Thứ Sáu, 22/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 19/9/2018 15:7'(GMT+7)

Chuyển biến rõ rệt trong thực hiện các nội dung giám sát, chất vấn

Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)

Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)

Các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến kết kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khoá XIV yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020; tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực công thương, tài nguyên và môi trường, giáo dục và đào tạo, nội vụ, nông nghiệp và phát triển nông thôn, văn hóa, thể thao và du lịch, y tế, kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng, thông tin và truyền thông.

Ngoài ra, Quốc hội giao Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo việc nâng cao chất lượng kiểm tra, xử lý tội phạm để hạn chế mức thấp nhất việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, nhất là đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng.

CHUYỂN BIẾN RÕ RỆT TRONG VIỆC THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG GIÁM SÁT, CHẤT VẤN

Theo báo cáo của Chính phủ, xác định những nhiệm vụ đã cam kết tại các phiên chất vấn qua các kỳ họp có ảnh hưởng lớn trong chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra.

Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ với kế hoạch rõ ràng, phân công cụ thể, thống nhất hành động, sâu sát thực tiễn, giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm và vấn đề phát sinh theo thẩm quyền, đề cao vai trò của Bộ trưởng, Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công, tạo sự thống nhất, minh bạch trong thực hiện nhiệm vụ.

Cũng theo báo cáo, bên cạnh những kết quả đạt được, còn những hạn chế, tồn tại mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận để có giải pháp kịp thời khắc phục. Chất lượng xây dựng thể chế còn một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu; việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh còn chậm; công tác phối hợp giữa các Bộ, cơ quan chưa hiệu quả; công tác quản lý, điều hành một số ngành, lĩnh vực còn bất cập nhưng chậm được khắc phục.

Những bất cập, hạn chế một phần do nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, thiếu quyết liệt trong triển khai nhiệm vụ, kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, chưa làm hết trách nhiệm, tổ chức bộ máy một số cơ quan chưa thực sự tinh gọn, thể chế về công tác cán bộ còn bất cập nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, chính quyền địa phương một số nơi chưa sâu sát thực tiễn, chưa chủ động theo dõi, nắm tình hình, còn bị động, bất ngờ trong xử lý tình huống phát sinh, công tác thông tin tuyên truyền định hướng dư luận xã hội còn hạn chế.

Chủ nhiệm, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết thêm, tất cả trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, ý kiến cử tri của Chính phủ, các Bộ được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Đồng thời, Văn phòng Chính phủ, các Bộ phối hợp với Quốc hội thường xuyên rà soát những nội dung Quốc hội yêu cầu, ý kiến chất vấn của cử tri, doanh nghiệp.

Tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đánh giá, thời gian qua, tất cả các thành viên Chính phủ, từ Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng đã quan tâm thực hiện các nội dung của Nghị quyết, giám sát của Quốc hội rất sát sao, đáp ứng được mong muốn của người dân về một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động.

Đáng chú ý, công tác rà soát việc thực hiện các lời hứa của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội đã khắc phục được nhiều vấn đề cử tri nêu lên rất nhiều trước đây, nhất là về vấn đề hậu giám sát.

"Trước đây việc xem xét, rà soát kết quả thực hiện các nội dung giám sát còn chưa bài bản. Nhưng thời gian qua, vấn đề này đã chuyển biến rõ rệt, nhất là về mặt trách nhiệm trả lời, giải quyết các chất vấn của các bộ trưởng. Đến nay, gần 100% câu hỏi của cử tri được tổng hợp trước và sau kỳ họp thứ 5 đã được các bộ trưởng trả lời", Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đánh giá, những nội dung các Nghị quyết của Quốc hội, những phản ánh của cử tri, chất vấn của các đại biểu Quốc hội đều được Chính phủ, các bộ ngành quan tâm thực hiện, tỷ lệ giải quyết đạt nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh, vấn đề đại biểu mong muốn là "nhìn thấy quyết sách, đường đi của Chính phủ, các bộ, ngành về những hành động trọng tâm để thực hiện các nghị quyết." 

"Mỗi nghị quyết này liên quan đến một mảng về phát triển kinh tế - xã hội, nên vấn đề đặt ra là Chính phủ triển khai như thế nào? Vì trong điều kiện hiện nay thách thức rất lớn, do đó các Nghị quyết không đợi chúng ta đầy đủ hết các điều kiện thực hiện, không chờ bộ máy của chúng ta hoàn chỉnh và không đợi chúng ta có những yếu tố thuận lợi để triển khai nghị quyết", ông Phan Thanh Bình nói.

CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH ĐỂ TẠO DƯ ĐỊA CHO TĂNG TRƯỞNG

Theo báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về thực hiện Nghị quyết số 43/2017/QH14 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020, việc phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương đã hợp lý hơn. Công tác thanh, kiểm tra, xử lý phòng chống ngộ độc thực phẩm được triển khai quyết liệt, đồng bộ. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được đổi mới. Việc kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc đã giảm.

Tuy nhiên, việc kiểm soát thực phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc còn hạn chế; tình hình buôn lậu thực phẩm qua biên giới diễn biến phức tạp. Tình trạng làm giả giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực thực phẩm vẫn diễn ra. Tử vong do ngộ độc rượu và độc tố tự nhiên chiếm tỷ lệ cao.

Việc thực hiện Nghị quyết số 56/2017/QH14 về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, theo báo cáo thẩm tra, về cơ bản, nhiều nội dung về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đã được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, việc tinh giản biên chế mới chỉ tập trung về số lượng mà chưa chú trọng tới chất lượng và vị trí việc làm.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Chủ nhiệm, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, vấn đề cải cách hành chính được Chính phủ thực hiện với tinh thần quyết liệt để tạo dư địa cho tăng trưởng. Trong số 5.623 điều kiện kinh doanh, đến nay đã cắt giảm 968 điều kiện, tinh thần sẽ cắt giảm thêm 2.826 điều kiện nữa. Tức là 3.794/5.623 điều kiện kinh doanh sẽ được cắt giảm. Một số Bộ, ngành đã tiên phong trong cải cách, tiến hành cắt giảm sớm các điều kiện. Nghị quyết 01/NQ-CP 2018 của Chính phủ cũng yêu cầu trong năm 2018 cắt giảm được 50% thủ tục hành chính và những thủ tục liên quan, định hướng tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội cũng đánh giá việc thực hiện các chuyên đề và chất vấn đối với lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Trong đó, nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết đã được Tòa án nhân dân tối cao rất chú trọng. Tranh tụng tại phiên tòa ngày càng được chú trọng hơn; Thực hiện nghiêm nguyên tắc độc lập trong xét xử, kiên quyết trả hồ sơ khi phát hiện thiếu chứng cứ hoặc có sai sót về tố tụng. Đối với các vụ án hình sự, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội.

Các vụ án lớn, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được khẩn trương đưa ra xét xử; các biện pháp để tăng cường thu hồi tài sản do phạm tội đã được chú trọng áp dụng. Đối với các vụ việc dân sự, tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành công đạt cao; số vụ việc dân sự được Tòa án nhân dân các cấp giải quyết tăng; tỷ lệ các bản án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm. Hầu hết các vụ án hành chính bảo đảm thời hạn luật định, việc tổ chức đối thoại được chú trọng.

Tuy nhiên, việc giao, gửi các văn bản tố tụng của một số Tòa án Nhân dân chưa bảo đảm thời gian luật định. Công tác giải quyết, xét xử vụ án hành chính tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ bản án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan mặc dù giảm nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tích cực triển khai nhiều biện pháp để thực hiện các yêu cầu tại Nghị quyết của Quốc hội như tăng cường công tố trong điều tra, gắn công tố với điều tra; tăng cường hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra hoạt động nghiệp vụ; xây dựng, hoàn thiện Quy chế nghiệp vụ, Quy chế phối hợp giữa các đơn vị trong nội bộ ngành và giữa các cơ quan tư pháp. Chất lượng hoạt động điều tra, kiểm sát hoạt động điều tra và truy tố tiếp tục được tăng cường, số lượng, chất lượng các bản yêu cầu điều tra được nâng lên. Các trường hợp đình chỉ do bị can không phạm tội giảm.

Tuy nhiên, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự của ngành Kiểm sát nhân dân còn một số hạn chế. Số vụ án phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung còn cao./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất