(TCTG)- Đây là lần đầu tiên một nước cộng hoà xô viết cũ đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) kể từ ngày 01/01/2010 và cũng là lần đầu một Nhà nước có đa số dân theo đạo Hồi điều hành tổ chức này, được thành lập năm 1975-giai đoạn quan hệ Liên Xô-Phương Tây tan băng với tham vọng thiết lập một cuộc đối thoại giữa các nước thành viên của Hiệp ước Vácsava và các nước Tây Âu.
Quyết định trao chức Chủ tịch luân phiên OSCE cho Kazakhstan được 56 nước thành viên thông qua vào cuối năm 2007, và không hẳn dễ dàng như thế. Do có rất nhiều điều vi phạm quyền tự do, bị tố cáo gian lận trong các cuộc bầu cử, bị tố cáo tôn thờ chủ nghĩa cá nhân trong nhiệm kỳ tổng thống, đất nước Kazakhstan của Tổng thống Noursoultan Nazarbaïev cho đến thời điểm đó đã không thể nhận được chức Chủ tịch OSCE vì có sự do dự của một số lượng lớn các nước thành viên.
Sau hai lần ứng cử bất thành, cuối cùng Kazakhstan đã thuyết phục được các nước thành viên OSCE bằng cách hứa hẹn một loạt các cuộc cải cách, cần phải được triển khai muộn nhất vào năm 2008. Đặc biệt, Astana cần phải đơn giản hoá thủ tục thành lập các đảng phái chính trị, nới lỏng luật báo chí và cải cách hệ thống bầu cử theo ý kiến của Cơ quan giám sát bầu cử của tổ chức OSCE (Odihr).
Tuy nhiên, theo một số tổ chức phi chính phủ, trong đó có Human Rights Watch, mặc dù có một số giải pháp được thông qua song tình hình nhân quyền vẫn tiếp tục xuống cấp tại Kazakhstan. Nhân vật nổi tiếng nhất trong quân đội là ông Evgueniï Jovtis chịu án phạt 4 năm tù giam vì tội giết người không cố ý trong một vụ án bị những người đối lập đánh giá là liên quan đến “chính trị” và các cuộc biểu tình luôn bị các cơ quan pháp luật cản trở.
Về mặt chính trị, hệ thống chính quyền đã bị kiểm soát bởi phe của Tổng thống Noursoultan Nazarbaïev, đã giành được 91% phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2005. Ông sẽ có thể ra tranh cử vào năm 2012 nhờ vào một đạo luật chỉ cho phép tổng thống nắm quyền hai nhiệm kỳ, trừ “tổng thống đầu tiên của đất nước”. Đứng đầu đất nước Kazakhstan kể từ khi giành được độc lập năm 1991, ông Noursoultan Nazarbaïev có thể đặt niềm tin vào đảng Tổ quốc (Otan), chiếm đa số trong toàn bộ 98 ghế tại Hạ viện.
Cuối cùng, các cuộc cải cách liên quan đến tự do báo chí dường như có kết quả ngược lại: một luật mới quy định tội vu khống làm cho công việc của các nhà báo trở nên khó khăn, đặc biệt trong khi thực hiện các cuộc điều tra chống tham nhũng.
Trước những mối lo ngại của các nước thành viên, Astana đã nhắc lại những ưu tiên trong nhiệm kỳ chủ tịch OSCE: đó là “an ninh”, đặc biệt liên quan hồ sơ Afghanistan. Theo Ngoại trưởng Kazakhstan Kanat Saoudabaïev, “mọi cuộc thảo luận về an ninh châu Âu sẽ là quá sớm chừng nào vấn đề Afghanistan chưa được giải quyết”.
Đó là bức thông điệp mà Mátxcơva-có quan hệ phức tạp với OSCE hoan nghênh. Thủ tướng Vladimir Putin thường xuyên công kích vấn đề trên và lấy làm tiếc về việc “can thiệp” vào công việc nội bộ của Kazakhstan, đặc biệt trong dịp bầu cử tổng thống mà OSCE đã gửi các quan sát viên tới theo dõi. Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đã chào đón Kazakhstan, nước chủ tịch mới của OSCE, “Kazakhstan sẽ cho phép OSCE có một vị trí mới”.
Chắc chắn Mátxcơva mong muốn thấy nước láng giềng Kazakhstan tận dụng được vị thế mới để hạn chế vai trò của OSCE trong việc theo dõi bầu cử và các chương trình khuyến khích dân chủ. Theo một số nguồn tin ngoại giao, Washington sẽ hỗ trợ Kazakhstan với điều kiện nước này không sửa đổi các chương trình của Odihr, có nhiệm vụ giám sát các cuộc bầu cử, đặc biệt tại các nước cộng hoà xô viết cũ.
Theo báo LEMONDE.fr (Bài dịch)