Thứ Tư, 9/10/2024
Thế giới
Thứ Tư, 11/1/2012 13:50'(GMT+7)

Chương trình hạt nhân Iran: Nga lo ngại, EU chuẩn bị cấm vận dầu mỏ

Iran sẽ gánh chịu thiệt hại lớn nếu bị cấm vận xuất khẩu dầu, bởi nước đây là 80% nguồn thu của Iran.

Iran sẽ gánh chịu thiệt hại lớn nếu bị cấm vận xuất khẩu dầu, bởi nước đây là 80% nguồn thu của Iran.

Trong tuyên bố được đưa ra ngày hôm qua, Bộ Ngoại giao Nga một mặt chỉ trích Iran, một đối tác thương mại quan trọng, mặt khác kêu gọi đàm phán. Tuyên bố cho rằng việc khởi động cơ sở hạt nhân gần thành phố linh thiêng Qom chứng tỏ Tehran tiếp tục phớt lờ lo ngại của quốc tế về chương trình hạt nhân của nước này.

Song Nga kêu gọi các bên liên quan đến căng thẳng hạt nhân của Iran tránh “những động thái vội vã và thiếu suy xét”. “Chúng tôi khẳng định rằng tất cả các vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran phải được giải quyết chỉ qua con đường đàm phán và đối thoại, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, tiến triển dần dần và qua sự nhượng bộ giữa các bên”, tuyên bố cho biết.

Mátxcơva đã ủng hộ một số lệnh trừng phạt trước đây của Liên hợp quốc đối với Iran, nhưng những tháng gần đây đã kịch liệt phản đối các lệnh trừng phạt mới và kêu gọi đối thoại.

Trong khi đó, một ngày sau khi Iran xác nhận bắt đầu làm giàu urani ở cơ sở ngầm trong lòng núi và kết án tử hình một người mang hai quốc tịch Mỹ-Iran vì tội làm gián điệp, EU đã triệu tập một cuộc họp cấp bộ trưởng, với mục đích gia nhập với Mỹ, cấm Iran xuất khẩu dầu mỏ.

Bộ trưởng phụ trách Trung Đông của Anh Alistair Burt hôm qua kêu gọi các nước phản đối Iran theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân tăng cường áp lực lên Tehran. Ngoại trưởng Italia hôm qua cũng cho biết nước ông ủng hộ một biện pháp cấm vấn dần dần đối với dầu lửa Iran.

Nhật cũng có những động thái phòng trước, chuẩn bị cho trường hợp nước này gia nhập lệnh cấm vận dầu thô của quốc tế đối với Iran, khi yêu cầu Ảrập Xê-út và Các tiểu vương quốc Ảrập giúp nước này bù đắp lượng dầu bị thiếu hụt.

Tổng thống Mỹ Obama một tuần trước đã phê chuẩn các lệnh trừng phạt mới đối với Iran, nhắm vào ngân hàng trung ương và khả năng bán dầu lửa ra nước ngoài của nước này. Mỹ đã lùi áp dụng các biện pháp trừng phạt này trong ít nhất 6 tháng, do lo ngại giá dầu lửa có thể bị đẩy lên cao hơn vào thời điểm kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn.

Iran đã đáp lại áp lực của phương Tây bằng đe dọa và các cuộc phô diễn sức mạnh quân sự. Một chỉ huy cấp cao của Lực lượng vệ binh cách mạng Iran gần đây cho biết ban lãnh đạo của Tehran đã quyết định đóng cửa Eo biển Hormuz, tuyến đường dầu mỏ chiến lược, nếu nước này bị chặn xuất khẩu dầu mỏ./.

(Theo: Dân Trí)



 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất