Thứ Tư, 9/10/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 7/1/2012 21:20'(GMT+7)

"Sức ép kép" đối với Xy-ri

 

Hơn mười ngày qua, nhóm quan sát viên đầu tiên của AL gồm 50 người đã đến nhiều "điểm nóng" ở Xy-ri để thực hiện sứ mệnh của mình. Tổng Thư ký AL N.En-ba-ra-bi đã xác nhận quân đội chính phủ đã rút khỏi các khu dân cư và đang đóng tại vùng ngoại ô của một số thành phố. Tuy nhiên, các cuộc đấu súng tiếp tục diễn ra và các tay súng bắn tỉa vẫn là mối đe dọa. Trong khi đó, các nhóm đối lập ở Xy-ri, không tin vào phái đoàn giám sát của AL, đang nỗ lực tạo dựng sức ép chính trị nhằm tăng cường ảnh hưởng của họ. Ngày 30-12-2011, tại Cai-rô (Ai Cập), Hội đồng Dân tộc Xy-ri (SNC), nhóm đối lập hàng đầu lưu vong đóng ở Thổ Nhĩ Kỳ, đã ký một thỏa thuận với Ủy ban Ðiều phối Dân tộc (NCC), có trụ sở tại Xy-ri, định ra các nguyên tắc nền tảng cho  "giai đoạn chuyển tiếp" một khi chế độ của Tổng thống Át-xát bị lật đổ. Thỏa thuận này sẽ được các nhóm đối lập khác xem xét tại một hội nghị vào tháng 1 này. Theo thỏa thuận này, hai bên "bác bỏ bất cứ sự can thiệp nào đe dọa chủ quyền và sự ổn định của Xy-ri". Giai đoạn chuyển tiếp là một năm và có thể được xem xét một lần nếu thấy cần thiết. Trong giai đoạn đó, Xy-ri sẽ thông qua một hiến pháp mới "bảo đảm một chế độ nghị viện vì một nhà nước dân sự và dân chủ". 

Các phe phái đối lập ở Xy-ri cũng không tin tưởng phái đoàn giám sát của AL có thể giúp ngăn chặn được bạo lực. Sự hoài nghi của các nhóm đối lập ở Xy-ri đối với phái đoàn quan sát viên AL là có cơ sở. Theo kế hoạch, phái đoàn giám sát của AL gồm 150 người. Nay mới chỉ có 50 người được đến giám sát các thị trấn và thành phố của đất nước Bắc Phi 23 triệu dân này. Họ lại dựa vào phương tiện đi lại của Xy-ri có  lực lượng an ninh hộ tống, những nhân viên mà người biểu tình cho rằng đã ngăn các quan sát viên tiếp xúc với họ. Những người biểu tình muốn giãi bày với các quan sát viên rằng, họ bị đàn áp và cuộc sống của họ sẽ gặp đầy rủi ro vì ở nơi nào họ muốn gặp quan sát viên AL đều có lực lượng an ninh canh giữ, bắt giam. Mặt khác, ngay chính AL cũng có vấn đề nội bộ. AL được thành lập năm 1945 với mục đích củng cố quan hệ giữa 22 nước thành viên. Trong suốt quá trình tồn tại, sự thống nhất của AL thường rạn nứt vì những ưu tiên lợi ích quốc gia. Những động thái kể từ khi bùng nổ "Mùa Xuân A-rập" là bằng chứng rõ ràng cho thấy điều đó. Chính AL đã "bật đèn xanh" cho nghị quyết thiết lập vùng cấm bay ở Li-bi, dẫn tới việc phương Tây can thiệp bằng quân sự ở nước này. Và cũng chính AL đã ra quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Xy-ri và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nước này.

AL đã cam kết giải quyết cuộc khủng hoảng ở Xy-ri bằng một lộ trình riêng mang tên "giải pháp A-rập". Nhưng chính các nước A-rập và phương Tây đang nghi ngờ khả năng này của AL. QH A-rập, một ủy ban  88 thành viên gồm đại diện của các nước thành viên AL, đã yêu cầu các quan sát viên AL rời khỏi Xy-ri vì sứ mệnh của họ đã không ngăn chặn được bạo lực. Cho đến nay, họ mới chỉ "ép" được Ða-mát thả hơn 3.480 tù nhân trong số 37 nghìn người bị giam giữ. Ông B.Ga-li-un, người đứng đầu SNC, cho biết nếu chính quyền Át-xát không thực hiện kế hoạch hòa bình của AL, thì "không có giải pháp nào khác là phải viện đến Hội đồng Bảo an LHQ". Pháp, nước ủng hộ kế hoạch của AL, nêu rõ nếu sự can dự của AL không mang lại kết quả như mong đợi, rất có thể Pa-ri sẽ đi đầu trong sự lựa chọn một "giải pháp mạnh mẽ của LHQ". Ngày 3-1 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Oa-sinh-tơn không tin rằng Ða-mát sẵn sàng thực hiện những điều khoản trong kế hoạch hòa bình của AL. Trong khi đó, chỉ huy của Quân đội Xy-ri tự do (FSA), đại tá R.An Át-xát, đe dọa rằng sẽ tăng cường các cuộc tiến công lực lượng của Tổng thống Át-xát.

Vậy là, chính quyền của Tổng thống Át-xát đang phải hứng chịu "sức ép kép": sức ép ở trong nước khi các nhóm đối lập đang nỗ lực hình thành một liên minh nhằm lật đổ ông Át-xát, sức ép của AL và phương Tây. Cái gọi là "Mùa Xuân A-rập"  đã trở thành cơn giông tố tràn qua khu vực Trung Ðông và Bắc Phi gần một năm qua. Nó đã "quật đổ" nhà cầm quyền ở Tuy-ni-di, Ai Cập, Li-bi và Y-ê-men. Thế nhưng, nó chưa thể lật nhào được chính quyền của Tổng thống Át-xát. Bước vào mùa Xuân này, "sức ép kép" đang gia tăng đối với Ða-mát. Nhiều nhà phân tích cho rằng, chính quyền của Tổng thống Át-xát tồn tại hơn 40 năm nay, đang đứng trước nguy cơ sụp đổ.

 
Theo Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất