(TG)- Ông Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông
mới cho biết chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ theo hướng thực học -
thực nghiệp và bảo đảm tính dân chủ.
Chiều 17/1, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ngân hàng
Thế giới khởi động dự án “Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông”.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm
Mạnh Hùng cho biết công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào
tạo ở Việt Nam đã và đang được khẩn trương thực hiện với nhiều hoạt
động, trong đó có đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ
thông.
Hiệp định tài trợ dự án “Hỗ trợ đổi mới
giáo dục phổ thông” giữa Việt Nam và Hiệp hội Phát triển quốc tế đã có
hiệu lực từ ngày 8/8/2016.
Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cam kết
tài trợ một khoản tín dụng ưu đãi trị giá 77 triệu USD để thực hiện các
mục tiêu của dự án, đó là: Nâng cao kết quả học tập của học sinh thông
qua việc xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo
hướng tiếp cận dựa trên năng lực; nâng cao hiệu quả dạy-học bằng việc
biên soạn, thực hiện sách giáo khoa phù hợp với chương trình giáo dục
phổ thông mới và đổi mới đánh giá giáo dục học sinh.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Thuyết,
Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng đề cập về định
hướng xây dựng chương trình này. Theo đó, việc phát triển chương trình
giáo dục phổ thông mới hướng tới mục tiêu hình thành, phát triển phẩm
chất, năng lực của học sinh, với triết lý giáo dục là thực học - thực
nghiệp và bảo đảm tính dân chủ. Cụ thể, học đi đôi với hành, lý luận gắn
liền với thực tiễn, phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh.
Chương trình lấy người học làm trung
tâm, tích cực hóa hoạt động học tập, kết hợp giáo dục ở nhà trường với
giáo dục tại gia đình và ngoài xã hội; bảo đảm sự kết nối chặt chẽ giữa
các cấp học, lớp học; kế thừa, phát triển các chương trình giáo dục phổ
thông đã có và tiếp thu có chọn lọc chương trình giáo dục phổ thông của
các nước có nền giáo dục phát triển; bảo đảm sự liên thông với giáo dục
mầm non, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng mong muốn các
chuyên gia phát triển chương trình, biên soạn sách giáo khoa, các thành
viên Hội đồng Quốc gia thẩm định chương trình, sách giáo khoa nỗ lực hết
mình, hợp tác chặt chẽ, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các cơ sở giáo
dục, các tầng lớp nhân dân và chuyên gia tư vấn quốc tế để xây dựng
chương trình và biên soạn bộ sách giáo khoa giáo dục phổ thông có chất
lượng tốt nhất./.
PV