Theo kết quả kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm trên 50 mẫu rau ăn sống được lấy ở hai thành phố lớn: Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vừa được Cục Bảo vệ thực vật công bố tại cuộc họp giao ban về an toàn thực phẩm và vật tư nông nghiệp mới đây, thì hầu hết các mẫu rau đều ở mức an toàn, đáp ứng các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng. Tuy nhiên, theo nhận định của các cơ quan chức năng, ranh giới an toàn nêu trên là rất mong manh.
Bởi vì, dù ở ngưỡng an toàn, nhưng trong đó vẫn có 29 mẫu (chiếm 58%) có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và 20 mẫu (chiếm 40%) phát hiện có kim loại nặng.
Ðáng lo ngại hơn, qua điều tra, đánh giá phân loại của Cục Bảo vệ thực vật, nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm nhất đối với sản phẩm rau tươi chính là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, nhóm rau ăn lá thông dụng như rau muống, rau cải các loại, rau ngót... có nguy cơ nhiễm cao nhất, tiếp đến là đậu đỗ và cuối cùng nhóm rau ăn quả (bầu, bí, su su, mướp đắng...) là các sản phẩm ít có mẫu phát hiện thấy dư lượng vượt mức tối đa cho phép. Nhận định chung cũng cho thấy, ở các tỉnh phía bắc nguy cơ mất an toàn trên rau cao hơn các tỉnh phía nam.
Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc quy hoạch vùng rau an toàn cũng như thí điểm quản lý, giám sát an toàn thực phẩm với mặt hàng rau như dán tem, nhãn mác tạo thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Song, trong thực tế, vẫn có tình trạng người sản xuất vì thiếu kiến thức hay hám lợi, đã dùng thuốc bảo vệ thực vật không có trong danh mục, cố tình làm sai quy trình, hướng dẫn sử dụng thuốc (như quá liều lượng, hoặc không bảo đảm thời gian cách ly trước khi bán sản phẩm), gây tồn dư thuốc bảo vệ thực vật quá mức tối đa cho phép. Thực trạng này đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để, gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.
Ðể người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm với chất lượng rau sạch và người trồng rau an toàn không bị thiệt thòi khi chất lượng rau sạch, rau bẩn bị đánh đồng, yêu cầu đặt ra đối với các cơ quan chức năng là cần tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ quy trình rau an toàn theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng; tập trung hơn nữa cho công tác quản lý chất lượng và việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất nguồn gốc xuất xứ để có hình thức xử lý thích đáng các cơ sở vi phạm. Cùng với đó, rất cần sự phối hợp tích cực của các đoàn thể xã hội ở địa phương nhằm tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân tác hại của việc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời tập huấn, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách hiệu quả và có ý thức, trách nhiệm hơn với sản phẩm rau bán ra thị trường. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục mở rộng quy mô kiểm tra, kiểm soát các loại rau xanh thông dụng hằng ngày, với nhiều mẫu phân tích khác nhau để có thể cung cấp thông tin chính thống khẳng định rau xanh là sạch và an toàn.
Quang Minh/ND