Thứ Hai, 16/12/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 23/3/2014 21:48'(GMT+7)

Chuyến công du nhiều trắc trở của Tổng thống Mỹ

Nhiệm vụ của ông B.Ô-ba-ma trong chuyến thăm châu Âu không hề dễ dàng. (Ảnh: AP)

Nhiệm vụ của ông B.Ô-ba-ma trong chuyến thăm châu Âu không hề dễ dàng. (Ảnh: AP)

Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng X.Rai-xơ (Susan Rice) cho biết trong chuyến thăm, ông B.Ô-ba-ma sẽ có các chặng dừng chân tại Bỉ, Hà Lan, I-ta-li-a, Va-ti-căng và dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) tại Brúc-xen. Theo bà X.Rai-xơ, mục đích các cuộc thảo luận của ông B.Ô-ba-ma với các đồng minh EU là bàn về cách thức không để cho tình hình tại U-crai-na leo thang hơn nữa và thống nhất thêm các biện pháp trừng phạt có thể áp đặt đối với Nga. Bên cạnh đó, ông B.Ô-ba-ma và các nhà lãnh đạo châu Âu cũng sẽ bàn đến việc thúc đẩy tiến trình đàm phán về Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TITP); củng cố quan hệ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO); thảo luận về giải pháp cuối cùng cho cuộc chiến đã kéo dài hơn 13 năm qua tại Áp-ga-ni-xtan.

Cho đến nay, mặc dù đều có những tuyên bố mạnh mẽ nhằm vào Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng U-crai-na, nhưng rõ ràng so với Oa-sinh-tơn, EU vẫn còn “rụt rè” trong các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Mát-xcơ-va. Tuần trước, EU đã mở rộng danh sách trừng phạt thêm 12 quan chức Nga, nâng tổng số 33 quan chức Nga phải đối mặt với trừng phạt. Tuy nhiên, không giống Mỹ, EU không mở rộng các biện pháp trừng phạt kinh tế, đồng thời khẳng định sẽ chỉ xem xét trừng phạt kinh tế với Nga khi căng thẳng tại U-crai-na tiếp tục leo thang. Trong khi đó, Mỹ đã tuyên bố vòng trừng phạt thứ 2 nhằm vào các quan chức Nga và Ngân hàng Rossiya, cảnh báo các biện pháp trừng phạt xa hơn nhằm vào nền kinh tế Nga, bao gồm ngành năng lượng.

Chính vì vậy, chuyên gia L.Cóp-phi (Luke Coffey) của Heritage Foundation cho  rằng, Mỹ và các đồng minh châu Âu chưa “trên cùng bản nhạc” về biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng tại U-crai-na. “Có một khoảng cách lớn trong các biện pháp trừng phạt giữa Mỹ và EU. Mỹ nhắm vào những cá nhân thân cận với Tổng thống Nga V.Pu-tin  (Vladimir Putin). Trái lại, danh sách những người bị EU áp đặt trừng phạt lại là những nhân vật cấp thấp hơn. Điều này cho thấy EU không thể vượt quá “mẫu số chung thấp nhất” trong chính sách ngoại giao”, chuyên gia này nhận định. Trong khi đó, theo nhà phân tích chính trị X.Phô-lơ-búc (Xavier Follebouckt) thuộc Trường Đại học Leuven (Bỉ), các biện pháp trừng phạt của EU rất giới hạn và tác động của nó chỉ mang tính tượng trưng.

Mặt khác, hiện cũng tồn tại sự thiếu nhất quán trong thông điệp từ chính bên trong châu Âu đối với vấn đề U-crai-na. “Nếu như Tổng thư ký NATO xem việc Nga sáp nhập Crưm là mối đe dọa lớn nhất với an ninh châu Âu từ thời chiến tranh Lạnh thì Pháp lại tiếp tục bán tàu chiến cho Mát-xcơ-va và Tây Ban Nha vẫn cho phép Hải quân Nga sử dụng những vùng lãnh thổ của mình tại Bắc Phi”, chuyên gia L.Cóp-phi nhận xét. Trên thực tế, Thủ tướng Anh Đ.Ca-mê-rôn (David Cameron) cũng thừa nhận “châu Âu và Mỹ có cách tiếp cận khác nhau trong các biện pháp trừng phạt và EU tập trung nhiều hơn vào mục tiêu, liên quan trực tiếp đến cuộc khủng hoảng Crưm”, trong khi Tổng thống Pháp P.Ô-lăng-đơ (France Hollande) nhấn mạnh, các nước châu Âu đang thận trọng với từng bước đi của mình.

Ngay trước thềm chuyến thăm, có thể nói quan hệ giữa Mỹ và EU cũng không đến mức được gọi là “nồng ấm” bởi những bê bối nghe lén của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA). Đó là chưa kể  đến những đánh giá hoài nghi về năng lực của EU trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng U-crai-na của trợ lý Ngoại trưởng Mỹ V.Nu-lan (Victoria Nulan) gần đây càng làm chia cách thêm mối quan hệ với châu Âu mà Mỹ đang cố cải thiện sau vụ bê bối nghe lén. Chuyên gia phân tích vấn đề châu Âu tại Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chiến lược quốc tế H. Côn-li (Heather Conley) cho rằng, cuộc khủng hoảng U-crai-na có thể “làm chìm” đi sự phẫn nộ của châu Âu với Mỹ sau bê bối nghe lén, nhưng nó không thể gạt bỏ hoàn toàn sự nghi kỵ lẫn nhau giữa các đồng minh. Trong khi đó, chuyên gia nghiên cứu G.Sa-pi-rô  (Jeremy Shapiro) tại Viện Brookings nhận định trong khi giận dữ về vụ nghe lén của NSA vẫn tồn tại, các nhà lãnh đạo châu Âu và ông B.Ô-ba-ma chắc chắn sẽ tiếp tục chia rẽ về vấn đề U-crai-na. "U-crai-na là một vấn đề quá nghiêm trọng đối với EU. Nga cũng là vấn đề quá nghiêm trọng đối với họ và nhu cầu hợp tác với Mỹ cũng là một vấn đề nghiêm trọng ", ông G.Sa-pi-rô  nói.

Xem ra thuyết phục những nền kinh tế "ốm yếu" chưa kịp phục hồi của EU để sẵn sàng thực hiện trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Nga, một trong những đối tác thương mại lớn nhất của EU, sẽ không phải là nhiệm vụ dễ dàng đối với ông B.Ô-ba-ma trong chuyến công du này./.

Lâm Toàn (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất