Thứ Tư, 27/11/2024
Môi trường
Thứ Bảy, 5/11/2016 19:14'(GMT+7)

Chuyên gia lo ngại ô nhiễm chất thải từ các nhà máy nhiệt điện than

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Đưa ra quan điểm tại hội thảo "Công nghệ nhiệt điện than và môi trường" do Bộ Công Thương tổ chức sáng 5/11, tại Hà Nội, tiến sỹ Nguyễn Minh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện năng lượng Việt Nam cho rằng, tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện có nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao, ảnh hưởng đến đời sống người dân khu vực xung quanh và có thể tác động đến sản xuất nông nghiệp.

Theo tiến sỹ Hiến, kinh nghiệm các nước trên thế giới áp dụng để kiểm soát chất thải từ các nhà máy nhiệt điện than là sử dụng công nghệ siêu giới hạn hoặc cao hơn nữa. Công nghệ này sẽ giúp giảm suất tiêu hao cho các nhà máy nhiệt điện đồng thời giảm lượng khí phát thải ra bên ngoài như CO2, SOX, NOX... đây là những tác nhân gây mưa axit.

"Nếu các nhà máy nhiệt điện than trong nước kiểm soát chặt chẽ được công nghệ ngay từ khi thi công thì việc phát triển các nhà máy nhiệt điện vừa đáp ứng được nhu cầu dùng điện cũng như bảo vệ môi trường", tiến sỹ Nguyễn Minh Hiến nói.

Báo cáo của Bộ Công Thương mới đây cho thấy, tất cả các nhà máy Nhiệt điện đang xây dựng và đã đi vào vận hành đều có Báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và phê duyệt.

Tuy nhiên vẫn tồn tại dự án có thay đổi hạng mục công trình bảo vệ môi trường so với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, như Nhà máy nhiệt điện Duyên hải 1 (thuộc EVN). Vì thế, các dự án này chưa được Bộ Tài nguyên và môi trường cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình, hạng mục bảo vệ môi trường.

Hiện chỉ có 2 nhà máy với công nghệ cũ nên không lắp đặt hệ thống xử lý SO2 là Phả Lại I và Ninh Bình, còn lại các nhà máy đã lắp đặt hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP), hệ thống xử lý SO2 (FGD) và hệ thống SCR (Selective Catalytic Reduction) để xử lý NOx đạt Quy chuẩn Việt Nam về môi trường.

Cũng theo báo cáo, hiện có 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 15,7 triệu tấn/năm. Tuy vậy, nhiều chính sách còn bất cập nên việc xử lý các chất thải tại nhiều nhà máy vẫn đang bị tồn đọng, tiềm ẩn những mối nguy hại cho môi trường.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng An toàn sức khỏe và Môi trường thuộc nhà máy nhiệt điện Vũng Áng cho hay, về tro xỉ Chính phủ và Bộ Xây dựng đã đưa ra những quyết định và chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy xi măng và sản xuất bêtông đầm lăn, nhưng hiện sự "bắt tay" này đang bị chững lại.

Nguyên nhân là do nhiều nhà máy xi măng khi bắt đầu xây dựng đã không nêu rõ việc sử dụng tro xỉ làm vật liệu đầu vào để sản xuất, do vậy việc xin phép sẽ rất mất thời gian.

"Thời gian gần đây, nhiệt điện Vũng Áng phải đình lại việc cung cấp tro xỉ, nếu không cho vận chuyển đi sẽ nguy cơ phải đóng cửa nhà máy, do vậy các bộ, ngành cần sớm xem xét và tháo gỡ cho các đơn vị có nhu cầu sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng để giải phóng lượng chất thải đang bị tồn”, ông Thanh nói.

Tại buổi hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn kiểm tra các nhà máy điện nhằm đảm bảo các dự án này khi xây dựng và vận hành phải theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được các cơ quan nhà nước thẩm định và phê duyệt.

Rút kinh nghiệm từ các vụ việc xả thải ra môi trường vừa qua, Thứ trưởng ​đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hơn nữa vai trò và trách nhiệm của mình, đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát và có biện pháp nghiêm minh với các chủ đầu tư không tuân thủ các quy định khi thực hiện dự án./.

(Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất