Đến nay, Ea Ly đã quy hoạch khu trung tâm hành chính xã tỉ lệ 1/2000 diện tích 80 ha; Quy hoạch tổng thể khu dân cư lâm trường 2/4 và quy hoạch chi tiết điểm dân cư số 1 với diện tích 66 ha; Quy hoạch chợ - bến xe và khu dân cư mở rộng thôn Tân Yên với diện tích gần 11,5 ha. Trong số 19 tiêu chí nông thôn mới, Ea Ly thực hiện khá tốt tiêu chí về cơ sở hạ tầng như: xây dựng mạng lưới điện với 95% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia. Xã có chợ đầu mối được xây dựng trên diện tích gần 2 ha với vốn đầu tư hơn 5 tỷ đồng để giao thương buôn bán với tỉnh Đắk Lắk. Tại chợ đầu mối, không chỉ người dân địa phương mà còn có hàng chục hộ từ tỉnh Đắk Lắk sang thuê quầy, nhà kho để buôn bán hàng hóa từ Đắk Lắk sang và ngược lại. Mặc dù chưa đạt chuẩn nhưng tất cả 6 thôn, buôn ở Ea Ly đều có nhà văn hóa, trong đó Nhà văn hóa Tân Lập tại trung tâm xã rộng đến 793 mét vuông. Gần 80% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh. Hệ thống truyền thanh từ xã đến thôn, buôn được đầu tư và phát huy hiệu quả… Mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn được mở rộng đến tận khu dân cư và đường nội đồng với tổng chiều dài 81 km, trong đó 20 km đã được "cứng hóa". Hiện nay chính quyền xã đang vận động nhân dân đóng góp tiền, ngày công để tiếp tục cứng hóa 26 km đường trục thôn, đường ngõ xóm…
Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Sông Hinh đánh giá: ở Ea Ly, ngoài tiêu chí xây dựng chợ đạt chuẩn, 18 tiêu chí còn lại đều đạt từ 25% đến 90% so với chuẩn quy định. Đạt chuẩn trong tất cả các tiêu chí là mục tiêu mà Ea Ly phải hoàn thành từ nay đến cuối năm 2015.
Từ khi tỉnh lộ 645 (nay đã nâng cấp lên quốc lộ 29) chạy qua xã được nhựa hóa thì hàng quán cùng cả trăm tiệm tạp hóa mọc lên san sát hai bên đường. Là cửa ngõ giao thương với tỉnh Đắk Lắk nên mật độ buôn bán ở Ea Ly dường như không kém gì thị trấn Hai Riêng là huyện lỵ Sông Hinh. Vào giữa những năm 90, dân số ở Ea- Ly chỉ hơn 2.300 người, hầu hết là đồng bào Ê đê,; nhưng nay nơi vùng cao này có 13 dân tộc anh em sinh sống với hơn 5.259 khẩu, trong đó 49% là đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù là xã vùng cao nhưng mỗi ngày tại trung tâm xã đều có một chuyến xe khách chạy ra miền Bắc và ngược lại, đồng thời Ea Ly cũng đã có tuyến xe buýt nối với thành phố biển Tuy Hòa.
Từ chỗ thiếu ăn, nay người dân Ea Ly đã có của ăn, của để nhờ chuyển từ canh tác nương rẫy sang trồng cây công nghiệp và chăn nuôi gia súc với đàn bò hơn 2.260 con, trong đó bò lai chiếm 50%. Ba năm gần đây bà con mở rộng diện tích cây mía từ 447 ha lên 830 ha, chiếm hơn 10% diện tích tự nhiên với năng suất từ 60 tấn đến 70 tấn/ha, đem lại thu nhập từ 20 triệu đến 35 triệu đồng/ha. Diện tích sắn ở Ea Ly cũng có gần 490 ha với năng suất trung bình từ 16 tấn đến 22 tấn/ha. Từ dự án cao su tiểu điền, người dân Ea Ly cũng đã mở rộng diện tích loại cây công nghiệp này lên 290 ha và 1/3 trong số đó đã cho mủ với năng suất từ 1,2 tấn đến 2 tấn/ha. Với giá mủ hiện nay 32.000 đồng/kg thì mỗi hecta đem lại lợi nhuận ít nhất 30 triệu đồng. Nhiều hộ từ miền Bắc vào lập nghiệp nhờ chịu khó làm ăn nay đã vươn lên làm giàu. Như gia đình bác Đặng Thị Lạ từ Lạng Sơn vào lập nghiệp năm 1994 nay đã sở hữu 0,5 ha lúa và trồng 4 hecta cao su đã cho mủ. Hoặc như gia đình chị Đoàn Thị Thủy từ huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên) theo bà con vào đây lập nghiệp năm 2000 nay đã có 2 hecta sắn, 2 hecta cà phê và 2 hecta cao su…. Ea Ly có đến 535 hộ được công nhận sản xuất kinh doanh giỏi với mức thu nhập mỗi năm từ 20 triệu đồng trở lên, chiếm hơn 40,2% số hộ toàn xã. Ea Ly còn đi đầu trong thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của tỉnh Phú Yên và được Chính phủ khen tặng về công tác dân tộc và miền núi.
* Chuyển đổi cơ cấu cây trồng - đòn bẩy để xây dựng nông thôn mới
Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất lúa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải thiện đời sống nông hộ cho đồng bào dân tộc tại xã Tà Lài, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai” bước đầu mang lại hiệu quả, thu nhập của nông dân được nâng lên. Mới đây, dự án này đã được nghiệm thu và sẽ được tiếp tục nhân rộng cho các xã khác, tùy theo vùng đất để chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp, góp phần nâng cao đời sống và phát triển bền vững ở các xã nghèo. Đây được coi là đòn bẩy để xây dựng nông thôn mới cho các xã có cùng đặc điểm.
Xã Tà Lài là xã vùng sâu, vùng xa thuộc huyện miền núi Tân Phú, đời sống người dân ở đây còn rất nhiều khó khăn, 12 dân tộc thiểu số chiếm tới 30% dân số. Họ sống chủ yếu bằng nghề nông với sản phẩm chính là lúa. Hầu hết các nông hộ đều có thâm niên trồng lúa từ 20 đến 40 năm. Từ năm 2005, nhờ Nhà nước đầu tư trạm bơm thủy lợi Láng Bồ nên công việc trồng lúa của người dân nơi đây thuận lợi hơn với 3 vụ lúa mỗi năm. Tuy nhiên, do đời sống còn khó khăn, thiếu vốn lại chưa mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đầu tư thâm canh cây trồng, sản xuất còn mang tính hình thức tập quán địa phương nên hiệu quả kinh tế của sản xuất nông nghiệp mang lại không cao. Chính vì thế, năm 2009, UBND huyện Tân Phú đã tiến hành thực hiện dự án nhằm ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới về giống, kỹ thuật canh tác, các quy trình tiên tiến để nâng cao năng suất lúa, xây dựng các mô hình thâm canh, luân canh tăng vụ để chuyển dịch hệ thống cây trồng, cải thiện kinh tế nông hộ, góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương.
Anh Đàm Văn Thành là một nông dân tham gia vào thực hiện mô hình thâm canh lúa của dự án cho biết: “Vụ hè thu năm 2010, được cán bộ ở Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Hưng Lộc cung cấp và hướng dẫn kỹ thuật canh tác giống lúa mới là OM 6162 và OM 4900, tôi thấy lúa ít bị rầy và đạo ôn, năng suất cũng cao hơn hẳn. Trước đây, sử dụng giống cũ, sản xuất theo tập quán, kinh nghiệm của mình thì năng suất lúa cao nhất cũng chỉ đạt 3,5 tấn/ha, nhưng khi sử dụng giống mới này, năng suất lúa đạt gần 5 tấn/ha và cho thu lợi nhuận từ 8,6-9,8 triệu đồng/ha”. Còn Thạc sĩ Nguyễn Văn Chương, cán bộ Trung tâm Hưng Lộc cho rằng, nếu trồng 3 vụ lúa truyền thống theo tập quán canh tác thì hiệu quả rất thấp, nhưng nếu chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo mô hình 2 lúa – 1 màu hoặc 2 lúa – 2 màu, trong đó sử dụng những giống mới, có tính ưu việt về khả năng kháng sâu bệnh, năng suất cao và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật phù hợp thì hiệu quả kinh tế đem lại rất cao, năng suất cây trồng tăng tối thiểu từ 20% so với năng suất thực tế của địa phương. Các cây hoa màu chính được dự án thực hiện trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Tà Lài gồm: đậu tương, đậu xanh và đậu nành. Đây là những loại hoa màu thích hợp trồng trong mùa khô, nhất là ở những chân ruộng cao không thể đưa nước vào được. “Riêng vụ Đông-Xuân, nếu ứng dụng mô hình luân canh ngô lai sau 2 vụ lúa thì đạt được lợi nhuận cao. Mô hình này đã được đông đảo bà con nông dân ủng hộ và mong muốn được hỗ trợ để áp dụng” - ông Chương nhấn mạnh. Thực hiện thâm canh đậu tương vụ Đông Xuân năm 2009-1010, anh Nông Văn Khiêm ở ấp 7, xã Tà Lài cho hay, trồng giống đậu tương OMDDN29 đã mang lại lợi nhuận tăng hơn 3,4 lần so với trồng giống địa phương. So với trồng lúa, thì hiệu quả của việc trồng đậu tương này cao hơn hẳn. Theo kỹ sư Đặng Thanh Sơn (chủ nhiệm của dự án ), để thay đổi hoàn toàn tập quán canh tác, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo hiệu quả thì việc chuyển đôi cơ cấu cây trồng phải được triển khai đồng bộ, tập trung diện tích lớn để thuận lợi cho công tác điều tiết nước; có phương án cho vay lãi thấp dành cho vùng khó khăn để tạo điều kiện giảm áp lực về vốn đầu tư ban đầu cho đồng bào; tăng cường tập huấn các tiến bộ kỹ thuật với phương châm “cầm tay chỉ việc”.
Trong quá trình thực hiện, dự án cũng đã phối hợp với Trạm Khuyến nông, Phòng Công thương và Hội Nông dân huyện Tân Phú tổ chức các đợt tập huấn, hội thảo đầu bờ cho nông dân, qua đó bà con đã dần xóa bỏ lối sản xuất độc canh, biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả. Nếu được triển khai đồng bộ thì đây chính là cơ hội xóa đói giảm nghèo hiệu quả cho bà con dân tộc không những ở xã Tà Lài mà còn nhân rộng ra các xã khác. Ông Phạm Minh Đạo , Giám đốc sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn tỉnh còn cho rằng "chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp tùy theo điều kiện ở từng xã là cách làm để các xã xây dựng nông thôn mới có được cái nền vững chắc".
* Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
Xác định mục tiêu củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể đáp ứng tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới (NTM), năm 2011, tỉnh Vĩnh Long tập trung nhân rộng các mô hình hợp tác xã điển hình tiên tiến, khuyến khích hình thành các Liên hiệp Hợp tác xã nhằm huy động nội lực, phát triển kinh tế tập thể bền vững.
Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Vĩnh Long kết hợp với Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các huyện xây dựng các mô hình kinh tế tập thể gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn, phát triển HTX đa dạng hóa lĩnh vực ngành nghề và có chiến lược kinh doanh phù hợp với khả năng quản lý của HTX. Tỉnh khuyến khích nhân rộng mô hình HTX sản xuất gắn kết với thương mại dịch vụ, thu mua nông sản như HTX nông nghiệp Tân Quới, HTX nông nghiệp Tân Bình tạo đầu ra ổn định cho vùng chuyên canh khoai lang huyện Bình Tân; mô hình HTX tham gia vào các chương trình khuyến công, khuyến nông, đầu tư sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đăng ký thương hiệu sản phẩm như HTX rau an toàn Thành Lợi, HTX khoai lang Tân Thành (huyện Bình Tân), HTX nông nghiệp Chánh An (huyện Mang Thít). Liên minh HTX kết hợp với các ngành chức năng tháo gỡ những vướng mắc về nguồn vốn hoạt động, nợ thuế, tư vấn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ HTX tiếp cận với các chính sách kích cầu của Chính phủ, vay vốn đầu tư trang thiết bị, mở rộng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tại các xã điểm xây dựng NTM , tỉnh tập trung nhân rộng 12 mô hình HTX điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực: nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, ngành nghề; khuyến khích hình thành các tổ, nhóm, câu lạc bộ hợp tác với nhiều hình thức như hợp tác sản xuất, chăn nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng nhà ở… Các xã sắp xếp lại các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn, tư vấn hợp tác xã xây dựng phương án hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với chuyển dịch cơ cấu sản xuất và cơ cấu lao động địa phương.
Tại xã Tân Bình (huyện Bình Tân), Ban chỉ đạo xây dựng NTM tập trung củng cố, nâng chất lượng hoạt động HTX rau của quả Tân Bình, huy động nguồn vốn doanh nghiệp kết hợp với ngân sách đầu tư 1 tỷ đồng xây dựng kho trữ lạnh cho HTX và nâng chất lượng hoạt động của 14 tổ hợp tác sản xuất, khuyến khích thành lập trang trại theo mô hình kinh doanh tổng hợp, phấn đấu đến năm 2012 phát triển thêm 7 tổ hợp tác dịch vụ lao động mở rộng cung cấp các loại hình dịch vụ cho xã viên và công đồng. Xã điểm Trung Hiếu tập trung củng cố HTX tiểu thủ công nghiệp và nâng chất lượng hoạt động của 11 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, ngành nghề, liên kết với Công ty Thảo Ly tổ chức mạng lưới tổ hợp tác thu mua và sơ chế ca cao phục vụ cho vùng chuyên canh ca cao của huyện Vũng Liêm, tạo them việc làm và nâng cao thu nhập hộ dân vùng nông thôn...
Theo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Vĩnh Long, thực hiện tiêu chí 13 về hình thức tổ chức sản xuất tuy “dễ” mà “khó” đối với các xã điểm, xã diện xây dựng NTM trên địa bàn. Hầu hết các xã đều hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại trong các lĩnh vực: nông nghiệp, xây dựng, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động, hiệu quả của một số mô hình kình tế tập thể chưa cao do: HTX thiếu vốn hoạt động, năng lực quản lý yếu, các tổ hợp tác hoạt động còn đơn giản theo thời vụ, chưa xây dựng nội dung hợp đồng hợp tác, hoạt động còn mang tính hình thức và hiệu quả chưa bền vững.
* Các xã điểm NTM ở Thái Bình đạt 10 - 12 tiêu chí
Sau 3 năm thực hiện điểm mô hình NTM, đến nay tại 8 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh Thái Bình đã đạt từ 10 - 12 tiêu chí, trong đó xã Vũ Phúc (TP Thái Bình) đạt cao nhất 12/19 tiêu chí, các xã Thanh Tân, Hồng Minh, Nguyên Xá đạt 11 tiêu chí, các xã Trọng Quan, Thụy Trình, An Ninh, Quỳnh Minh đạt 10 tiêu chí NTM.
Theo Ban chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh, đến thời điểm này, 100% số xã trong tỉnh hoàn thành phê duyệt quy hoạch chung xây dựng NTM, 36 xã hoàn thành quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã, 83 xã đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết giao thông thủy lợi nội đồng và 16 xã đã hoàn thành dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp gắn với chỉnh trang đồng ruộng, bình quân còn 1,7 thửa/hộ. Với số tiền hỗ trợ dồn điền đổi thửa cho mỗi xã 100 triệu đồng, năm nay Thái Bình đang tập trung cho công tác dồn điền đổi thửa thực hiện quy hoạch NTM và phấn đấu trong năm 2012 toàn tỉnh sẽ hoàn thành xong công tác dồn đổi ruộng đất. Hiện nay, cùng với 8 xã điểm, 70 xã khác xây dựng NTM trong tỉnh đang quy vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tổ chức sản xuất vụ đông năm 2011, phấn đấu đến 2015, toàn bộ các xã này sẽ đạt 19 tiêu chí NTM.
Tuy nhiên, trong quá trình khai thực hiện xây dựng NTM hiện nay ở Thái Bình cũng gặp những khó khăn, khối lượng công việc lớn trong khi đó năng lực cán bộ xã ở nhiều nơi chưa đáp ứng kịp, nên có xã thực hiện tùy tiện, không biết việc gì làm trước, làm sau, làm quá khả năng nguồn vốn và chưa tạo ra được các phong trào trong nhân dân. Sự phối hợp giữa địa phương với đơn vị tư vấn và các ban ngành của huyện chưa cao, do đó việc cập nhật biến động về đất đai và số liệu điều tra không đầy đủ. Tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết còn chậm. Đặc biệt là công tác quy hoạch chưa xác định rõ mối liên hệ vùng dẫn đến việc đấu nối hạ tầng, trạm cấp nước, quy hoạch nghĩa trang, phân biệt đường trục thôn, đường trục xã, bãi chôn lấp rác...chưa tạo được sự thống nhất, đồng bộ. Một số xã đầu tư còn dàn trải không theo thứ tự ưu tiên, không có trọng điểm dẫn đến nợ đọng nhiều, nếu không có kinh phí làm tiếp sẽ gây lãng phí...
Tại cuộc họp với Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Thái Bình, ông Phạm Văn Sinh, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, Thái Bình tiếp tục đẩy nhanh công tác quy hoạch theo đúng quy trình, phấn đấu hoàn thành quy hoạch chi tiết trong năm nay. Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt đề án chung xây dựng NTM cấp xã; tập trung cắm mốc chỉ giới, giải phóng mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Những nơi nào đã bố trí vốn đầu tư năm 2011 phải đẩy nhanh tiến độ thi công ngay trong năm nay; đồng thời xây dựng kế hoạch xây dựng NTM 5 năm, trước mắt là năm 2012 để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Những xã nào đã hoàn thành quy hoạch chung phải bắt tay ngay vào quy hoạch chi tiết. Riêng về công tác dồn điền đổi thửa, các huyện chọn xã triển khai thực hiện để trong năm nay hoàn thành công tác này ở 30% số xã trong tỉnh... phấn đấu đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên phạm vi toàn tỉnh./.
TG - tổng hợp