Chủ Nhật, 24/11/2024
Định hướng chỉ đạo
Thứ Ba, 15/8/2017 15:31'(GMT+7)

Giảm áp lực hạ tầng ở khu vực nội đô

Ùn tắc giao thông ở Hà Nội. (Ảnh minh họa: Báo Lao động Thủ đô)

Ùn tắc giao thông ở Hà Nội. (Ảnh minh họa: Báo Lao động Thủ đô)

Theo chương trình, tuần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng xung quanh những vấn đề trong công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị; việc hướng dẫn, kiểm tra, quản lý sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch và kế hoạch phát triển gắn với giao thông đô thị. Đây là những vấn đề nổi cộm, được cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm.

Bởi sự quá tải về cơ sở hạ tầng ở khu vực trung tâm các đô thị lớn của Việt Nam đang tác động tiêu cực tới sự phát triển kinh tế-xã hội. Một số tổ chức có uy tín của thế giới và các nước phát triển đã nghiên cứu và cho rằng, các đô thị lớn của Việt Nam, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có thể bị thiệt hại 2%-3% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) do tình trạng ùn tắc giao thông. Và một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên ùn tắc giao thông chính là sự thiếu hợp lý trong quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng ở các khu vực này.

Lâu nay, cả các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và dư luận xã hội đều cho rằng, cần hạn chế sự phát triển quá “nóng” các khu chung cư cao tầng trong khu vực nội đô để tránh quá tải lên hệ thống cơ sở hạ tầng vốn vừa thiếu, vừa yếu, vừa chưa đồng bộ. Tuy nhiên, trên thực tế, tốc độ phát triển của các khu chung cư cao tầng khu vực nội đô vẫn quá nhanh, dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Nguyên nhân lớn nhất của việc này chính là sự “vênh” nhau giữa quy hoạch với nhu cầu thực tế. Cụ thể, quy hoạch vùng nội đô hạn chế nhà cao tầng, nhưng do phần lớn cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện tuyến Trung ương vẫn nằm trong khu vực nội đô, nên người dân có nhu cầu về nhà ở tại khu vực này không hề giảm. Về mặt lý thuyết, nếu “giãn dân” ra khỏi khu vực nội đô, nhưng cơ quan, trường học... còn "ở lại", thì người dân vẫn phải di chuyển từ ngoại thành vào nội thành làm việc, học tập và cơ sở hạ tầng tiếp tục bị quá tải, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn không thể được giải quyết triệt để... Người dân có nhu cầu, kéo theo lợi nhuận cao, nên không ít nhà đầu tư tìm mọi cách có được "quyền" xây dựng các chung cư cao tầng trong nội đô.

Để giải quyết tận gốc vấn đề trên, không có cách nào khác là kiên quyết di dời các cơ quan, công sở không nhất thiết phải nằm trong vùng “lõi” đô thị, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, bệnh viện tuyến Trung ương, các cơ sở sản xuất, văn phòng các tổng công ty, tập đoàn có nhu cầu sử dụng lao động lớn ra khỏi khu vực nội đô. Khi đó, việc siết chặt quy hoạch xây dựng chung cư cao tầng khu vực nội đô mới có thể thực hiện hiệu quả, người dân cũng dễ dàng lựa chọn mua nhà, mua đất gần nơi mình học tập, làm việc ở khu vực ngoại thành.

Thay vì đầu tư số tiền khổng lồ làm những con đường “đắt nhất hành tinh” ở các khu vực nội đô, các thành phố lớn nên dành số tiền đó mua lại trụ sở của các trường học, bệnh viện tuyến Trung ương, các cơ sở sản xuất, văn phòng các tổng công ty, tập đoàn ở khu vực nội thành trong diện buộc phải di dời trụ sở ra ngoại thành để làm vườn hoa, công viên hay phát triển quỹ đất dành cho giao thông sẽ hiệu quả hơn.

Trong khi dòng vốn, dòng người di cư là yếu tố động, thì quỹ đất phục vụ xây dựng lại là yếu tố tĩnh. Việc “nắn dòng” vốn đầu tư, người di cư sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc bắt quỹ đất nội thành phải “phình to” ra để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của con người./.

Minh Thắng (Báo QĐND) 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất