Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, các doanh nghiệp (DN) trong ngành công thương đã chủ động sản xuất, bảo đảm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu thị trường trong dịp Tết, nhất là đối với những mặt hàng có nhu cầu tăng đột biến trước, trong và sau Tết.
Tổng công ty bia - rượu - nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã xây dựng kế hoạch sản xuất và tiêu thụ 122 triệu lít bia và khoảng sáu triệu lít rượu các loại trong dịp Tết Quý Tỵ. Xây dựng các kho, hệ thống phân phối ở chín tỉnh miền bắc để phân phối hàng hóa thuận lợi. Tổng công ty thuốc lá Việt Nam có kế hoạch sản xuất và chuẩn bị nguồn hàng 624 triệu bao thuốc lá điếu; 8.900 tấn bánh kẹo các loại và 8.500 lít rượu vang. Tập đoàn xăng, dầu đã có kế hoạch nhập khẩu hàng trong tháng 1-2013, theo đó sẽ nhập 704 nghìn m3 xăng, dầu các loại, gồm 320 nghìn m3 xăng, 330 nghìn m3 dầu đi-ê-den và 4.000 m3 dầu hỏa. Ðồng thời lên kế hoạch bán hàng trong dịp Tết với khối lượng bán ra 673 nghìn m3, xăng, dầu các loại.
Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trên cơ sở bám sát tình hình sản xuất LPG trong nước và phân tích đánh giá nhu cầu tiêu thụ của thị trường, PVN/PV Gas lên kế hoạch nhập khẩu khoảng 50 nghìn tấn LPG trong tháng 12-2012 và tháng 1-2013, để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và tái xuất khẩu theo hợp đồng. Cùng với sản lượng LPG sản xuất hằng tháng khoảng 22 nghìn tấn, PV Gas có đủ nguồn cung ứng cho tiêu dùng khoảng 64 nghìn tấn LPG mỗi tháng, đáp ứng khoảng gần 60% nhu cầu thị trường.
Theo chỉ đạo của Sở Công thương các địa phương, căn cứ vào diễn biến, nhu cầu thị trường, các DN sản xuất, kinh doanh đã chủ động chuẩn bị nguồn hàng nhằm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng Tết của các tầng lớp dân cư. Một số địa phương tiếp tục triển khai chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trong dịp Tết. Ðến ngày 12-11 đã có 42/63 địa phương báo cáo công tác chuẩn bị Tết gửi về Bộ Công thương đồng thời lên kế hoạch và chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Trong đó 18 địa phương đã bắt đầu thực hiện, có kế hoạch ứng vốn hỗ trợ lãi suất cho các DN dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trong dịp Tết với tổng số tiền ước khoảng 1.075,5 tỷ đồng.
Do nguồn lực tài chính khác nhau nên kinh phí dành cho Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường của mỗi địa phương cũng khác nhau, trong đó TP Hà Nội: 376 tỷ đồng, TP Hồ Chí Minh: 626,2 tỷ đồng, các tỉnh Cần Thơ 40 tỷ đồng, Bắc Giang 40 tỷ đồng, Quảng Ninh 30 tỷ đồng, Hải Dương 24,13 tỷ đồng, Yên Bái 22,5 tỷ đồng, Ðà Nẵng 20,7 tỷ đồng, Phú Yên 20 tỷ đồng... Ở các địa phương, chương trình chủ yếu tập trung vào các tháng cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán (từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, riêng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thực hiện chương trình cả năm). Tuy lượng vốn hỗ trợ lãi suất năm nay của hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh giảm so với năm trước (lần lượt 26% và 42%) nhưng nhiều địa phương khác đã triển khai chương trình với lượng vốn hỗ trợ cao hơn như Cần Thơ, Vĩnh Long, Hải Dương, Ðà Nẵng... cho thấy nhu cầu dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường Tết khá cao, các địa phương triển khai rộng rãi nhằm giảm áp lực tăng giá trong dịp cao điểm.
TP Hà Nội dự kiến nhu cầu tiêu dùng một số hàng hóa thiết yếu trong dịp Tết với tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trên địa bàn trong tháng Tết Quý Tỵ tăng khoảng 18-20% so với các tháng trong năm. Một số mặt hàng thực phẩm tươi sống, chế biến, rau củ có thể tăng hơn 20%, ước khoảng 35 nghìn tỷ đồng. Trước đó ngày 14-6, UBND thành phố phê duyệt kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP Hà Nội năm 2012, tạm ứng từ Quỹ dự trữ tài chính thành phố 376 tỷ đồng cho các DN vay không lãi suất để dự trữ 10 mặt hàng trong thời gian 11 tháng (từ tháng 5-2012 đến tháng 4-2013). Lượng hàng dự trữ bình ổn phục vụ Tết của các DN Thủ đô đến nay gồm: gạo sáu nghìn tấn; thịt lợn 900 tấn; thịt gà 350 tấn; trứng gia cầm sáu triệu quả; thủy hải sản 450 tấn; thực phẩm chế biến 550 tấn; dầu ăn 1,3 triệu lít; đường RE 200 tấn; rau củ hai nghìn tấn. Lượng hàng dự trữ bình ổn này chiếm khoảng 8 - 10% nhu cầu thị trường dịp Tết. Ngoài ra tổng lượng hàng hóa dự trữ của các DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố phục vụ Tết ước tính trị giá khoảng sáu nghìn tỷ đồng, đáp ứng khoảng 20-25% lượng tiêu dùng tăng thêm của thành phố trong những tháng Tết. Chủ động điều phối hàng hóa, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, tăng giá đột biến.
Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu năm 2012 và Tết Quý Tỵ 2013 của TP Hồ Chí Minh với tổng nguồn vốn thực hiện khoảng 262,2 tỷ đồng, cấp cho 24 DN mua hàng thiết yếu dự trữ phục vụ nhân dân gồm chín mặt hàng, với cơ chế vay không lãi suất, trong thời gian 12 tháng. Tổng nguồn vốn các DN chuẩn bị cho sản xuất dự trữ hàng Tết đạt 6.681,8 tỷ đồng, tăng 23,9% so với Tết Nhâm Thìn. Trong đó, nguồn vốn chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 3.436,4 tỷ đồng. Cơ cấu hàng dự trữ phục vụ Tết gồm: Gạo nếp 4.800 tấn; thịt lợn 4.150 tấn; thịt gà, vịt 2.550 tấn; trứng 34 triệu quả/tháng; thủy hải sản 505 tấn; rau củ 2.680 tấn...
Các DN tham gia dự trữ chín mặt hàng cam kết bán hàng bảo đảm chất lượng, giá bán thấp hơn giá thị trường ít nhất 5-10% so với giá sản phẩm cùng loại. Các DN tham gia bình ổn đã có kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều mặt hàng được chuẩn bị với số lượng lớn, có khả năng chi phối hơn 50% nhu cầu thị trường. Ðể đưa hàng hóa phục vụ các tầng lớp dân cư, mạng lưới cung ứng hàng hóa phục vụ Tết được triển khai trên địa bàn TP Hồ Chí Minh với 5.277 điểm bán hàng của Chương trình bình ổn thị trường với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu (tăng hơn 2.700 điểm so với năm trước). Riêng Chương trình lương thực - thực phẩm có 2.734 điểm, trong đó có 831 điểm bán hàng bình ổn thị trường tại 128 chợ truyền thống; 785 điểm bán tại các quận ven, huyện ngoại thành và 1.118 điểm bán trong khu dân cư nội thành; 13 điểm bán tại các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Theo Nhân dân