Thứ Bảy, 14/12/2024

Chuyện đến nay Nhà báo Hồng Vinh mới kể

Ngẫm ngợi một lúc lâu, ông mới chậm rãi nói: “Thật lòng, mình với anh Nguyễn Phú Trọng có rất nhiều kỷ niệm ngẫu nhiên đáng nhớ, nhưng nếu kể ra lúc anh Trọng còn sống, đảm nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước, thì dễ bị nhiều người hiểu lầm về động cơ, mục đích cá nhân... Nhưng nay, Anh đã rời xa cõi tạm, mình mới kể lại một số kỷ niệm đẹp này như là một nén tâm nhang tưởng nhớ vị lãnh đạo tài năng, đức độ, trọn đời cống hiến cho nước, cho dân!”.

Để câu chuyện diễn ra tự nhiên, ông yêu cầu tôi đặt câu hỏi về những điều muốn nghe, muốn viết, muốn truyền tải đến độc giả.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Thưa ông, hơn 10 năm, kể từ ngày 4/10/2013 - ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi vào thế giới người hiền, có thể nói, những ngày gần đây, cả dân tộc lại chứng kiến nỗi đau chung khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về cõi vĩnh hằng. Trong nỗi đau chung này, tự đáy lòng mình, ông có thể tâm sự những điều gì từng ấp ủ?

Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần là sự mất mát to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trong nỗi đau chung này, cá nhân tôi còn có niềm thương tiếc của riêng mình.

Tôi và anh Nguyễn Phú Trọng quen biết và gắn bó với nhau đến nay đã ngót nghét 50 năm, gần như là nhân duyên. Chúng tôi đồng trang, đồng lứa, hơn kém nhau một tuổi, coi nhau như anh em, bạn hữu.

Tôi thực sự cảm động khi nhiều người sử dụng mạng xã hội đã thay avatar bằng hình ảnh của Anh cùng câu đối chữ Hán vô cùng đặc sắc và ý nghĩa: “Trọng nghĩa hiền tài nhân đại trí/Phú hiệp cần lao nhật thiên thu”. Chỉ có tình cảm thật, cảm xúc thật thì mới có thể sáng tác được câu đối rất ý nghĩa này.

Rất nhiều người thay avatar bằng ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lồng trong cờ Đảng, cờ Tổ quốc với câu nói đầy tự tin mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nói lúc sinh thời: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Và tôi đã thật sự xúc động khi thấy có rất nhiều người thay avatar bằng bông sen trắng trên nền đen. Biểu tượng ấy người ta chỉ sử dụng khi thông báo với mọi người về sự ra đi của những người thân yêu nhất như bố mẹ, vợ chồng, con cái.

Kể từ ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp rũ bỏ cõi trần hơn chục năm trước, đây là lần thứ hai chúng ta mới chứng kiến sự kiện sôi động trên mạng xã hội thế này. Điều đó cho thấy sức ảnh hưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với xã hội, niềm tin yêu, kính trọng của người dân đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lớn lao biết nhường nào.

Chính vì vậy, hôm nay, tôi nhận lời kể lại một số kỷ niệm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tôi, với lời cầu nguyện: “Anh hãy thanh thản ra đi. Những việc Anh còn dang dở, khát vọng của Anh về một nước Việt Nam phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; phát huy tối đa giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế..., tôi rất tin các thế hệ lãnh đạo kế thừa sẽ tiếp tục thực hiện theo đúng tâm nguyện của Anh”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với các đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021. (Ảnh: baodautu.vn)

Ông có thể kể đôi chút về mối quan hệ giữa ông với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Tôi với anh Trọng đúng là “duyên kỳ ngộ”. Tôi kém Anh một tuổi, nên coi anh Nguyễn Phú Trọng như người anh của mình. Anh đỗ Khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp (nay là Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, thuộc Đại học quốc gia Hà Nội) vào năm 1963, thì năm sau tôi cũng đỗ vào Khoa Ngữ văn trường này, nhưng rồi tổ chức chuyển tôi cùng 4 sinh viên khác sang học Khoa Lịch sử cùng trường.

Năm 1967, tôi và Anh cùng được Đảng lựa chọn đứng vào hàng ngũ. Ngày xưa, nhất là thời chiến tranh chống Mỹ, việc sinh viên đang học được kết nạp vào Đảng là rất khó khăn. Vì lúc ấy, sinh viên được coi như thành phần tiểu tư sản, nên tổ chức đặt ra rất nhiều điều kiện cực kỳ khắt khe không chỉ với bản thân người được kết nạp Đảng, mà cả nhân thân 3-4 đời nội ngoại cũng được rà soát kỹ.

Từ thực trạng đó, người ra quyết định kết nạp anh Trọng và tôi vào Đảng năm 1967 là Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội, ông Trần Sâm, chứ không phải là Đảng bộ Trường đại học Tổng hợp. Năm 2022, anh Trọng và tôi đã được nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.

Năm 1967, Anh về làm việc ở Tạp chí Học tập (Tạp chí Cộng sản), thì năm sau tôi về công tác ở Báo Nhân Dân. Năm 1973, Anh theo học nghiên cứu sinh Khoa Kinh tế - Chính trị, Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), thì năm 1979, tôi vào học cao cấp lý luận chính trị hệ chính quy 2 năm ở Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc.

Năm 1981, Anh được cử sang Liên Xô làm thực tập sinh và bảo vệ luận án phó tiến sỹ (bây giờ là tiến sỹ) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, thì năm 1982, tôi cũng “khăn gói quả mướp” lên đường sang Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô làm nghiên cứu sinh, cùng ở với Anh trong tòa nhà cao tầng của Viện.

Chuyện sau đó thế nào, thưa ông?

Anh Trọng thực tập sinh 2 năm nên về nước trước tôi 3 năm. Ngày đó, ai được đi học nước ngoài, khi về nước, hầu hết được Ban Tổ chức Trung ương phân công nhiệm vụ mới, có người nhận công tác ở cơ quan khác, địa phương khác. Chẳng hiểu thế nào, anh Trọng về trước tôi vẫn trở lại công tác ở Tạp chí Cộng sản; còn tôi, khi về nước, vẫn tiếp tục được phân công làm việc ở Báo Nhân Dân. Thế là anh em cùng hoạt động trong cơ quan báo chí của Đảng, nên có nhiều cơ hội tiếp xúc, làm việc với nhau.

Nhắc đến Liên Xô, tôi nhớ một kỷ niệm ngẫu nhiên - đó là dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga (được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình). Hôm đó, với cương vị là Tổng Bí thư, anh Trọng đã đọc bài diễn văn kỷ niệm tuyệt vời, gây xúc động và niềm phấn chấn với hơn 4.000 con người ngồi kín khán phòng.

Tiếp sau, Ban Tổ chức giới thiệu tôi thay mặt những người đã và đang học tập, công tác ở Liên Xô trước đây và ở Liên bang Nga hiện nay phát biểu cảm tưởng. Có điều khá lý thú là, tôi không hề được biết trước nội dung diễn văn của Tổng Bí thư, nhưng nhiều người coi bài phát biểu của tôi là sự minh họa sinh động chung quanh những ý tưởng lớn trong bài diễn văn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Anh Trọng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, thì tôi được Đại hội Đảng toàn quốc khóa VIII bầu làm Ủy viên Trung ương. Năm 1996, tôi được Bộ Chính trị cử làm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Đến Đại hội Đảng khóa IX, tôi được tái cử vào Trung ương và nhận nhiệm vụ là Phó trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương).

Tôi được cùng anh Trọng tham gia Quốc hội khóa XI (sau này anh Trọng tiếp tục tham gia liên tục nhiều khóa nữa). Cuối năm 1997, anh Trọng, với cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, được Bộ Chính trị phân công phụ trách công tác tư tưởng, văn hóa và khoa giáo của Đảng, nên chúng tôi thường xuyên làm việc trực tiếp với nhau, mối thân tình ngày càng thắm đượm.

Ông từng nói rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với ông vừa là đồng chí, vừa là anh em, bạn hữu, thậm chí ông coi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như người anh, người thầy của mình?

Tôi coi anh Trọng như người anh, trước hết vì Anh hơn tuổi, đảm nhiệm cương vị Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản trước khi tôi nhận nhiệm vụ Tổng Biên tập Báo Nhân Dân 5 năm. Mặt khác, Anh vào Trung ương trước tôi một khóa, từng là Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng nhiều khóa, nên tôi coi anh là người thầy không chỉ về chữ nghĩa, mà còn ở trí tuệ, tri thức về lý luận, về phong cách ứng xử văn hóa.

Có một dấu mốc mà tôi càng gần gũi anh Trọng - đó là vào năm 1996, với cương vị là Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, trước khí thế đổi mới và sự phát triển của báo chí hiện đại, thay mặt Ban Biên tập, tôi đã làm tờ trình đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho phép Báo Nhân Dân từ 4 trang tăng lên 8 trang và ra thêm ấn phẩm Báo Nhân Dân cuối tuần, Báo Nhân Dân hàng tháng, Báo điện tử tiếng Việt và mở cơ quan đại diện của Báo Nhân Dân tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Paris (Pháp) và Bangkok (Thái Lan).

Lúc đó, anh Trọng, với tư cách là Ủy viên Bộ Chính trị và vốn là người hiểu rất sâu về báo chí, đã ủng hộ tuyệt đối đề xuất này. Anh gặp tôi động viên, chia sẻ những khó khăn trước mắt phải vượt qua khi khối lượng công việc của Báo Nhân Dân tăng lên gấp nhiều lần, trong khi nhân lực, vật lực có hạn.

Tôi nhớ, sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ông Giang Trạch Dân vào tháng 11/1994, thì nhân vật thứ hai của Trung Quốc và người được lựa chọn kế vị ông Giang Trạch Dân là ông Hồ Cẩm Đào có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam sau đó. Trong lịch trình làm việc của phía bạn (đã được Ban Đối ngoại Trung ương gửi đến Báo Nhân Dân) có lịch làm việc với lãnh đạo Báo Nhân Dân theo đề nghị của phía bạn.

Nói thật là khi đó, tôi và Ban Biên tập Báo Nhân Dân chưa hình dung được nội dung cuộc làm việc. Vì các đoàn ngoại giao chính thức cấp nhà nước tiếp xúc và làm việc với Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành hữu quan là bình thường, còn Trưởng đoàn cấp cao của bạn làm việc trực tiếp với Báo Nhân Dân là chuyện hy hữu.

Hơn nữa, đây lại là cuộc làm việc với nhân vật quyền lực thứ hai của Trung Quốc và được lựa chọn trở thành Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thay ông Giang Trạch Dân. Lịch trình làm việc của phía bạn ghi đích danh tên tôi: đồng chí Nguyễn Hồng Vinh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nên tôi càng bối rối, không hiểu sẽ diễn ra thế nào…

Trong tình thế ấy, tôi lên gặp anh Trọng báo cáo. Anh cho ý kiến rất cụ thể: phía bạn muốn làm việc, đã đưa vào lịch trình trong chuyến công tác thì mình cứ đi, nếu có vấn đề gì bạn nêu ra mà vượt quá thẩm quyền, thì cứ nói là không thuộc chức năng, nhiệm vụ của Báo Nhân Dân và xin được phép về báo cáo lại cấp có thẩm quyền. Cứ tin tưởng mà đi, không việc gì mà phải băn khoăn, lo lắng.

Nhớ lời anh Trọng căn dặn, tôi và Ban Biên tập Báo Nhân Dân đến Khách sạn Sofitel Plaza Hanoi (giờ là Khách sạn Pan Pacific) và thực sự rất “choáng” vì từ cổng vào đến phòng làm việc được trải thảm đỏ, nhân viên viên phía bạn đứng xếp hàng đón chào. Vào phòng khách rộng và trang nghiêm đã thấy ông Hồ Cẩm Đào ngồi đợi.

Sau khi chào hỏi xã giao, phía bạn nói, rất vui mừng được gặp trực tiếp người được Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ định là người tham gia các hoạt động của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Giang Trạch Dân trong thời gian ở thăm Việt Nam để trực tiếp đưa tin, viết bài, khiến tôi càng giật mình vì bạn sao nắm quá rõ về bản thân tôi. Nhưng nhớ lời anh Trọng dặn dò, tôi và cả đoàn đã xử lý các vấn đề phía bạn đặt ra rất ngọn ngành.

Đặc biệt, phía bạn bày tỏ niềm vui khi Báo Nhân Dân đặt cơ quan thường trú tại Bắc Kinh và hứa sẽ hỗ trợ tích cực để cơ quan thường trú của Báo Nhân Dân tại Bắc Kinh hoạt động thuận lợi; đồng thời là dịp để tăng cường mối quan hệ giữa Nhân dân Nhật báo (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc) với Báo Nhân Dân. Từ đó đến nay, mối quan hệ giữa cơ quan báo chí 2 nước ngày càng sâu đậm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là nhà kỹ trị tài ba, mà ông còn được biết đến là người sống rất có ân tình. Với mối quan hệ “thâm sâu” giữa ông với Tổng Bí thư, ông cảm nghĩ thế nào?

Năm 2006, anh Trọng được Trung ương, Bộ Chính trị giới thiệu ứng cử chức Chủ tịch Quốc hội. Khi thảo luận về nhân sự, có vài ba đại biểu Quốc hội có ý kiến băn khoăn vì cho rằng, anh Trọng là dân văn chương, nên để đảm đương công việc liên quan đến văn chương, văn hóa, lý luận thì yên tâm hơn, vì đúng với sở trường của Anh. Còn cương vị Chủ tịch Quốc hội thì ít nhất cũng phải học về luật pháp, vì Quốc hội có chức năng hàng đầu là cơ quan lập pháp.

Khi đó, với tư cách là đại biểu Quốc hội, tôi đã trao đổi thân tình với những đại biểu còn tâm tư. Tôi có nói đại ý rằng, nếu theo logic thì Chủ tịch Quốc hội phải học về luật, nhưng các Chủ tịch Quốc hội trước đó như đồng chí Nguyễn Văn An nguyên là kỹ sư điện, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo nguyên là Trung tướng, cả đời chỉ quen với binh nghiệp, nhưng cả 2 đồng chí đều đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Chủ tịch Quốc hội.

Tôi nhấn mạnh ưu điểm nổi bật của anh Nguyễn Phú Trọng là tuy không học chuyên sâu về luật, nhưng có phương pháp làm việc khoa học, thông minh, có tài tổ chức và khả năng thuyết phục người khác. Những công việc mà Anh từng đảm nhiệm đã chứng minh tố chất lãnh đạo, đặc biệt là phương pháp luận khoa học, ý thức tôn trọng dân chủ, biết lắng nghe kể cả ý kiến trái chiều, đã cho thấy Anh có những tố chất cần thiết để đảm đương được nhiệm vụ mới.

Cuối cùng, Anh được Quốc hội tín nhiệm rất cao khi bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XI vào tháng 6/2006 và tái cử chức Chủ tịch Quốc hội khóa XII. Câu chuyện tưởng qua đi, nhưng không hiểu sao, Anh cũng được nghe kể lại và khi gặp nhau, Anh hay gọi đùa tôi là “anh phương pháp luận”.

Khi làm Chủ tịch Quốc hội, có thời gian rảnh, Anh điện mời tôi sang trò chuyện để tìm hiểu công tác tư tưởng, cũng như tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước. Những cuộc gặp nhau như vậy diễn ra trong không khí thân tình, cởi mở và tin cậy, làm cho quan hệ giữa Anh và tôi ngày càng gần gũi, gắn bó hơn!

Tôi nhớ, ngày 25/7/2023, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập. Khi đó, tôi không còn đảm trách các công việc của Đảng và Nhà nước nữa, nên vào Hội trường, dù được Ban Tổ chức trân trọng mời ngồi ở hàng ghế đầu tiên, nhưng tôi xuống ngồi ở hàng thứ 3.

Khi vào hội trường, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay từng đại biểu ở hàng ghế đầu và quay xuống chào mọi người thì nhìn thấy tôi. Anh tiến đến bắt tay và tươi cười hỏi: “Mình phải chào là Nhà báo Hồng Vinh, hay anh “phương pháp luận” nhỉ?”. Tôi thưa, cái tên “phương pháp luận” là Anh đặt cho em và chỉ có riêng mình Anh gọi. Anh cười rất tươi và ân cần hỏi thăm gia đình, vợ con, cuộc sống sau khi về hưu khiến tôi rất cảm động. Anh nói thân tình: “Chúc Hồng Vinh đã hồng ngày càng hồng, đã vinh ngày càng vinh”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có hơn 1/4 thế kỷ làm báo. Ông đánh giá thế nào về năng lực, phẩm chất của Nhà báo Nguyễn Phú Trọng?

Tôi không đủ thẩm quyền “đánh giá”, mà chỉ xin nêu vài cảm nhận cơ bản. Anh làm việc ở Tạp chí Cộng sản, chuyên sâu về nghiên cứu, lý luận và tham gia tổng kết thực tiễn. Tôi chỉ kể lại câu chuyện nhỏ sau đây để thấy “tài” làm báo của Anh.

Khi tôi đảm trách nhiệm vụ Phó trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, được cử tham gia biên soạn bản tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị trình bày trước Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa IX bàn về công tác tư tưởng. Tôi trình bản dự thảo lên cấp trên, thì Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhắc tôi đưa bản này để đồng chí Nguyễn Phú Trọng xem và sửa chữa trước.

Chỉ sau 2 tiếng, anh Trọng đã chủ động tìm tôi đưa lại bản dự thảo đã được Anh sửa rất kỹ bằng bút mực đỏ, nhưng Anh vẫn ôn tồn: “Mình đã đọc và sửa kỹ, nhưng Hồng Vinh đọc lại, nếu thấy câu nào, từ nào, ý nào chưa ưng thì cứ mạnh dạn sửa, hoặc chúng ta cùng nhau trao đổi để hoàn thiện nhé”.

Với những người khác thì câu dặn dò này không có gì đặc biệt, còn riêng những người làm báo mới thấu hiểu ý nghĩa thâm sâu của hành động này. Bởi thông thường, bài viết của phóng viên đã được lãnh đạo phòng, ban sửa, biên tập, kế đến là phó tổng biên tập, tổng biên tập sửa cuối thì không ai được quyền sửa thêm vào, nếu không có lý do chính đáng. Đây lại là bản tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị, đã được Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Phú Trọng - người vốn đã rất cẩn trọng trong câu chữ, tư duy logic mạch lạc, rõ ràng, đọc đi đọc lại và sửa rất kỹ rồi mà vẫn thân tình, tôn trọng cấp dưới như vậy, đúng là bậc thầy đáng kính! Chỉ có những người làm báo chuyên nghiệp, cầu thị, biết lắng nghe cấp dưới như anh Trọng mới có cách hành xử đậm chất văn hóa như vậy!

Xin hỏi ông một câu khá tế nhị, rằng hầu như rất ít khi thấy ông chụp ảnh riêng cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Câu hỏi này nhiều người cũng đã hỏi tôi. Mối quan hệ thâm tình giữa tôi và anh Trọng như tôi đã kể, nhưng vì sao tôi hầu như không chụp ảnh riêng cùng Anh? Có rất nhiều cuộc làm việc, gặp gỡ, hội nghị, sau khi kết thúc, Chủ tịch Quốc hội và sau này là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh cùng cả đoàn, tôi thường chọn đứng ở góc khuất hoặc đứng chung với đoàn có 4-5 người, còn chụp ảnh riêng giữa tôi với Anh thì tuyệt đối không, vì tôi muốn “giữ” cho Anh và “giữ” cả cho mình.

Thực tế, có một số ít người tìm cách chụp ảnh cùng với lãnh đạo Đảng, Nhà nước và những bức ảnh này, nhiều khi lại trở thành “tấm bình phong” để họ hoặc người thân sử dụng để thực hiện những công việc không quang minh chính đại, hoặc dùng để làm “cầu nối” phục vụ ý đồ cá nhân...

Lúc sinh thời, Anh thường dặn dò cán bộ, đảng viên và cũng tự răn mình là đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ. Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!

Quy định số 144-QĐ/TW (ngày 9/5/2024) của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới có lẽ là quyết định cuối cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành được quy định khá cụ thể: “Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi”.

Nhân đây, có một chi tiết mà tôi rất cảm động, đó là cách ngày từ trần khoảng 3 tuần, anh Trọng vẫn đọc bài “Sức hút của một cuốn sách” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đăng trên Báo Nhân Dân điện tử nói về tham nhũng, tiêu cực. Đọc xong, Anh nhắc Chánh văn phòng Trung ương Nguyễn Duy Ngọc chuyển lời cảm ơn tác giả Hồng Vinh và Báo Nhân Dân.

Vĩnh biệt Anh, tôi mang theo nhiều kỷ niệm đẹp về vị lãnh tụ mẫu mực, xuất thân từ người làm báo cách mạng xuất sắc!

(baodautu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất