Thứ Tư, 27/11/2024
Môi trường
Thứ Ba, 25/10/2016 15:45'(GMT+7)

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Việt Nam sẵn sàng hợp tác để thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững

Ngày 25/10, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; bà Pratibha Mehta (Pra-tip-ha Mê-ta), Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam đã chủ trì “Diễn đàn Đối thoại cấp cao giữa Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu và các đối tác phát triển”.

Diễn đàn do Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ tổ chức. Tham gia Diễn đàn có các Ủy viên Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu; lãnh đạo các bộ, ngành; các ủy viên Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu; đại diện nhóm các đối tác thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu; các đối tác quốc tế, Đại sứ các nước tại Việt Nam…

* Tác động nặng nề của biến đổi khí hậu

Phát biểu tại “Diễn đàn Đối thoại cấp cao giữa Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu và các đối tác phát triển”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: Biến đổi khí hậu đã và đang trở thành vấn đề khẩn thiết mang tính toàn cầu, ngày càng trở thành vấn đề được quan tâm đặc biệt của các quốc gia và của toàn thể nhân loại. Việc thông qua Thỏa thuận Paris về khí hậu (COP21) đã mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hợp tác để thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững theo hướng ít phát thải các-bon, thân thiện với môi trường.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nhất của biến đổi khí hậu. Theo Chỉ số rủi ro về khí hậu, Việt Nam là nước đứng thứ năm về thiệt hại do thiên tai, với trung bình mỗi năm có hàng trăm người bị thương vong và thiệt hại về GDP bình quân hàng năm là 1,9 tỷ đôla Mỹ - tương đương 1,3% GDP. Do biến đổi khí hậu, những năm gần đây thiên tai, đặc biệt là bão, lũ và hạn hán ngày càng gia tăng về cường độ, tần suất, gây nhiều tổn thất lớn về người và thiệt hại cho nền kinh tế. Hàng năm, trung bình có từ 6 đến 8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Số lượng bão có cường độ mạnh xuất hiện nhiều hơn. Khu vực đổ bộ của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới có xu hướng dịch chuyển dần về phía Nam và mùa bão kết thúc muộn hơn. Nhiều cơn bão có đường đi phức tạp, dị thường. Hạn hán có xu thế tăng lên với mức độ không đồng đều giữa các vùng khí hậu. Hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra phổ biến. Hiện tượng nắng nóng gia tăng rõ rệt ở nhiều vùng trong cả nước, đặc biệt ở Trung Bộ và Nam Bộ.

Ngay trong năm 2016, tình hình khí hậu diễn biến bất thường, rét đậm, rét hại ở phía Bắc, hạn hán kéo dài ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất, đời sống và môi trường. Tăng trưởng kinh tế chậm lại, thấp hơn cùng kỳ năm 2015 (5,52% so với 6,32%). Lần đầu tiên sau nhiều năm, khu vực nông nghiệp giảm 0,18%, sản lượng lúa vụ Đông Xuân giảm 1,34 triệu tấn.

Vì vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, Diễn đàn này là cơ hội thuận lợi để các cơ quan hoạch định chính sách, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các đối tác phát triển cùng chia sẻ, trao đổi về những vấn đề đặt ra, kinh nghiệm, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam cũng như làm thế nào để triển khai thành công Thỏa thuận Paris tại Việt Nam.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị tập trung thảo luận, trao đổi về 4 vấn đề chính yếu. Đó là cập nhật các kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu và những tác động của biến đổi khí hậu tới Việt Nam. Đây là nội dung hết sức quan trọng, tạo cơ sở nền tảng để xem xét đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp. Chương trình hành động và những nỗ lực của Việt Nam trong chuẩn bị triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam, thực hiện các cam kết đã nêu trong Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) của Việt Nam và cùng cộng đồng thế giới ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Những vấn đề trọng tâm cần chú trọng trong triển khai thực hiện các chiến lược quốc gia, chương trình hành động về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, phòng chống thiên tai, phát triển năng lượng tái tạo..., bảo đảm thực sự phát huy hiệu quả hướng đến phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Xác định các vấn đề còn thiếu hụt trong các cơ chế, chính sách, chương trình hành động của Việt Nam và khả năng hỗ trợ của các đối tác quốc tế để Việt Nam ứng phó có hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu, thực hiện Thỏa thuận Paris và các cam kết khác tại COP21.

* Nỗ lực thực hiện các cam kết

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: Ngay sau Hội nghị COP21 năm 2015 tại Paris, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam. Kế hoạch hành động này đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt, trong đó đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cho các bộ, ngành triển khai và dự kiến nguồn lực để thực hiện, bao gồm nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ bắt buộc và nhiệm vụ khuyến khích thực hiện.

Trong thời gian tới, Việt Nam đặt mục tiêu: Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ rệt trong thực hiện 3 đột phá chiến lược (phát triển hạ tầng, thể chế kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực), tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng; nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm tới là từ 6,5% - 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD.

Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nguồn lực cho phát triển còn hạn chế, Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực triển khai Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và các chiến lược Tăng trưởng xanh, Phòng chống thiên tai, Phát triển năng lượng tái tạo... với nhiều chương trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Việt Nam cũng đã cam kết mạnh mẽ để cùng cộng đồng quốc tế ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, trong đó có Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC), bao gồm đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Việt Nam đặt mục tiêu đến 2030 sẽ giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường bằng các nguồn lực trong nước và có thể tăng lên thành 25% khi nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế mới trong Thỏa thuận khí hậu toàn cầu.

Về thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu trong khuôn khổ Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu nhằm tăng khả năng chống chịu, bảo vệ cuộc sống và sinh kế cho người dân, tạo điều kiện để có đóng góp lớn hơn trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Đây là Diễn đàn rất quan trọng để Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu Việt Nam và các đối tác phát triển cùng trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, cập nhật các kết quả nghiên cứu khoa học về biến đổi khí hậu và những tác động của biến đổi khí hậu tới Việt Nam. Diễn đàn là dịp xác định các vấn đề còn thiếu hụt trong các cơ chế, chính sách, chương trình hành động của Việt Nam và khả năng hỗ trợ của các đối tác quốc tế để Việt Nam ứng phó có hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu, thực hiện Thỏa thuận Paris và các cam kết khác tại COP21.

Biến đổi khí hậu đã và đang trở thành vấn đề khẩn thiết mang tính toàn cầu, ngày càng trở thành vấn đề được quan tâm đặc biệt của các quốc gia và của toàn thể nhân loại. Việc thông qua Thỏa thuận Paris về khí hậu (COP21) đã mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hợp tác để thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững theo hướng ít phát thải các-bon, thân thiện với môi trường.

Tại Diễn đàn, đại diện Cơ quan Liên hợp quốc, Đối tác phát triển (JICA), Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đại diện Đại sứ quán Đan Mạch, Hoa Kỳ, đại diện EU… khẳng định tăng cường hợp tác với Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu trong những năm tới. Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: Diễn đàn hôm nay chính là dịp các đối tác cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác giữa các bên, trong việc hỗ trợ Việt Nam ứng phó với những thách thức do biến đổi khí hậu và phát triển một nền kinh tế vững mạnh theo hướng sử dụng các-bon thấp, nhằm hướng tới một tương lai thịnh vượng và bền vững; đồng thời cam kết sẽ tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức, cũng như huy động các nguồn lực sẵn có để góp phần vào việc thực hiện chương trình SP-RCC dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam.../.


Văn Hào/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất