Thứ Tư, 25/9/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 4/1/2017 11:4'(GMT+7)

Bàn về việc cho điểm trong bài thi trắc nghiệm

Cùng với đó là sự lo lắng của học sinh, giáo viên, phụ huynh về tính mới lạ và khách quan của phương pháp này.

Nhân đây, chúng tôi xin có vài ý kiến như sau :

Giáo dục là hoạt động vừa mang tính khoa học, vừa mang tính nghệ thuật và thực tiễn rất cao. Là hoạt động khoa học, giáo dục yêu cầu mọi nội dung, phương pháp trước khi thực hiện đại trà, đều phải được thực nghiệm để rút ra những bài học kinh nghiệm về tính khả thi, hiệu quả và điều kiện để thực hiện nội dung, phương pháp mới. Từ đó đối chiếu với thực tiễn, mục tiêu giáo dục để quyết định có nên áp dụng nội dung, phương pháp mới đó hay không ?

Một nguyên tắc nghiêm ngặt trong giáo dục là là không được phép làm sai, làm hỏng. Bởi vì sản phẩm của giáo dục là con người. Sản phẩm đó không được phép có thứ phẩm hay phế phẩm như sản phảm của sản xuất vật chất. Vì vậy ngay cả chương trình thực nghiệm cũng phải được cân nhắc kỹ lưỡng sao cho không có thứ phẩm hay phế phẩm.

Mỗi phương pháp giáo dục hay dạy học đều có những ưu nhược điểm nhất định, đều đòi hỏi những điều kiện nhất định về chủ quan, khách quan phù hợp thì mới đạt hiệu quả cao. Không có phương pháp nào là vạn năng, hoàn mỹ. Nhà giáo dục cần nắm vững những vấn đề đó của mỗi phương pháp mà lựa chọn vận dụng sao cho phù hợp.

Về phương pháp trắc nghiệm trong kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh là phương pháp mới so với phương pháp tự luận truyền thống. Điều này giúp cho người thày, nhà quản lý giáo dục kiểm tra được một khối lượng lớn kiến thức trong thời gian ngắn. Bởi vì để trả lời mỗi câu hỏi, học sinh chỉ cần đánh dấu vào một ô nào đó trong tờ giấy kiểm tra chứ không phải viết thành câu, thành chữ. Do đó đòi hỏi học sinh phải suy nghĩ, thao tác nhanh, chính xác khi làm bài. Đồng thời giúp cho việc chấm bài được nhanh, chính xác, nhất là khi chấm bằng máy.

Với những đặc điểm trên, phương pháp trắc nghiệm không thể kiểm tra, đánh giá được phương pháp tư duy, lập luận của học sinh như thế nào để dẫn tới kết quả câu trả lời. Có khi câu trả lời là sự đánh đáu liều, hú họa, cầu may vì không nghĩ ra. Bởi nếu trả lời sai chỉ không được điểm chứ không bị mất điểm. Ấy là chưa kể việc “cóp bài” của bạn trong thi trắc nghiệm rất nhanh, rất dễ, chỉ liếc qua bạn đánh dấu ở ô nào là “cóp” được ngay.

Như vậy, những câu trả lời nhờ copy từ bài thi của bạn và đánh dấu “liều” “cầu may” đều không phản ánh đúng trình độ của học sinh.

Theo chúng tôi, để có quyết định cho việc trả lời một câu hỏi trắc nghiệm, học sinh phải thận trọng, xuất phát từ suy nghĩ chín chắn, chứ không phải là việc tích vào ô trắc nghiệm theo kiểu “đánh bạc”, thì khi đánh giá, cho điểm mỗi câu trả lời sai, người chấm không nên để là điểm “không” (0) mà phải là điểm âm. Điều này sẽ khiến học sinh hạn chế được tình trạng “trả lời bừa” khi không nghiên cứu, nắm chắc câu hỏi, vì nếu trả lời “liều” mà sai sẽ bị mất điểm - điểm âm. Do số câu hỏi trong bài kiểm tra trắc nghiệm rất nhiều, nên không thể cho điểm âm với từng câu trả lời sai mà là điểm âm với tổng số câu trả lời sai. Tổng số đó là bao nhiêu thì tùy thuộc số câu hỏi của bài kiểm tra. Ví dụ cứ 4 câu trả lời sai bị trừ đi 1/4 điểm chẳng hạn. Tổng điểm toàn bài là số âm thì cho bài làm được điểm “không” (0).

Nếu trong biểu điểm chấm bài thi trắc nghiệm mà có điểm âm với câu trả lời sai thì việc đánh dấu “liều”, “cầu may” của học sinh sẽ ít xảy ra. Học sinh sẽ phải suy nghĩ kỹ, thận trọng trước khi lựa chọn phương án trả lời. Nhờ đó bài làm phản ánh đúng trình độ của học sinh hơn, phương pháp trắc nghiệm sẽ đánh giá được khách quan hơn./.

Vũ Duy Yên
Trường CĐSP Thái Bình      


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất