Để cô lập các ổ dịch, các lực lượng chức năng phải tổ chức tiêu hủy toàn bộ số lợn bị chết và cả những đàn heo ở khu vực xung quanh. Các hộ chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy được Nhà nước chi tiền hỗ trợ nhưng thủ tục phức tạp, tiền hỗ trợ thấp, giải quyết chậm nên đã có những trường hợp khi thấy đàn heo của mình có dấu hiệu nhiễm bệnh thì người chăn nuôi bán tháo lợn, khiến nguy cơ lây lan dịch ASF tăng thêm. Trong khi đó, cơ quan thú y ở nhiều địa phương hoạt động trì trệ, không hiệu quả, không chủ động giám sát nắm bắt thông tin, không tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vaccine, không xử lý các trường hợp vi phạm. Điều đáng lo ngại là có rất nhiều thịt lợn ra thị trường không qua kiểm dịch. Nhiều người tiêu dùng vẫn có thói quen mua thực phẩm ở các chợ vỉa hè dù thịt bán ở đó không rõ nguồn gốc, nên dịch ASF dễ lây lan.
Tuy virus dịch ASF lây lan chậm và chỉ lây nhiễm trên lợn, không lây sang người và không gây bệnh cho các loài động vật khác, nhưng virus này có sức đề kháng cao, gây chết 100% số heo mắc bệnh. Hiện nay trên thế giới chưa có vaccine phòng bệnh nên chưa thể khống chế dịch ASF một cách triệt để. Chỉ trong 6 tháng qua, Trung Quốc đã tiêu hủy gần 1 triệu con lợn nhiễm hoặc có nguy cơ nhiễm virus ASF, đồng thời triển khai nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch, song vẫn không thể kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh. Nhiều biện pháp quyết liệt ngăn chặn xâm nhiễm dịch ASF đã được nhiều nước thực hiện. Nhật Bản, Australia, lãnh thổ Đài Loan... đang thực hiện nghiêm ngặt việc cấm hành khách nhập cảnh nếu mang theo một số loại thực phẩm làm từ thịt; và áp dụng mức phạt tiền rất cao, thậm chí Australia còn áp dụng cả mức phạt tù.
Nước ta nằm cạnh tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã bùng phát mạnh dịch ASF, nên có nhiều rủi ro lây nhiễm bệnh do khó kiểm soát chặt việc vận chuyển, giao thương qua biên giới các sản phẩm thịt lợn nhiễm bệnh. Trước thực tế đó, Thủ tướng cũng đã kịp thời ban hành Chỉ thị 04/CT-TTg về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế dịch ASF, tập trung 11 nhiệm vụ chủ yếu. Trong đó, có những biện pháp mạnh như: xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật làm lây lan dịch bệnh; giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có dịch ASF; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bánlợn, sản phẩm heo trên địa bàn; rà soát mức hỗ trợ kinh phí và cơ chế, thời gian hỗ trợ để người chăn nuôi tích cực hợp tác, báo cáo dịch bệnh và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Nhiều tỉnh - thành cũng đã triệu tập họp khẩn cấp để phân công, phân nhiệm triển khai các biện pháp ngăn dịch ASF xâm nhiễm và lây lan trên địa bàn. Lãnh đạo UBND tỉnh - thành trực tiếp xuống hiện trường, chỉ đạo công tác xử lý theo đúng quy trình; phân công cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở để theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn heo; lập các chốt, các đoàn kiểm tra ngăn chặn lợn, sản phẩm từlợn vận chuyển đến từ các địa phương, đặc biệt là các địa phương có dịch. TPHCM đã triển khai kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với dịch ASF; tiến hành công tác tuyên truyền phòng chống dịch ASF và hướng dẫn an toàn sinh học chăn nuôi để chuyển đến từng hộ chăn nuôi. Các cơ quan chức năng cũng đã triển khai nhiều chốt chặn kiểm soát lợn có dấu hiệu bệnh hoặc không rõ nguồn gốc vận chuyển vào TPHCM, tăng cường 3 đoàn liên ngành chốt chặn kiểm tra và tổ chức các đội liên ngành để kết hợp các quận - huyện kiểm tra thịt lợn ở chợ lẻ, chợ đầu mối. Ngoài các phương pháp lấy mẫu, sẽ tăng cường truy ngược lại nguồn gốc thịt lợn bán tại chợ lẻ.
Tình hình dịch ASF đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ lan rộng. Nếu không có các biện pháp tập trung quyết liệt và hiệu quả thì nguy cơ dịch sẽ tiếp tục lây lan nhanh, tác hại sẽ rất lớn. Trong những ngày qua, giá lợn hơi đã bị giảm mạnh, thị trường thịt lợn bị thu hẹp, ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hộ chăn nuôi. Việc xuất khẩu thực phẩm chế biến của Việt Nam ra các nước cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, cản ngại.
Để ngăn chặn dịch ASF không trở thành đại dịch, cần thực hiện quyết liệt Chỉ thị 04/CT-TTg. Cùng với việc kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp lợn mắc bệnh, cần nghiên cứu các kinh nghiệm dập ổ dịch, không để lây lan và giảm thiệt hại trong chăn nuôi. Cần tuyên truyền, vận động người chăn nuôi cam kết không giấu dịch, không mua bán và vận chuyển heo bệnh chết, không giết mổ và tiêu thụ thịt lợn bệnh chết, không vứt lợn chết ra môi trường. Những trường hợp cố ý vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Những trường hợp cán bộ lơ là nhiệm vụ ngăn ngừa dịch ASF cũng phải bị xử lý nghiêm. Song song đó, phải ý thức việc khống chế dịch ASF không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành nào, địa phương nào, và càng không chỉ là nỗi lo của riêng người chăn nuôi lợn.
HUỲNH THANH LUÂN/SGGP