Thứ Ba, 19/11/2024
Văn hóa
Thứ Hai, 5/10/2015 14:29'(GMT+7)

Chuyên gia quốc tế hỗ trợ Việt Nam tập huấn phục chế tranh giấy

(Nguồn: goethe.de)

(Nguồn: goethe.de)

Nằm trong Chương trình hợp tác giữa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và trường Đại học Mỹ thuật Dresden (Đức), khóa học này góp phần nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn cho cán bộ của Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, các Bảo tàng Quốc gia tại Hà Nội, Cục lưu trữ quốc gia, một số bảo tàng địa phương và đại diện các trường đại học mỹ thuật, thư viện, khu di tích… về tu sửa, phục chế tranh giấy - chất liệu rất nhạy cảm với điều kiện khí hậu, môi trường.

Giảng viên hướng dẫn là hai chuyên gia bảo quản và phục chế các tác phẩm nghệ thuật trên giấy gồm tiến sỹ Andrea Pataki-Hundt (Viện Phục chế Stuttgart, Cộng hòa liên bang Đức) và bà Ines Jesche (Viện Phục chế Zurich, Thụy sỹ).

Trong khóa học, học viên được tiếp cận các phương pháp phòng ngừa, bảo quản và phục chế tranh giấy; ghi chép và chụp ảnh tư liệu; áp dụng công nghệ khoa học tự nhiên, nghiên cứu mỹ thuật trong phục chế; rèn luyện kỹ năng trình bày; xây dựng mạng liên kết các nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật, giám tuyển sưu tập, nhà khoa học tự nhiên và nhà phục chế.

Đặc biệt, thông qua trao đổi lý thuyết kết hợp với thực hành công tác tu sửa, phục chế tranh trên giấy, học viên sẽ từng bước tiếp cận, tìm hiểu các kỹ thuật, trang thiết bị tiên tiến trong công tác bảo quản, tu sửa tác phẩm, hiện vật bằng chất liệu giấy...

Ông Phan Văn Tiến, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết Bảo tàng hiện lưu giữ gần 5.000 hiện vật bằng chất liệu giấy. Trong số đó, nhiều hiện vật được lưu giữ từ 50-70 năm trở lên, đang bị hư hỏng nghiêm trọng bởi điều kiện tự nhiên, bảo quản chưa tốt. Khóa học đặc biệt này hy vọng sẽ góp phần làm “sống lại” những tác phẩm nghệ thuật có giá trị.

Chương trình hợp tác giữa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Trường Đại học Mỹ thuật Dresden (Đức) được thực hiện từ năm 2013 với nhiều hoạt động. Đã có nhiều khóa tập huấn về tu sửa, phục chế tranh sơn dầu và hiện vật chất liệu gỗ được thực hiện tại Việt Nam; một khóa học tập thực tế tại Đức dành cho chuyên gia Việt Nam...

Khóa tập huấn về phục chế, tu sửa tranh, tài liệu trên giấy tiếp nối chuỗi hoạt động hiệu quả này, tiến tới xây dựng Trung tâm Bảo quản, Tu sửa tác phẩm mỹ thuật (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) trở thành một trung tâm bảo quản, tu sửa quốc gia trong tương lai.

Trong khuôn khổ khóa tập huấn, ngày 5/10 còn diễn ra cuộc trao đổi và thực hành về tu sửa, phục chế tranh giấy./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất