội đảm bảo về nội dung và hình thức.
Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương Hội và sự tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, các địa phương đã tổ chức chức thành công đại hội phụ nữ cấp tỉnh đều đảm bảo an toàn phòng, chống dịch với phương châm là “đại hội xanh,” các đại biểu đều được tiêm phòng vaccine, xét nghiệm COVID-19 và tuân thủ các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh.
- Với khẩu hiệu của Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII là “Đoàn kết - Sáng tạo - Hội nhập - Phát triển”, xin đồng chí cho biết những Chương trình hành động và phong trào nổi bật mà Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ triển khai trong thời gian tới?
Đồng chí Hà Thị Nga: Hiện nay chúng tôi vẫn đang trong quá trình xin ý kiến của hội viên, chị em phụ nữ vào Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc XIII thông qua đại hội phụ nữ các cấp.
Tuy nhiên, đến lúc này, cơ bản chị em hội viên và các cấp đội đồng tình với quan điểm về phong trào thi đua và cuộc vận động sẽ hướng tới 2 đối tượng chính, đó là về xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới và vun đắp giá trị gia đình Việt Nam. Chúng tôi cũng xác định một số nhiệm vụ, giải pháp lớn trong thời gian tới như sau:
Một là, tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ để phát huy vai trò chủ thể của phụ nữ trong phát triển đất nước, thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Hai là, tập trung vào đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành hoạt động hội. Chúng tôi tăng cường phân cấp trong tổ chức hoạt động theo phương châm “Trung ương định hướng chiến lược, tỉnh vận dụng sáng tạo, huyện đồng hành cơ sở, xã nắm chắc hội viên, chi hội thấu hiểu phụ nữ”.
Ba là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị hiệu quả hơn, đồng thời tổ chức được nhiều hoạt động phù hợp, thiết thực, mang lại lợi ích cho hội viên, góp phần thực hiện bình đẳng giới.
Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các bộ, ban, ngành, tổ chức; mở rộng quan hệ với các đối tác chiến lược trong và ngoài nước, tăng cường hoạt động liên kết, phối hợp, vận động nguồn lực.
- Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã chỉ đạo các cấp hội phụ nữ như thế nào trong việc đoàn kết, chung tay phòng, chống dịch?
Đồng chí Hà Thị Nga: Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mọi người dân, đặc biệt là phụ nữ vì họ vừa là người lao động, đồng thời là người chăm sóc chính cho gia đình, nhất là khi gia đình có người bị nhiễm bệnh.
Trước tình hình đó, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam xác định một mặt vận động, phát huy tinh thần đoàn kết, yêu thương chia sẻ lẫn nhau và nội lực của phụ nữ để phòng, chống dịch ngay từ trong gia đình, thôn xóm, đồng thời phải hỗ trợ đúng và trúng những nhu cầu thiết thực của phụ nữ bị ảnh hưởng của dịch bệnh.
Để vận động người dân tham gia phòng, chống dịch, cán bộ hội đi sâu, đi sát, đến từng hộ gia đình vận động, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng, chống dịch, đồng thời vận động chị em với tinh thần “ai có gì giúp đấy, người có ít giúp ít, người có nhiều giúp nhiều”.
Đặc biệt, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn dân đoàn kết phòng, chống đại dịch COVID-19 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” do Thủ tướng Chính phủ phát động và nhằm cụ thể hóa Chương trình “Triệu phần quà đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch COVID-19” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các tổ chức thành viên thực hiện, ngày 28/8, Trung ương Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” và thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo hội viên, phụ nữ và nhân dân cả nước.
Về mặt chính sách, cùng với tham gia triển khai các chính sách hỗ trợ của các địa phương, các cấp hội cũng kịp thời phát hiện những bất cập và đề xuất điều chỉnh để không phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau; quan tâm tới vấn đề giới khi thực hiện chính sách tại các khu cách ly, phong tỏa, các cơ sở y tế các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội (hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu liên quan đến vệ sinh phụ nữ, trẻ em (băng vệ sinh, bỉm); tiếp nhận, chăm sóc phụ nữ đi sinh đẻ an toàn...).
Trung ương Hội cũng đã gửi văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 quan tâm chỉ đạo thực hiện các giải pháp hỗ trợ phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ khi trở về địa phương; đề xuất với Chính phủ một số giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp nữ, gia đình hội viên khó khăn vượt qua dịch bệnh...
Đặc biệt, vừa qua, Trung ương Hội đã phát động chương trình “Mẹ đỡ đầu” để hỗ trợ kịp thời cho các trẻ em bị mồ côi cha mẹ do đại dịch COVID-19. Đây là hoạt động mạng đậm dấu ấn của tổ chức hội và phụ nữ, qua đó thể hiện rõ vai trò chủ động, đi đầu của tổ chức hội trong việc chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, phụ nữ.
Bằng nhiều hình thức, chúng tôi cũng tổ chức thăm hỏi, động viên các lực lượng tuyến đầu chống dịch bằng những bữa ăn, những phần quà thiết thực, gửi thư khen tới các cá nhân, tập thể có thành tích trong phòng, chống dịch.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Đỗ Bình (TTXVN)