Thứ Ba, 17/9/2024

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo xuất sắc, nhà lý luận tài năng, nhà báo lớn trong thời kỳ đổi mới

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm, chúc Tết Nguyên đán Nhâm Thìn (18/1//2012) tại Thông tấn xã Việt Nam. (Ảnh; TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm, chúc Tết Nguyên đán Nhâm Thìn (18/1//2012) tại Thông tấn xã Việt Nam. (Ảnh; TTXVN)

1. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của Đảng, Nhà nước, nhân dân, lợi ích của quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết; là tấm gương sáng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

Với hơn 80 tuổi đời, hơn 57 tuổi Đảng, Đồng chí đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, của nhân dân. Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng từ nhiệm kỳ Đại hội XI đến nay, Đồng chí đã cùng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Đồng chí luôn luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên: trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải kiên định, vững vàng: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lốì đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đấy là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đổi với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động(1)

Với tư cách là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đồng chí cùng tập thể Ban Chỉ đạo lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, kiên quyết, kiên trì theo phương châm “không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền” và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Đồng chí nhiều lần nhắc nhở phải giữ thanh liêm, giữ liêm sỉ và giữ danh dự của người đảng viên: “Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất...”; “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì, đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi sót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí”(2).

Bản thân Đồng chí suốt cuộc đời là tấm gương sáng về kiên định lập trường chính trị, suốt đời phấn đấu cho lý tưởng cách mạng của Đảng, của dân tộc; có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống giản dị, gần giũ với nhân dân và luôn được nhân dân tin yêu, kính trọng. Đồng chí luôn tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; là tấm gương sáng mẫu mực về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản viết lưu bút tại Phòng truyền thống Tạp chí Cộng sản, ngày 9/6/2012. (Ảnh: Lưu trữ TCCS)

2. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là nhà lý luận tài năng. Đồng chí có nhiều công trình sách, bài viết thể hiện tầm cao lý luận về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

Đồng chí có tư duy sâu sắc, toàn diện, biện chứng, bằng những lập luận chắc chắn, đầy sức thuyết phục, những dẫn chứng thực tế phong phú, sinh động về những vấn đề mang tầm chủ trương, đường lối, chiến lược, nhìn xa trông rộng trên tất cả các lĩnh vực: xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng, phát huy nền dân chủ XHCN; xây dựng, phát triển kinh tế kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển xã hội, con người Việt Nam; xây dựng, hoàn thiện đường lối đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam”; xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Có thể khẳng định, ở lĩnh vực lý luận nào, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng am hiểu sâu sắc, lý giải thấu đáo, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn cách mạng.

Với cương vị là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ nhiệm kỳ Đại hội XI đến XIII, Đồng chí luôn quan tâm chỉ đạo phát triển công tác lý luận của Đảng và bản thân Đồng chí là nhà lý luận tài năng với kiến thức chuyên sâu, có nhiều đóng góp cho hệ thống lý luận đổi mới của Đảng...

3. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là Nhà báo đại thụ. Vừa với tư cách là Nhà báo vừa với tư cách Lãnh đạo Cơ quan lý luận chính trị của Đảng là Tạp chí Cộng sản, sau này trở thành Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đồng chí rất chú trọng tới việc giữ vững và phát huy vai trò tiên phong của báo chí, xuất bản - đội quân chủ lực trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí có 29 năm công tác ở Tạp chí Cộng sản, trưởng thành từ một Biên tập viên đến Tổng Biên tập. Đồng chí khẳng định: “Nhà báo trước hết phải hiểu đúng và nắm rất vững chức năng, nhiệm vụ của tờ báo mà mình phụng sự, cộng tác”. Đồng chí luôn chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn phong phú của một nhà báo với cán bộ, biên tập viên.

Đồng chí có rất nhiều bài viết thể hiện tầm nhìn chiến lược, tầm nhìn xa, trông rộng. Trong các bài viết, Đồng chí đã đề ra những vấn đề mang tầm chủ trương, đường lối, chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam; chuyển tải, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.

Tài năng viết báo của Đồng chí thể hiện ở cách viết, cách diễn đạt những vấn đề tưởng như rất trừu tượng, lý luận cao xa thành những nội dung đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện... Nhờ vậy, đã tuyên truyền, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, đến với mọi tầng lớp nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các thế hệ cán bộ Tạp chí Cộng sản tại Lễ kỷ niệm 85 năm Ngày Tạp chí Cộng sản ra số đầu và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai. (Ảnh: Tư liệu TCCS)

Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, những lần về thăm và làm việc với Tạp chí Cộng sản, với tình cảm thân thiết, gắn bó, Đồng chí đều trao đổi, căn dặn với cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí nhiều nội dung quan trọng liên quan đến công tác lý luận và hoạt động báo chí.

Sau đây xin dẫn lại một số nội dung chính trong bài nói của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng(3) tại chuyến thăm và làm việc với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, ngày 9/6/2012:

Thứ nhất, phải tiếp tục nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí Cộng sản (...).

Thứ hai, về một số thành tựu đáng ghi nhận và những vấn đề gợi mở.

Tạp chí Cộng sản có bề dày lịch sử và truyền thống rất vẻ vang. Từ Tạp chí Đỏ ra số đầu tiên (ngày 5/8/1930) đến Tạp chí Cộng sản (năm 1931), Tạp chí Bôn-sơ-víc (năm 1934), Tạp chí Cộng sản (năm 1941), Tạp chí Cộng sản (năm 1943), Tạp chí Sinh hoạt nội bộ (năm 1947) và Tạp chí Cộng sản (năm 1950). Sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, Tạp chí Học tập ra đời tháng 12/1955 và xuất bản đều kỳ hằng tháng. Từ ngày 5/1/1977, Tạp chí Học tập được đổi tên là Tạp chí Cộng sản và tiếp tục ra đều kỳ cho đến ngày nay.

Ở miền Nam, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Trung ương cục miền Nam đã xuất bản Tạp chí Nghiên cứu; trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã xuất bản Tạp chí Tiền phong. Như vậy, với lịch sử hơn 82 năm hoạt động và phát triển, đến nay Tạp chí Cộng sản là một tạp chí có lịch sử hoạt động lâu nhất ở nước ta (...).

Tôi rất vui mừng thấy Tạp chí có bước trưởng thành rất lớn, đặc biệt là trong những năm đổi mới (...). Sự nghiệp lý luận khó vô cùng. Tôi nhớ, ngày trước, khi đến thăm Tạp chí Cộng sản, nhiều đồng chí lãnh đạo, như Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh,... đều nói: Viết một bài báo đã khó, viết một bài lý luận lại càng khó, các đồng chí là những chiến sĩ thầm lặng mà anh dũng. Phải tích lũy thế nào mới viết được. Tằm chín đến độ nào mới nhả tơ được. Tài thánh mà một vài ngày cho ra mấy bài, chắc đó là những bài để tính số lượng thôi, không thể là bài có chất lượng được. Những bài viết theo kiểu về địa phương lấy một vài báo cáo, rồi “chỉnh sửa”, “mông má” lại thì làm sao có chất lượng cao được!

Thứ ba, về phương hướng, nhiệm vụ sắp tới.

Trước hết, phải thấy rằng nhiệm vụ sắp tới của chúng ta còn khó khăn, nặng nề lắm. Tình hình trong nước, khu vực và trên thế giới vẫn diễn biễn phức tạp, khó lường. Có những sự kiện xảy ra ngoài dự báo (...). Trong bối cảnh như vậy, lý luận làm thế nào thực hiện được sứ mệnh dẫn đường, định hướng, đi trước, dự báo? Hay lý luận lại chỉ là “anh hề đồng lóc cóc chạy theo cỗ xe tam mã”? Thực tiễn rất phong phú, đồ sộ, bởi vậy, lý luận phải làm thế nào, chứ không thì chỉ đuổi theo thực tiễn thôi...

Nói như vậy để thấy công cuộc đổi mới của nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, và công tác lý luận của chúng ta cũng có những thành tựu nhất định. Tất nhiên, còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu, tổng kết, trao đổi, thảo luận. Chúng ta không chủ quan thỏa mãn. Cũng cần đề phòng những thế lực muốn chống phá chúng ta về đường lối, xuyên tạc Cương lĩnh, đường lối của Đảng ta. Tạp chí Cộng sản phải làm tốt hơn nữa việc nghiên cứu, tuyên truyền Cương lĩnh, đường lối của Đảng vì Tạp chí là cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng, là “phát ngôn viên” của Đảng. (...). Tạp chí phải tiếp tục nâng cao hơn nữa cả về tính lý luận, tính chính trị, tính chiến đấu; cả về chất lượng nội dung, hình thức các ấn phẩm(...); trong nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn; trong hoạt động đối nội và đối ngoại; trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của Tạp chí và xây dựng đội ngũ cộng tác viên.

Về nội dung, Tạp chí phải xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ chính trị của mình; bám sát Cương lĩnh, Chiến lược, đường lối, quan điểm của Đảng, để nghiên cứu, tuyên truyền, đưa chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng vào cuộc sống; đồng thời, bám sát thực tiễn để tổng kết lý luận, góp phần bổ sung, phát triển chủ trương, đường lối của Đảng; chủ động uốn nắn những nhận thức lệch lạc, tích cực đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái... Trước kia làm một bài điều tra nghiên cứu công phu lắm. Tôi nhớ đồng chí Trưởng Ban Kinh tế lúc bấy giờ dẫn cả Ban đi nghiên cứu về chủ đề sản xuất nhỏ, sản xuất lớn, về khoán sản phẩm trong nông nghiệp, làm việc hàng tháng trời ở địa phương, về mới viết được bài. Tăng cường những bài nghiên cứu - trao đổi. Lâu nay, Tạp chí mở và duy trì đều đặn mục này, được bạn đọc hoan nghênh. Đây chính là chỗ để trao đi, đổi lại những ý kiến còn khác nhau nhằm đạt đến sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Nhưng phải lưu ý là, nghiên cứu trao đổi để làm sáng tỏ thêm, sâu sắc hơn Cương lĩnh, đường lối của Đảng, chứ không phải là nói trái Cương lĩnh, đường lối của Đảng.

Là chiến sĩ của Đảng trên mặt trận tư tưởng, mặt trận lý luận chính trị, Tạp chí Cộng sản phải giúp cho Đảng tuyên truyền, bảo vệ Cương lĩnh, đường lối; đấu tranh với các quan điểm sai trái, các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng. Thực tế cho thấy, nhiệm vụ này Tạp chí thực hiện chưa được nhiều, chưa đáp ứng yêu cầu. Chuyên mục “Sinh hoạt tư tưởng” (lúc đầu là “Sinh hoạt Đảng”) được bạn đọc rất hoan nghênh. Bài viết cho chuyên mục này ngắn thôi, nhưng rất khó viết, cần huy động được nhiều cây bút sắc sảo viết bài cho chuyên mục này để đấu tranh phê phán các hiện tượng tiêu cực, hư hỏng, nếu nêu được đích danh địa chỉ cụ thể thì rất tốt.

Các bài giới thiệu kinh nghiệm của các địa phương, của nước ngoài trên Tạp chí cũng còn ít và mới ở dạng đưa thông tin. Phong trào cộng sản ở các nước Mỹ La-tinh thế nào, ở châu Âu ra sao? Đảng Cộng sản Nhật Bản thế nào? Trung Quốc phát triển lý luận gì mới?... Tạp chí Cộng sản cần tổ chức nghiên cứu, góp phần trả lời những câu hỏi nêu trên. (...) Nhận định thế nào về phong trào cộng sản thế giới hiện nay? Chủ nghĩa tư bản thế giới sau khủng hoảng nợ công sẽ thế nào?... Phải tập trung giải đáp những câu hỏi này, chú ý tăng hàm lượng lý luận (...).

Về hình thức, Tạp chí phải phấn đấu sao cho sinh động hơn, phong phú hơn, hấp dẫn bạn đọc hơn... Trong thời đại thông tin, số hóa hiện nay, các đồng chí cần đặc biệt chú trọng đến Tạp chí điện tử. Giờ đây, người ta đọc trên mạng nhiều hơn là đọc trên sách in (...). Tập trung làm tốt các ấn phẩm cho có chất lượng; biên tập bài thật kỹ, cố gắng không để xảy ra sai sót. Trước đây, khi làm Tổng Biên tập Tạp chí, đồng chí Trường Chinh chỉ bảo và đòi hỏi anh em cán bộ biên tập kỹ lắm. Bản thân đồng chí thì vô cùng cẩn thận, cân nhắc, sửa chữa từng dấu phảy, dấu chấm, từng chữ viết hoa, viết thường. Bây giờ, tôi có cảm nhận, chúng ta không có được tác phong như vậy, thậm chí dễ dãi quá thì phải? Đề nghị anh chị em phóng viên, cán bộ biên tập của Tạp chí phải rèn luyện cho mình thói quen cẩn thận, tỉ mỉ này, vì Tạp chí Cộng sản được coi là chuẩn mực. Không nên coi đó chỉ là kỹ thuật, vì nhiều khi “sai một ly, đi một dặm”. Chúng ta đã có không ít bài học về điều này.

Về công tác tổ chức bài, như tôi đã nói, để có được bài thật sự có chất lượng, thật sự sâu sắc, đòi hỏi phải công phu lắm, tỉ mỉ lắm, gian khổ lắm. Điều này đúng với cả bài tự viết của mình cũng như việc tổ chức bài viết của cộng tác viên. Trong những lần trao đổi kinh nghiệm về viết bài, một số đồng chí từng làm việc lâu năm ở Tạp chí cho biết, nhiều khi phác thảo xong bài rồi để đấy, lại tiếp tục nghiên cứu, suy nghĩ, bổ sung, hoàn chỉnh, hàng mấy tháng sau mới có được bài để đăng. Thậm chí, có khi phải mời chuyên gia đến tọa đàm, góp ý kiến, xong rồi đứng tên chung một tác giả, vì thế đã có những bài với bút danh “Nguyễn Viết Chung” (tức là mấy người cùng viết chung một bài).

Liên quan tới việc tổ chức bài là công tác cộng tác viên (...). Công tác cộng tác viên rất quan trọng. Phải biết huy động, khai thác trí tuệ của cộng tác viên, vì đội ngũ này quyết định sự phát triển của Tạp chí. Hơn nữa, Tạp chí là của toàn Đảng. Tạp chí cần chủ động nêu vấn đề, gợi mở, mời các đồng chí cộng tác viên đến trao đổi, đặt bài, thậm chí phải đặt trước hằng năm, vài năm... Tự nhiên mà đến đặt bài thì khó và làm sao có được bài chất lượng. Mỗi cán bộ biên tập của Tạp chí phải trở thành người thân thiết của cộng tác viên, thậm chí của gia đình cộng tác viên, trân trọng mời các đồng chí đó cộng tác viết bài. Đối với các đồng chí lãnh đạo thì nhiều khi Ban Biên tập phải có thư, có công văn mời một cách trân trọng; tổ chức công việc nghiên cứu, biên tập cụ thể; nếu chỉ gửi công văn hoặc gọi trên điện thoại đề nghị đồng chí viết bài cho Tạp chí, thì khó có bài được...

Về hoạt động nghiên cứu khoa học, tôi nghĩ, ở Tạp chí Cộng sản, nghiên cứu khoa học chủ yếu là phục vụ công tác biên tập, phục vụ công tác tổ chức bài cho các số Tạp chí. Không nên đặt quá nặng việc nghiên cứu các chương trình, đề tài cấp quốc gia; lực lượng đâu, đội ngũ cán bộ khoa học đâu mà làm? Nếu làm được thì tốt, nhưng nếu quá phân tán lực lượng, thì lấy đâu sức để viết, để tổ chức bài. Chúng ta có lợi thế rất lớn là hiện nay có rất nhiều cơ quan nghiên cứu (...). Tạp chí Cộng sản cần có cách khai thác, chắt lọc, phát huy, sử dụng những kết quả nghiên cứu của các cơ quan này để tổ chức bài viết đăng trên Tạp chí. Tổ chức phát huy đội ngũ cộng tác viên là các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sĩ có uy tín; nhiều đồng chí đã nghỉ hưu nhưng vẫn rất tâm huyết (...). Vấn đề là biết tổ chức và thu hút trí tuệ của đội ngũ này. Phải xây dựng cơ chế huy động “chất xám”, cung cấp thông tin, xây dựng kế hoạch biên tập, đặt bài, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng với “chất xám” họ bỏ ra; có chế độ nhuận bút đặc biệt cho những bài thật sự chất lượng, có hàm lượng khoa học cao.

Tôi muốn nhấn mạnh là, để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí, cần có hai điều kiện: Một là, bản thân mỗi cán bộ (...) phải thật sự yêu nghề, say mê công việc, ngày đêm lo toan, trăn trở (...) về một bài viết do mình phụ trách. Nếu cứ chàng màng, lớt phớt thì khó có được bài hay, bài sâu sắc, “nhân nào thì quả ấy”. Hai là, cơ quan, tổ chức phải tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để cán bộ phát huy hết khả năng, cống hiến sức lực, trí tuệ cho Tạp chí. Toàn thể Bộ Biên tập Tạp chí phải nỗ lực; các đồng chí lãnh đạo Trung ương, các bộ, ban, ngành Trung ương hỗ trợ công tác xây dựng cơ quan, xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng Đảng ở Tạp chí.

Như các đồng chí biết, những gì chúng ta viết ra là thể hiện quan điểm, trình độ lý luận của mình đã đủ chín chưa, lập trường chính trị có vững vàng không, điều đó thể hiện ngay trong bài viết. Cán bộ, phóng viên, biên tập viên ở Tạp chí Cộng sản phải có lập trường tư tưởng kiên định, quan điểm chính trị rõ ràng, thực sự tin tưởng vào Cương lĩnh, đường lối, sự lãnh đạo của Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc; đồng thời phải có trình độ hiểu biết, trình độ lý luận nhất định. Đây là những phẩm chất tối cần thiết để hình thành những cây bút được bạn đọc tin tưởng và yêu mến. Đây cũng là công việc rất khó và kỳ công, đòi hỏi tập thể phải chăm sóc, bồi dưỡng công phu và cá nhân phải nỗ lực rèn luyện toàn diện không ngừng.

Thứ tư, về các kiến nghị.

(...) Trước yêu cầu mới của cách mạng, Tạp chí của Đảng tiếp tục phải gánh vác những trọng trách mới, với chất lượng cao hơn. Các Ban của Trung ương Đảng, trực tiếp là Tạp chí Cộng sản, cần nghiên cứu và tham mưu cho Bộ Chính trị để có thể ban hành Chỉ thị mới về Tạp chí Cộng sản.

Còn một số vấn đề nữa, nhưng tiếc là thời gian có hạn. Rất mong sẽ có dịp trao đổi tiếp để chúng ta cùng nhau phấn đấu xây dựng Tạp chí của Đảng ta ngày càng phát triển. Tôi mong và tin rằng, các đồng chí luôn giữ vững và phát huy truyền thống vẻ vang của Tạp chí với tư cách là cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng....

Từ những nội dung nêu trên, cho thấy, những vấn đề được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra không chỉ đúng với Tạp chí Cộng sản, mà luôn mang tính thời sự, đúng với các cơ quan báo chí của Đảng, đặc biệt là những tạp chí của các cơ quan Đảng Trung ương trong tình hình hiện nay./.

PGS. TS. VŨ VĂN PHÚC
Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương,
nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

________________________

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.33.

(2) (Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Chính trị quốc gia Sự thậ, H, 2022, tr.366.

(3) Đăng trên Tạp chí Cộng sản số 837 (7/2012).



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất