Thứ Hai, 23/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 28/12/2016 19:52'(GMT+7)

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở Vĩnh Phúc sau 20 năm tái lập tỉnh

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại xã Vân Trục, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc.

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại xã Vân Trục, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc.

Kể từ khi tái lập tỉnh (1997) đến nay, phát huy truyền thống của quê hương “khoán hộ”, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc luôn chú trọng xây dựng nền kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững, đa dạng với cơ cấu ngành nghề hợp lý, gắn liền với thị trường. Chủ trương và sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ tỉnh đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh, phát huy tối đa nội lực, làm cho nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh có những bước chuyển biến mạnh mẽ.

Một là, cơ cấu ngành kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng dần tỷ trọng chăn nuôi.


Sau 20 năm tái lập tỉnh, tỷ trọng ngành trồng trọt trên địa bàn Vĩnh Phúc giảm 31,84%, tỷ trọng  ngành chăn nuôi tăng 27,36% trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp. Sự chuyển dịch trên cho thấy cơ cấu ngành kinh tế nông nghiệp của tỉnh dần được hình thành theo hướng tích cực, chứng tỏ chăn nuôi thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và có bước phát triển đột phá.

Ngành chăn nuôi ở Vĩnh Phúc phát triển tại tất cả các huyện nhưng tập trung chủ yếu ở các huyện trung du, miền núi, như Sông Lô, Lập Thạch, Tam Đảo, Tam Dương và huyện đồng bằng Vĩnh Tường. Tại các huyện này, so với quy mô tổng đàn của một số loại vật nuôi chủ yếu thì đàn lợn chiếm 72,3%, đàn gà chiếm 78,7%, đàn bò thịt chiếm 77,8%, đàn bò sữa chiếm 98,3% và đàn trâu chiếm 79,7%. Đến nay, Vĩnh Phúc có khoảng trên 70% số hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi, trong đó có trên 120 ngàn hộ chăn nuôi gia cầm; 70 ngàn hộ có chăn nuôi lợn; 45 ngàn hộ có chăn nuôi bò thịt và trên 1,6 ngàn hộ có chăn nuôi bò sữa. Có thể nói đây là thành công lớn của Vĩnh Phúc, vì so với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng, Vĩnh Phúc là tỉnh duy nhất trong quá trình phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ đã chuyển đổi cơ cấu nông - lâm nghiệp - thủy sản, đưa chăn nuôi trở thành ngành quan trọng nhất cả về tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng giá trị sản xuất trong nông nghiệp.

Hai là, cơ cấu kinh tế thành phần, cơ cấu kinh tế vùng có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng.

Kinh tế Nhà nước trên địa bàn tỉnh từng bước được củng cố, đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu, lấy lại uy tín của thị trường trong và ngoài nước. Trong 20 năm qua, sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước ổn định, doanh thu ngày một tăng.

Kinh tế tập thể, chủ yếu là các HTX nông nghiệp có nhiều chuyển đổi khá rõ nét, nhất là từ khi thực hiện Luật Hợp tác xã. Năm 1997, toàn tỉnh có 308 HTX nông nghiệp, trong đó có 22 HTX không hoạt động; 135 HTX (chiếm 47,2%) còn vốn quỹ và có điều kiện hoạt động dịch vụ; 151 HTX (chiếm 52,8%) không còn vốn quỹ, hoạt động hình thức. Nhưng đến năm 2010, toàn tỉnh có 232 HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, trong đó có: 116 HTX dịch vụ nông nghiệp; 95 HTX kinh doanh tổng hợp; 17 HTX chăn nuôi, thú y; 3 HTX nuôi trồng thuỷ sản; 1 HTX sản xuất nấm; 80 HTX quy mô toàn xã, 152 HTX quy mô thôn, xóm. Đến nay, toàn tỉnh đã có 259 HTX nông - lâm - thủy sản, trong đó có 219 HTX tổng hợp (chiếm 83,6%).

Kinh tế trang trại có chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng, trở thành mô hình có xu hướng phát triển khá mạnh ở Vĩnh Phúc trong những năm qua, đã khẳng định xu hướng phát triển, tạo vùng hàng hoá, quy mô sản xuất lớn góp phần giải quyết việc làm, tăng của cải vật chất cho xã hội, nâng cao đời sống nông dân. Trên địa bàn tỉnh có nhiều trang trại nông - lâm - thủy sản và tổng hợp sản xuất kinh doanh hiệu quả. Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2010, toàn tỉnh có 1.036 trang trại vừa và nhỏ, tăng 900 trang trại so với năm 1997. Trong đó, 236 trang trại chăn nuôi, 8 trang trại thủy sản, 4 trang trại lâm nghiệp, 656 trang trại sản xuất kinh doanh tổng hợp, 32 trang trại khác. Đến nay, cả tỉnh có 446 trang trại, trong đó trang trại tổng hợp chiếm 47,3% (211 trang trại), trang trại chăn nuôi chiếm 41,5% (185 trang trại), trang trại lâm nghiệp chiếm 0,2% (1 trang trại), không có trang trại trồng trọt. Trung bình một trang trại có diện tích đất 5,6 ha và sử dụng 8,9 lao động.

Các doanh nghiệp nông - lâm nghiệp - thuỷ sản ngày một tăng. Tháng 7/2010, toàn tỉnh có 104 doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, thủy sản vừa và nhỏ kinh doanh trên địa bàn nông thôn. Đây là một trong những thành phần quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển; tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Hầu hết các doanh nghiệp có vốn hoạt động trên 500 triệu đồng. 100% doanh nghiệp thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán theo quy định của hệ thống kế toán nhà nước. Tuy nhiên do ảnh hưởng của lạm phát việc tiếp cận các nguồn vốn đối với những doanh nghiệp này còn hạn chế và khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định và phát triển.

Kinh tế hộ có sự chuyển dịch mạnh và rõ nét, nhờ khai thác tiềm năng lao động, cơ cấu thu thập của hộ nông thôn rất đa dạng, ngoài thu từ sản xuất nông nghiệp, hộ nông dân còn có nguồn thu từ dịch vụ, ngành nghề, nhiều hộ có thu nhập khá từ lao động xuất khẩu. Đến nay có 75 làng nghề, trong đó 24 làng nghề được công nhận đạt tiêu chí làng nghề truyền thống đã giải quyết cho hàng ngàn lao động có việc làm và thu nhập ổn định.

Cơ cấu kinh tế vùng có nhiều bước tiến với sự hình thành một số vùng sản xuất hàng hoá tập trung, đặc biệt là những khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Khu sản xuất thôn Trại Mới (Gia Khánh - Bình Xuyên) với diện tích 12,5 ha, chuyên sản xuất rau; khu sản xuất Bình Sơn Thượng (Tam Sơn - Sông Lô) với diện tích 10 ha, chuyên sản xuất rau và hoa; khu sản xuất rau công nghệ cao ở xã Đại Từ (huyện Yên Lạc)...

Ba là, tốc độ tăng trưởng kinh tế nông nghiệp cao, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống nông dân ngày càng được nâng cao.


Từ năm 1997 đến nay, thành tựu lớn, quan trọng nhất là sản xuất nông nghiệp phát triển đúng định hướng, các chỉ tiêu chính về nông nghiệp trong từng giai đoạn đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tốc độ tăng trưởng GDP trong nông - lâm nghiệp - thủy sản đều vượt mục tiêu đề ra. Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản mỗi năm một tăng... Do đó, về cơ bản, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng lương thực - thực phẩm và có sản phẩm hàng hoá.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được đầu tư, nâng cấp, làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại. Đến nay, 100% số xã, phường có lưới điện quốc gia, được phủ sóng điện thoại và sử dụng internet; 100% hộ dân nông thôn có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất; 100% số xã có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trạm y tế và các thiết chế văn hoá. Hầu hết trụ sở UBND cấp xã được đầu tư xây dựng và nâng cấp đảm bảo khang trang; kênh tưới các loại cơ bản được kiên cố hoá, hệ thống các công trình thủy lợi trên địa bàn các xã thường xuyên được tu bổ, nâng cấp bảo đảm tưới phục vụ sản xuất; đã cứng hoá được trên 80% đường giao thông nông thôn, trên 20% giao thông nội đồng. Tỉ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt gần 80%. Đã có 20 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí nông thôn mới, các xã còn lại đều đã đạt ít nhất từ 04 tiêu chí trở lên...

Mức sống của nông dân ngày càng được nâng lên rõ rệt. Một bộ phận lao động từ khu vực nông nghiệp đã được chuyển sang khu vực công nghiệp, dịch vụ, tăng thu nhập từ các ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 17,28 triệu đồng năm 2011 lên trên 27 triệu đồng tính đến hết năm 2014. Ngay từ cuối năm 2008, Vĩnh Phúc cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm và không còn hộ đói. Số hộ nghèo ngày càng giảm: năm 2011 có 11,05% hộ nghèo, năm 2012 còn 8,7% hộ nghèo, năm 2013 còn 4,93% hộ nghèo, hết năm 2014 còn 3,63% hộ nghèo (10.317 hộ).

Bên cạnh kết quả đạt được, nông nghiệp Vĩnh Phúc vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập cần tháo gỡ như: Phát triển nhưng vẫn chưa bền vững, đa số sản phẩm chưa gắn với chế biến và tiêu thụ. Kinh tế hộ tuy phát triển khá nhưng vẫn chưa tạo được sản phẩm hàng hoá lớn. Quy mô diện tích đất sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình rất nhỏ và manh mún, nên không thuận lợi cho cơ giới hóa, áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật trên cùng cánh đồng. Cả tỉnh có khoảng 70% số hộ có các hoạt động chăn nuôi, nhưng hầu hết mang tính nhỏ lẻ7.

Trình độ văn hoá, chất lượng lao động ở khu vực nông thôn còn thấp. Tỷ lệ lao động thuần nông không qua đào tạo chiếm 95,1% (trong độ tuổi lao động và đang làm việc), nên chưa đáp ứng yêu cầu mới về tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Năng suất lao động nông nghiệp thấp hơn so với các ngành khác....

Các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn chưa thực sự đa dạng, hiệu quả; chưa có nhiều mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; nhiều nông sản, thực phẩm đặc trưng của tỉnh có chất lượng cao nhưng chưa xây dựng được thương hiệu; hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường chưa được quan tâm đúng mức…

Thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn chưa đạt kết quả, thấp hơn nhiều so với vị trí, tiềm năng và nhu cầu phát triển. Vấn đề ô nhiễm do rác thải, nước thải, khí thải đang gia tăng, nhất là những nơi đất chật người đông.

Mặc dù còn một số hạn chế, nhưng thành công vẫn là cơ bản. Sau 20 năm tái lập tỉnh (1997-2016), kinh tế nông nghiệp và cơ cấu kinh tế nông nghiệp Vĩnh Phúc đã có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng kinh tế hàng hóa và khai thác được những tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Sự chuyển biến này đã tạo động lực quan trọng để kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển, là cơ sở để Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục lãnh đạo đề ra những chủ trương, chính sách đưa kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển và đạt những thành tựu to lớn hơn./.

Vũ Trọng Hùng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất