Thứ Ba, 15/10/2024
Văn hóa
Thứ Tư, 5/10/2022 15:8'(GMT+7)

Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản: Xu thế tất yếu

Các diễn giả giao lưu tại Tọa đàm: GS. TSKH. Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm khoa học dữ liệu thuộc Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán học (VIASM); TS. Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia; ông Đinh Quang Hoàng, Giám đốc Công ty Cổ phần sách điện tử Waka.

Các diễn giả giao lưu tại Tọa đàm: GS. TSKH. Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm khoa học dữ liệu thuộc Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán học (VIASM); TS. Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia; ông Đinh Quang Hoàng, Giám đốc Công ty Cổ phần sách điện tử Waka.

Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10/10/1952 - 10/10/2022) và Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10/2022), ngày 5/10, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Cục Xuất bản, In và Phát hành; Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông; Cục Chuyển đổi số quốc gia cùng các cơ quan liên quan tổ chức Tọa đàm “Sách về chuyển đổi số và chuyển đổi số ngành sách”.

Chủ trì Tọa đàm có các đồng chí: PGS. TS. Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam; TS. Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ thông tin và Truyền thông.

Tọa đàm có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện các nhà xuất bản, đơn vị phát hành, cơ sở đào tạo ngành xuất bản cùng đông đảo bạn đọc quan tâm và sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Phát biểu tại Tọa đàm, PGS. TS. Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nêu rõ, hiện nay, trên mọi bình diện, chuyển đổi số đã và đang là xu thế chủ đạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản là xu thế chung, tất yếu của thế giới. Trong bối cảnh đó, đặc biệt là sau thời gian bùng phát mạnh của đại dịch COVID-19, ngành xuất bản thế giới chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của xuất bản phẩm điện tử cũng như sự thay đổi cách tiếp cận của bạn đọc đối với các xuất bản phẩm.

Đồng chí Phạm Minh Tuấn phát biểu khai mạc Tọa đàm.

Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nhấn mạnh, chuyển đổi số mang lại thời cơ lớn, song cũng đặt ra những thách thức mới, không nhỏ đối với ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam. Theo đó, Tọa đàm là dịp để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, quản lý  chia sẻ những thông tin hữu ích, đồng thời trao đổi, thảo luận về tác động của chuyển đổi số đối với ngành Xuất bản, In và Phát hành sách; những hạn chế, thách thức, khó khăn chung của ngành trong hoạt động chuyển đổi số; những vấn đề đặt ra và các giải pháp đổi mới, ứng dụng chuyển đổi số nhằm phát huy tối đa sức mạnh của chuyển đổi số, đưa ngành Xuất bản, In và Phát hành sách trở thành ngành công nghiệp văn hóa phát triển, góp phần chấn hưng văn hóa đọc Việt Nam…

Đại biểu tham dự Tọa đàm.

Theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên, trong 3 năm trở lại đây, xuất bản phẩm điện tử ở Việt Nam đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Tính đến tháng 5/2022, đã có 16 nhà xuất bản đủ điều kiện xuất bản điện tử; từ năm 2019 đến năm 2021, bình quân mỗi năm toàn ngành xuất bản được từ 2.000 đến 2.500 xuất bản phẩm điện tử, trong đó riêng Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã xuất bản được gần 1.200 đầu sách, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản được trên 1.000 đầu sách. Nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại được xuất bản, có sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm điện tử với các doanh nghiệp công nghệ. Sự tăng trưởng ấn tượng của một số Start-up (doanh nghiệp khởi nghiệp) như Công ty TNHH WeWe với ứng dụng nghe sách nói Voiz FM, Công ty cổ phẩn Fonos với nền tảng sách điện tử Fonos, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giải pháp công nghệ V&V với các nền tảng quảng bá và phát hành sách trên Internet... cùng nhiều doanh nghiệp khác đã và đang tạo dựng diện mạo mới cho ngành xuất bản trên không gian số. Tuy nhiên, bên cạnh những bước tiến khả quan, hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản cũng còn nhiều điểm hạn chế như: việc thay đổi từ phương thức xuất bản truyền thống sang xuất bản điện tử của các đơn vị còn chậm; hình thức xuất bản điện tử chủ yếu mới chỉ dừng lại ở số hoá sách đã xuất bản; nhưng hình thức mới như sách audio, sách thực tế ảo, sách tương tác giữa bạn đọc, tác giả và nhà xuất bản chưa có nhiều...

Đồng chí Nguyễn Nguyên trao đổi tại Tọa đàm.

“Mặc dù đại dịch COVID-19 thời gian qua đã gây ảnh hưởng lớn đến doanh số ngành xuất bản, nhưng đội ngũ làm xuất bản đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quy trình xuất bản, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh hoạt động phát hành trên các nền tảng thương mại điện tử, phát hành xuất bản phẩm điện tử, sách nói..., nhờ đó đã tạo nên một thị trường xuất bản mở, giúp đa dạng hóa các loại hình xuất bản phẩm”, đồng chí Nguyễn Nguyên nêu.

Khẳng định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, “chìa khóa” tạo bước tiến mạnh mẽ cho ngành xuất bản Việt Nam, đem lại thời cơ lớn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho ngành, đồng chí Nguyễn Nguyên cho rằng, để chuyển đổi số thành công, phải bắt đầu từ thay đổi nhận thức và hành động về chuyển đổi số, tiếp sau đó là đầu tư công nghệ và đón nhận công nghệ, đồng thời, phải vượt qua những cạnh tranh khi chuyển đổi số, nhất là vấn đề về bản quyền. Chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản và khai thác hiệu quả thị trường này là vấn đề đặt ra với không riêng ngành xuất bản mà cần sự chung tay của nhiều ngành.

Thượng tướng, PGS. TS. Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương trao đổi tại Tọa đàm.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý về lĩnh vực chuyển đổi số đã cùng chia sẻ, trao đổi nhiều nội dung sâu sắc về xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và Việt Nam; chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thúc đẩy chuyển đổi số và Chương trình chuyển đổi số quốc gia; tình hình chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực xuất bản cùng những kết quả đã đạt được thời gian qua; kinh nghiệm về việc thực hiện xuất bản và phát hành sách điện tử; những thành quả bước đầu của quá trình thực hiện chuyển đổi số ở một số đơn vị xuất bản, phát hành sách điện tử; xu hướng xuất bản điện tử trên thế giới và Việt Nam… Đồng thời, với tinh thần cởi mở, nhiều câu hỏi của các thính giả và bạn đọc liên quan đến chuyển đổi số và chuyển đổi số trong ngành sách cũng đã được các diễn giả có trách nhiệm trao đổi, giải đáp tại Tọa đàm.

Trong khuôn khổ Tọa đàm, tại tầng 1, trụ sở Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cũng đã diễn ra Lễ khai mạc trưng bày các ấn phẩm chuyển đổi số.

Khai mạc Trưng bày các ấn phẩm chuyển đổi số.

Trưng bày sẽ diễn ra đến ngày 15/10/2022. Tại đây giới thiệu các xuất bản phẩm về chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội cùng nhiều ấn phẩm quan trọng khác cả phiên bản giấy và phiên bản điện tử của 20 nhà xuất bản, trong đó, có các đơn vị uy tín và đi đầu về hoạt động chuyển đổi số như Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông, Nhà Xuất bản Khoa học tự nhiên và công nghệ...  Đặc biệt, cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật giới thiệu tới bạn đọc bản điện tử với những trải nghiệm mới, như audio thuyết minh giới thiệu sách, các hình ảnh động…

Trải nghiệm tiếp cận các ấn phẩm chuyển đổi số.

Tin, ảnh: Thế Hoàng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất