Thứ Bảy, 23/11/2024
Xã hội
Chủ Nhật, 3/3/2019 8:1'(GMT+7)

Những cột mốc sống nơi biên cương Tổ quốc

Những năm gần đây, các cột mốc, đường biên giới thuộc thôn Lùng Thàng, xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang chẳng mấy khi vắng người. Khi đi chăn thả gia súc hay lên làm nương ở khu vực giáp biên này người dân trong thôn lại dành thời gian đi một vòng tuyến biên giới, phát quang dọn dẹp quanh các cột mốc. Những việc làm này đã thành thói quen của người dân ở Lùng Thàng.

Với anh Hoàng Chín Sài, người dân của thôn, đây còn là nếp sinh hoạt hằng ngày: “Hàng ngày từ 10 giờ trở đi, thả bò rồi đi xem mốc trên biên giới. Ngày Tết cũng vẫn lên đây.”
Ông Vàng Diu Sịt, Trưởng thôn cho biết sản xuất kết hợp với bảo vệ biên giới là nguyện vọng của toàn dân Lùng Thàng: “Chúng tôi sinh ra ở mảnh đất này, thuộc trách nhiệm của chúng tôi là phải làm tốt công tác bảo vệ đường biên, mốc giới. Cách hiệu quả nhất từ dân, có cái gì xảy ra báo cáo kịp thời. Chúng tôi ở địa bàn đây, phải nắm bắt mọi tình hình tâm tư nguyện vọng toàn dân, có gì xấu xảy ra chúng tôi báo cáo kịp thời cấp trên xử lý”.

Thôn Lùng Thàng được giao tự quản 10 cột mốc biên giới trong tổng số 106 cột mốc với đường biên dài 41,317 km tại huyện Mèo Vạc. Để bảo vệ số cột mốc, đường biên này, thôn Lùng Thàng nói riêng và các xã ở huyện đã thành lập nhiều tổ, hộ tự quản. Các thành viên trong các tổ tự quản trở thành lực lượng quan trọng giúp chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng kịp thời nắm bắt tình hình.

Ông Lù A Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cho biết: “Bà con nhân dân được thành lập tổ tham gia tự quản đường biên mốc giới. Thành lập từ 2015 đến nay các tổ hoạt động rất đều đặn. Được giao nhiệm vụ thường xuyên, kiểm tra đường biên mốc giới và đặc biệt là giao cho các hộ mà có diện tích ruộng nương gần mốc trực tiếp tham gia bảo vệ và khi có vấn đề gì về đường biên mốc giới xảy ra, các hộ cũng kịp thời báo cáo về cấp ủy, chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng để biết được và kịp thời xử lý”.

Không chỉ Hà Giang, mà hầu khắp các tỉnh có tuyến biên giới đã tổ chức nhiều mô hình hay để người dân tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới, trong đó nhiều địa phương đã thành lập các câu lạc bộ, các tổ phụ nữ tự quản đường biên cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn bản biên giới và giúp nhau vươn lên xóa đói giảm nghèo. 5 thôn giáp biên của xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đều có tổ tự quản đường biên, mốc giới. Tổ phụ nữ thôn Sấn Pản là một trong số đó. Sinh hoạt mỗi tháng một lần, ngoài việc được ưu tiên vay vốn phát triển sản xuất, các thành viên trong tổ tự nguyện luân phiên hàng tuần tham gia tuần tra cùng với các chiến sỹ đồn biên phòng Nậm Chảy, dọn dẹp đường biên, cột mốc và vận động người thân trong gia đình, thôn bản, thực hiện nghiêm quy chế biên giới đất liền, không vượt biên trái phép, không xâm canh, xâm cư sang nước bạn.

Chị Lù Thị Lan thành viên tổ phụ nữ thôn Sấn Pản cho biết: “Chúng tôi có 49 hội viên, chị em chúng tôi cùng các chú bộ đội đi phát dọn xung quanh cột mốc cho sạch sẽ, các chị em cũng rất nhiệt tình. Bộ đội cũng thường xuyên tuyên truyền tới bà con và chị em không được chăn thả gia súc quanh cột mốc, gây xước cột mốc, cũng luôn tuyên truyền cho chị em không vượt qua biên giới sang nước ngoài làm thuê, chị em rất chấp hành”.

Theo Trung tá Cù Xuân Thảo, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nậm Chảy, Bộ đội biên phòng Lào Cai, Đảng ủy, ban chỉ huy đồn đã có chương trình ký kết với hội phụ nữ của xã Nậm Chảy triển khai mô hình phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc. Các đợt phối hợp tuần tra, dọn vệ sinh kết hợp với tuyên truyền bảo vệ đường biên mốc giới tới các thành viên trong đội, qua đó, các đội tự quản cũng phối hợp tốt với đồn biên phòng thực hiện tuyên truyền về bảo vệ đường biên cột mốc, cũng như các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước tới cộng đồng dân cư.

“Các hộ tham gia có nương rẫy canh tác trên đường biên cột mốc đã phối hợp rất chặt chẽ với lực lượng bộ đội biên phòng Với các bộ chiến sỹ trong việc phát hiện mọi hoạt động như việc hoạt động xâm canh, xâm cư cũng như các hoạt động tội phạm đã kịp thời báo cáo cho đồn biên phòng để xử lý kịp thời. không để mang tính chất điểm nóng ở biên giới, qua việc này tôi thấy cần nhân rộng mô hình tổ tự quản đường biên, cột mốc”, Trung tá Thảo nói.

Dù mỗi địa phương mỗi sáng tạo, song với sự tổ chức của chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng biên phòng, mỗi người dân nơi biên cương đang là những cột mốc sống, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và giữ gìn an ninh biên giới./.

Theo VOV.VN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất