Thứ Ba, 1/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 22/3/2012 15:37'(GMT+7)

Chung sức xây dựng nông thôn mới: Lào Cai xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch

 Theo các nhà chuyên môn, trung bình một du khách quốc tế đến Sa Pa tiêu dùng 700 nghìn đồng/ngày; một du khách trong nước trung bình cũng tiêu dùng ít nhất bằng nửa số đó. Vậy, một tháng nếu một thôn bản đón khoảng 100 lượt khách và giữ chân được ít nhất 2 ngày/người đã có nguồn thu trên 140 triệu đồng, một năm thu hàng tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ đố với người dân nông thôn nếu làm tốt các dịch vụ cũng như chính quyền quan tâm đúng mức tới phát triển cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách khuyến khích phát triển đúng mức ngành công nghiệp không khói này ở vùng nông thôn.

Đánh thức tiềm năng du lịch ở những xã khó khăn

Trong quy hoạch nông thôn mới, hầu hết các tiêu chí đều rất phù hợp với phát triển du lịch, đặc biệt là kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, quy hoạch cụm, tuyến dân cư, khôi phục làng nghề, dạy nghề, quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến; cải tạo môi trường nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thực tế ở Lào Cai, đường giao thông phát triển đến đâu, du lịch mở mang tới đó. Đơn cử như huyện Bát Xát, năm 2010 du lịch không có gì, nhưng sang năm 2011, sau khi có đường nhựa thông suốt từ thành phố Lào Cai lên Ý Tý, A Lù, A Mú Sung, địa phương này đã đón trên 300 lượt khách du lịch nước ngoài. Theo ông Bùi Hữu Lợi, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Bát Xát, trong quá trình xây dựng nông thôn mới từ nay đến năm 2015, Bát Xát sẽ đón khoảng 1 vạn lượt khách tham quan du lịch. Hiện nay huyện đã có dự án xây dựng các mô hình làng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Trong đó, các điểm xã Ý Tý, A Mú Sung, chợ văn hóa Mường Hum, Làng thanh niên Trịnh Tường sẽ là những điểm chính để khách tham quan, du lịch. Hiện trên dọc tuyến tỉnh lộ 156 từ huyện lỵ Bát Xát đến điểm nút giáp biên giới xã A Lù đã được quy hoạch trồng các loại cây có hoa đặc trưng như hoa gạo, hoa ban xen kẽ với các cây hoa phượng, hoa đỗ quyên... tạo cảnh quan đa sắc màu phong phú thêm núi rừng biên giới nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.

Phía đông bắc của Lào Cai, tuyến đường từ thành phố Lào Cai đi huyện Mường Khương đã thông suốt sang huyện vùng cao, vùng sâu Si Ma Cai, kéo Si Ma Cai gần hơn với thành phố tỉnh lỵ hàng chục km. Từ đây có thể đi sang Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên và xuôi về Hà Nội theo quốc lộ 70 hoặc thông sang ga đường sắt Bảo Hà, đủ một tour 3 đến 6 ngày với chuyến đi của khách. Nếu dọc tuyến này có các điểm dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi và hoạt động phong phú khác, cũng có thể giữ chân du khách đến hàng tuần. Hiện, ngoài thị trấn Bắc Hà đã có điểm dừng chân cho du khách, trên tuyến phía đông này, các xã Tung Chung Phố, Cao Sơn (Mường Khương) và Sín Chéng, Cán Cấu (Si Ma Cai) cũng đang hình thành những điểm du lịch tham quan hấp dẫn thông qua các tiêu chí xây dựng nông thôn mới như quy hoạch cụm, tuyến dân cư, khôi phục làng nghề, phát triển giao thông nông thôn, vệ sinh làng bản, ruộng bậc thang, chợ văn hóa giàu bản sắc...

Để hấp dẫn và giữ chân du khách

Năm 2011 mặc dù nền kinh tế thế giới suy thoái và ảnh hưởng tới Việt Nam, nhưng lượng du khách tới Lào Cai vẫn đạt con số 970 nghìn lượt người, tăng 15% so với 2011, trong đó có khoảng 1/3 là du khách quốc tế đến từ hàng chục quốc gia khác nhau. Lượng du khách tăng nhanh và đều, chứng tỏ các điểm du lịch Lào Cai vẫn hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là doanh thu từ ngành du lịch thì chưa có sự tăng trưởng tương xứng với tiềm năng lớn hiện có, bởi một lý do quan trọng là sự lưu lại của du khách quá ngắn. Nói theo kiểu nôm na là dịch vụ chưa phát triển tương xứng đủ khả năng "moi được túi tiền" của du khách, đặc biệt là du khách có thu nhập cao.

Một lợi thế của Sa Pa nói riêng và các điểm du lịch của Lào Cai nói chung là du khách chất lượng cao rất quan tâm đến du lịch văn hóa bản làng. Tuy nhiên, đến nay cả vùng du lịch Sa Pa và Bắc Hà mới có 90 hộ tham gia kinh doanh nhà nghỉ tại địa phương theo kiểu homestay. Tại các điểm này, chất lượng cũng còn thấp, hầu hết giá nghỉ qua đêm cho mỗi du khách phổ biến 100 nghìn đồng, cao nhất chỉ là 150 nghìn đồng. Trong khi đó, ở những quốc gia phát triển mạnh về du lịch như Thái Lan, loại hình homestay thu mức giá cao không kém các vùng đô thị, từ 1,5 đến 2 triệu đồng/đêm.

Để tăng doanh thu cho ngành du lịch và các điểm du lịch của Lào Cai hấp dẫn du khách hơn cần phát triển mạnh các dịch vụ giải trí, thương mại bên cạnh đảm bảo dịch vụ thiết yếu, như: nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, vận tải... Hiện tại, bên cạnh các điểm du lịch bản làng vừa thiếu vừa yếu thì các điểm du lịch mang tính chuyên nghiệp như thị trấn Sa Pa, thành phố Lào Cai và các điểm khác như Bắc Hà, Bảo Yên cũng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu hưởng thụ dịch vụ hạng sang và đánh thức nhu cầu tiêu dùng của nhiều du khách tại các điểm du lịch. Những ngày cao điểm 30/4, 1/5 và các ngày 2/9, ngày lễ tết, Lào Cai luôn bị "cháy" phòng nghỉ hạng sang. Du khách muốn được sử dụng dịch vụ này phải đặt trước thời gian dài hàng tháng. Bởi toàn tỉnh mới có khoảng 50 trong tổng số 500 khách sạn, nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn 1-4 sao.Chỉ có khách sạn Victoria Sa Pa là đạt tiêu chuẩn 4 sao, 6 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao (thành phố Lào Cai 2 khách sạn), còn lại thuộc về thị trấn Sa Pa. Nhiều nhân viên du lịch được coi là có nghiệp vụ, ngoại ngữ khá nhưng lại thiếu kiến thức văn hóa, thiếu am hiểu về đời sống của đồng bào các dân tộc Lào Cai, điều mà du khách đòi hỏi khi tham gia tua, tuyến, du lịch bản làng.

Hy vọng rằng, với chiến lược xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch, Lào Cai sẽ đạt con số hàng triệu lượt khách trong thời gian tới, nhất là du khách đến với bản làng ngày càng tăng và lưu lại lâu hơn./.

Lục Văn Toán/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất