Thứ Bảy, 23/11/2024
Thế giới
Thứ Hai, 4/3/2019 14:19'(GMT+7)

Chuyên gia Mỹ đánh giá Việt Nam đảm nhiệm tốt vai trò chủ nhà

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) trong cuộc gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Hà Nội, ngày 27/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) trong cuộc gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Hà Nội, ngày 27/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai kết thúc, phóng viên TTXVN tại New York (Mỹ) đã có cuộc phỏng vấn với giáo sư Stephen Noerper, Giám đốc Cao cấp tại Viện Triều Tiên (Korea Society) về triển vọng hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên và vai trò của nước chủ nhà Việt Nam.

Giáo sư Noerper đánh giá Việt Nam đã thực hiện rất tốt vai trò chủ nhà hội nghị thượng đỉnh này và nỗ lực của Việt Nam đều được các bên ghi nhận, nhất là các bên trực tiếp tham gia đàm phán.

Ông nhận định sau hội nghị này, có khả năng Việt Nam sẽ tiếp tục được mời đóng vai trò chủ nhà nữa trong tương lai.

Theo ông Noerper, việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhân dịp này thăm hữu nghị chính thức Việt Nam là sự kiện hết sức quan trọng, qua đó thể hiện mong muốn tìm hiểu về Việt Nam.

Về kết quả hội nghị vừa qua, giáo sư Noerpe khẳng định điều tích cực là quá trình đàm phán vẫn đang tiếp tục.

Theo ông, đàm phán phi hạt nhân là một quá trình rất phức tạp và phía Mỹ muốn nhiều hơn là chỉ hủy bỏ cơ sở làm giàu urani ở Yongbyon.

Phía Mỹ biết rõ còn nhiều cơ sở khác và đã thông báo cho phía Triều Tiên biết điều này. Bình Nhưỡng muốn được dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt, nhưng phía Washington sẽ không nhất trí khi chưa nhìn thấy những bước tiến triển tương đồng từ phía Triều Tiên.

Đó là lý do khiến đàm phán phải tạm dừng. Tuy nhiên, giáo sư tin rằng đây không phải là kết quả xấu bởi hai bên đã cho thấy họ có thiện chí đối thoại và sẽ đàm phán tiếp trong tương lai.

Để giải quyết bất đồng về nhận thức phi hạt nhân hóa, Giáo sư Noerper cho biết cả Mỹ và Triều Tiên phải hiểu rõ định nghĩa phi hạt nhân của nhau, cũng như nhìn nhận được sự khác biệt còn tồn tại.

Mỹ đã biết về những cơ sở hạt nhân khác ngoài Yongbyon và đặc biệt rất quan ngại về vấn đề làm giàu urani, khi những hoạt động này có thể không chỉ diễn ra ở cơ sở Yongbyon.

Do đó, ông tin rằng Triều Tiên cần phải xem xét lại và cởi mở hơn bởi đó không hẳn là những đòi hỏi của phía Mỹ mà là sự mong đợi của cả cộng đồng quốc tế.

Tổng thống Trump đã đề cập đến vai trò hợp tác của Liên hợp quốc và các quốc gia khác như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Điều đó cho thấy cộng đồng quốc tế muốn thấy Triều Tiên cần cởi mở hơn nữa nếu muốn toàn bộ các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ cũng như cải thiện nền kinh tế.

Giáo sư Noerper nhận định từ nay đến cuối năm, hoặc lâu hơn nữa tình hình có thể tiến triển theo hướng hai bên cố gắng đạt được một tuyên bố hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên trong những vòng đàm phán Mỹ-Triều tương lai./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất