Hơn 3 năm thực hiện Đề án 1816 (luân chuyển cán bộ y tế về tuyến dưới), ngành y tế đã góp phần cải thiện không nhỏ chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân, nhưng thực tế cũng đã bộc lộ không ít khó khăn và hạn chế. Bài toán khó về nguồn y tế, nhất là tuyến cơ sở vẫn còn nhiều vướng mắc chưa thể tháo gỡ trong thời gian ngắn.
Vẫn nguyên cái khó
Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, nhờ thực hiện Đề án 1816 mà gần một triệu lượt người bệnh đã được khám, chữa bệnh hiệu quả. Hơn 17.000 ca phẫu thuật, thủ thuật đã được các bác sĩ luân phiên thực hiện, 5.100 kỹ thuật y tế thuộc 26 chuyên ngành đã được chuyển giao cho tuyến dưới… Tuy nhiên thực tế cho thấy, những khó khăn cũ được chỉ ra từ những lần sơ kết đề án trước đây dường như vẫn còn nguyên. Việc khảo sát nhu cầu, xây dựng kế hoạch không tốt, dẫn tới hỗ trợ thiếu thực tế, kém hiệu quả vẫn còn ở nhiều đơn vị. Cán bộ cử đi luân phiên chưa đủ năng lực cũng đã khiến cho việc chuyển giao kỹ thuật rất hạn chế. Một số cơ quan không ký hợp đồng, chỉ thỏa thuận miệng hoặc ký hợp đồng hỗ trợ chung không có yêu cầu cụ thể về nhiệm vụ các bên dẫn đến chất lượng thực hiện đề án kém và không đánh giá được kết quả.
Theo Tiến sĩ Đỗ Doãn Lợi, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, việc Bộ Y tế yêu cầu định mức cử cán bộ luân phiên quá cao khiến cho việc đáp ứng yêu cầu sẽ ảnh hưởng tới tiêu chí lựa chọn cán bộ cũng như nội dung luân phiên phù hợp. Vì vậy, Bộ không nên áp dụng chỉ tiêu luân phiên một cách cứng nhắc mà cần để cho các bệnh viện chủ động lập kế hoạch và ký kết nội dung hỗ trợ theo từng giai đoạn và địa bàn cụ thể được phân công. Ngoài ra, phương pháp sư phạm y học của cán bộ luân phiên (điều này khó có thể đòi hỏi cao) còn hạn chế đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc truyền tải kiến thức cho cán bộ tuyến dưới. Sau hơn 3 năm thực hiện, Bộ nên cho phép các bệnh viện tổ chức giám sát sau luân phiên nhằm đánh giá khả năng và xác định nhu cầu hỗ trợ tiếp.
Tiến sĩ Trần Quyết Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nhận định: Không nhất thiết Bộ phải khống chế thời gian luân phiên là 3 tháng mà nên thay đổi tùy theo kỹ thuật chuyển giao cũng như địa bàn và chất lượng y tế cơ sở. Thêm vào đó, nên tăng cường kinh phí cho việc tổ chức đào tạo cán bộ tuyến dưới, bởi nếu không đủ trình độ thì họ sẽ khó có thể tiếp nhận hỗ trợ từ tuyến trên.
Nan giải việc phân bổ nguồn lực y tế các vùng miền
Thạc sĩ Vũ Thị Minh Hạnh, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cho rằng: Khả năng cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các vùng miền ở nước ta phân bố không đều về số lượng cơ sở, quy mô và cả chất lượng. Theo đó, cả nước có 1.182 bệnh viện với quy mô 177.457 giường bệnh, trong đó tuyến Trung ương có 47 bệnh viện với 21.995 giường (12,4%), tuyến tỉnh có 395 bệnh viện với 90.665 giường (51,1%), tuyến huyện 615 bệnh viện với 55.190 giường (31,1%). Như vậy có thể thấy, bệnh viện Trung ương và tỉnh chiếm tới 63,4% bệnh viện của cả nước. Hơn thế, khu vực thành thị (Trung ương và tỉnh) chiếm tới 51,3% cán bộ y tế, 60% bác sĩ, 84% dược sĩ đại học trong khi dân số chỉ chiếm hơn 28%. Cũng theo Điều tra y tế quốc gia, khoảng cách trung bình từ nhà tới bệnh viện tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Hồng là gần 22,9km, 45km và Tây Nguyên là 64,3km… Cùng với đó là việc thời gian trung bình di chuyển từ nhà tới phòng khám đa khoa khu vực ở Đồng bằng sông Hồng là 86 phút còn ở Tây Bắc, Đông Bắc là 315 phút…
Thạc sĩ Vũ Thị Minh Hạnh cũng cho biết, việc thiếu hụt, chênh lệch phân bổ nguồn lực y trong khi đó ở khu vực Tây Bắc là 30,1km, Bắc Trung Bộ 46,2km, Đông Nam Bộ tế là chuyện phổ biến của nhiều nước trên thế giới. Theo đó, có 4 nhóm chính sách để giải quyết vấn đề là tuyển dụng và đào tạo; tăng cường tài chính; điều cán bộ về vùng khó khăn và các biện pháp hỗ trợ khác. Đối tượng luân phiên có thể là sinh viên sắp tốt nghiệp, sau tốt nghiệp, cán bộ trước khi đi học chuyên khoa hoặc cán bộ chuyên khoa sâu… Về cách thức thực hiện, có thể xác định là chương trình quốc gia, thành lập ban cố vấn quốc gia, tổ tư vấn ở địa phương, đồng thời phát huy vai trò của hội nghề nghiệp… Tuy nhiên, biện pháp hiệu quả vẫn là vận dụng linh hoạt các quy định, đả thông tư tưởng, chuẩn bị tốt về kiến thức, tâm lý cho cán bộ trước khi luân phiên và cơ sở vật chất, thái độ cán bộ nơi tiếp nhận./.
(Hoàng Trường Giang/QĐND)