* Giảm tai nạn và ùn tắc giao thông
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 6 tháng đầu năm 2017, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn cả nước tiếp tục có chuyển biến tích cực, giao thông trong các đô thị lớn và trên các quốc lộ trọng điểm tiếp tục được duy trì ổn định. Tai nạn giao thông được kiềm chế, đạt chỉ tiêu giảm trên 5% cả số vụ, số người chết và số người bị thương. Đặc biệt, trong tháng 6/2017, tai nạn giao thông giảm 186 vụ (10,60%), giảm 131 người chết (16,93%), giảm 209 người bị thương (13,42%) so với cùng kỳ năm 2016; tai nạn giao thông đường sắt, đường thủy nội địa cũng giảm sâu cả 3 tiêu chí. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện các giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông, lập lại trật tự lòng, lề đường, vỉa hè đô thị và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Phó Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Lê Văn Khoa cho biết, địa phương này đã tổ chức điều tiết phân luồng thường xuyên tại 37 điểm ùn tắc, nhất là trong giờ cao điểm. 6 tháng đầu năm có 5 công trình cầu vượt ở những nơi ùn tắc giao thông được hoàn thành đưa vào sử dụng, trong đó 2 nhánh cầu vượt ở điểm vào sân bay Tân Sơn Nhất, đã giải quyết cơ bản tình trạng ùn ứ. Trong 37 điểm ùn tắc, 25 điểm đã có chuyển biến tích cực, 2 điểm ít chuyển biến, 10 điểm ùn tắc giao thông phức tạp. Hướng phấn đấu của Thành phố trong 6 tháng còn lại là duy trì 25 điểm khắc phục tốt và giải quyết các điểm còn lại một cách cơ bản.
* Còn nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng
Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng chỉ ra rằng tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, còn để xảy ra những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng cả đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Đáng chú ý là đã có 23 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, làm 81 người chết, bị thương 110 người (bao gồm vụ tai nạn trưa 30/6 vừa qua tại Kon Tum).
Vẫn còn 22 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2016, trong đó 10 địa phương tăng trên 15% là: Hà Nam, Gia Lai, Hậu Giang, Khánh Hòa, Hải Phòng, Yên Bái, An Giang, Quảng Trị, Cần Thơ, Lai Châu. 4 tỉnh An Giang, Quảng Trị, Cần Thơ, Lai Châu có số người chết tăng trên 30%.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, từ đầu năm đến nay đã xảy ra một số vụ cháy xe ô tô kinh doanh vận tải và phương tiện thủy chở khách du lịch, mặc dù không gây thiệt hại lớn về người nhưng thiệt hại về tài sản và gây hoang mang, bức xúc trong dư luận. Tình trạng xe dù bến cóc, xe ô tô kinh doanh hợp đồng hoạt động theo mô hình tuyến vận tải cố định, đặc biệt là thực hiện đón, trả khách không đúng nơi quy định trong khu vực nội đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương diễn biến phức tạp, gây mất trật tự an toàn giao thông, cạnh tranh bất bình đẳng với dịch vụ xe chở khách theo tuyến cố định. Tình hình xe ô tô chở quá tải có dấu hiệu tái diễn tại các địa bàn có mỏ vật liệu (Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An…), khu vực có các công trường đang thi công (Hà Nội, Đà Nẵng) và tại các khu vực đang thu hoạch nông, lâm sản (Gia Lai, Bình Định).
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, mặc dù Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo dừng hoạt động nạo vét, tận thu sản phẩm, nhưng tình hình khai thác cát tiếp tục diễn biến phức tạp tại Bắc Ninh, Hải Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, An Giang… gây mất trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hoạt động kinh tế - xã hội địa phương.
Nguyên nhân của tình trạng trên được Phó Thủ tướng chỉ ra là do chưa có quy định pháp lý về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người thực thi công vụ trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông; còn một bộ phận người thực thi nhiệm vụ có biểu hiện hạn chế về năng lực, thiếu trách nhiệm, dung túng vi phạm, thậm chí tiêu cực, làm trái quy định (đặc biệt là trong kiểm soát tải trọng phương tiện, quản lý xe ô tô kinh doanh chở khách theo hợp đồng, quản lý bến bãi đường bộ, đường thủy nội địa). Hệ thống quy định pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vẫn còn nhưng còn những lỗ hổng, bất cập, hoặc đạt hiệu quả thấp trong tổ chức thực hiện; khi triển khai còn thiếu linh hoạt, áp dụng cứng nhắc.
Bên cạnh đó là hạn chế về ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức và kỹ năng điều khiển của một bộ phận người tham gia giao thông. Một bộ phận chủ phương tiện buông lỏng công tác quản lý an toàn vận tải và không thực hiện quy định pháp luật về thời gian lao động của lái xe. Thậm chí, không ít lái xe còn sử dụng chất kích thích.
Tình hình trên đòi hỏi chủ phương tiện, nhà xe có ý thức chấp hành pháp luật, có đạo đức, không vì đồng tiền gây ảnh hưởng sức khỏe người lái xe, gây tai nạn nghiêm trọng. Chủ xe phải có lương tâm, ý thức trách nhiệm và phải có chế tài xử lý. Với những lái xe có hành vi cố ý chống người thi hành công vụ, phải xem xét trách nhiệm hình sự, Phó Thủ tướng nêu rõ.
* Quản lý chất lượng lái xe kinh doanh vận tải
Ghi nhận các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Phó Thủ tướng biểu dương 16 địa phương giảm trên 20% số người chết vì tai nạn giao thông, đặc biệt là các tỉnh Cà Mau, Cao Bằng, Điện Biên (giảm trên 40% số người chết).
Phó Thủ tướng lưu ý Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh làm tốt công tác trật tự lòng lề đường, tổ chức giao thông công cộng, hạ tầng giao thông. Hà Nội nghiên cứu lộ trình giảm dần phương tiện cá nhân gắn với tổ chức phương tiện giao thông công cộng. Thành phố Hồ Chí Minh bên cạnh việc xây dựng các cầu vượt về lâu dài cũng phải tính đến cảnh quan, không để cầu vượt chằng chịt.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông quốc gia xây dựng chế tài xác định trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc để xảy ra tình trạng tai nạn giao thông nghiêm trọng, chết nhiều người do lỗi chủ quan. “Phải xác định rõ để có chế tài xử lý được. Chúng ta hô hào nhiều nhưng không có chế tài không xử lý được”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu bổ sung quy định chặt chẽ hơn về quản lý chất lượng lái xe kinh doanh vận tải và quy định thời gian thử thách đối với người mới có giấy phép lái xe; phối hợp với Bộ Công an xây dựng kế hoạch chuyên đề về công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về tải trọng đối với xe ô tô chở hàng hóa trên đường bộ trong giai đoạn 2017 - 2020 ; khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt, vận hành các trạm kiểm tra tải trọng xe cố định tại các trạm thu phí BOT trên đường bộ; cung cấp dữ liệu cho lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông vận tải để xử lý vi phạm. Bộ tăng cường phối hợp, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng hiệu quả dữ liệu xử phạt trật tự, an toàn giao thông với công tác quản lý cấp giấy phép lái xe; chỉ đạo thực hiện và báo cáo kết quả khám sức khỏe lái xe kinh doanh vận tải năm 2017.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu các giải pháp theo dõi, quản lý giấy phép lái xe bị tạm giữ, tước quyền sử dụng và giải quyết những bất cập, sơ hở trong công tác cấp, quản lý giấy phép lái xe, để người vi phạm bị giữ giấy phép lái xe không được cấp lại giấy phép lái xe mới. Bộ Công an tập trung chỉ đạo thực hiện kế hoạch phục vụ các hoạt động của Năm APEC 2017. Bộ Quốc phòng xử lý nghiêm các đối tượng sử dụng giấy tờ giả, biển số giả phương tiện quân sự hoạt động trái phép.
Nhấn mạnh đến việc giáo dục văn hóa giao thông, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia xây dựng nội dung và ban hành bộ tài liệu “Văn hóa giao thông” cho học sinh trung học cơ sở, giáo dục ý thức chấp hành giao thông ngay từ bậc học mầm non, góp phần tạo nên thế hệ trẻ ứng xử văn hóa, nhường nhịn khi tham gia giao thông./.
Thanh Vân/TTX