Thứ Ba, 19/11/2024
Văn hóa
Chủ Nhật, 4/10/2015 21:2'(GMT+7)

Văn nghệ sỹ cần sáng tạo nhiều tác phẩm phản ánh sâu sắc sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 4/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dự và phát biểu tại Hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao việc Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức hội thảo này và cho rằng kết quả của cuộc hội thảo sẽ góp phần làm cho toàn Đảng, toàn dân, nhất là những nhà văn hóa, các văn nghệ sỹ nhận thức sâu sắc hơn vị trí, vai trò của văn hóa, văn nghệ đối với quá trình xây dựng con người phát triển toàn diện nói chung và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống của con người nói riêng.

Theo Chủ tịch nước, trong quá trình tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về “ Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Đảng ta ngày càng nhận thức rõ hơn văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước. văn hóa cần được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Để tiếp tục phát triển, hoàn thiện nền văn hóa đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, Chủ tịch nước nhấn mạnh, chúng ta cần quan tâm xây dựng văn hóa chính trị, văn hóa kinh tế, văn hóa pháp luật, văn hóa lao động, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa giao tiếp, văn hóa thẩm mỹ, văn hóa gia đình…

Để văn hóa trở thành động lực thì giải pháp của mọi giải pháp là phải hướng vào việc xây dựng các thế hệ con người phát triển toàn diện, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực xã hội có chất lượng cao. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta đã nhiều lần nhấn mạnh, văn hóa phải thấm sâu vào toàn bộ các lĩnh vực của đời sống con người và xã hội.

Chủ tịch nước cũng chỉ rõ, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả quan trọng. Nhưng còn không ít những khuyết điểm, yếu kém, bất cập trong xây dựng con người và môi trường văn hóa.

Đáng lo ngại nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và trong xã hội. Đề cập đến vai trò quan trọng của văn học, nghệ thuật đối với quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống tốt đẹp, Chủ tịch nước cho rằng, chúng ta cần phát huy ưu thế đặc thù của văn học, nghệ thuật trong nhiệm vụ cao cả là xây dựng nền tảng tinh thần xã hội.

Văn nghệ sỹ không chỉ là chuyên chở “đạo làm người” trong tác phẩm của mình, mà phải sáng tạo nên những hình tượng nghệ thuật có sức cảm hóa, thúc đẩy con người vươn tới sự hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống tốt đẹp theo quy luật của tình cảm, của cái đẹp, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần ngày càng tăng lên của nhân dân. Phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng, đồng thời tập trung xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp.

Trên cơ sở gìn giữ, phát huy những giá trị của văn học nghệ thuật dân tộc, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài; đồng thời kiên quyết ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn áp đặt, xâm lăng văn hóa của các thế lực thù địch.

Chủ tịch nước chia sẻ: Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mong mỏi các văn nghệ sỹ ngày càng sáng tạo nhiều tác phẩm phản ánh hiện thực sinh động, chân thật, sâu sắc sự nghiệp của nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Các tác phẩm cần biểu dương, cổ vũ những nhân tố tích cực trong xã hội, những nhân vật tiêu biểu của thời đại; đề cao cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong quan hệ con người với con người, giữa con người với xã hội, với thiên nhiên; phê phán thói hư tật xấu, lên án cái ác, cái thấp hèn. Cố gắng nâng cao tính hấp dẫn, tính thuyết phục trong việc biểu dương cũng như phê phán, tất cả hướng tới nâng cao giá trị chân - thiện - mỹ.

Chủ tịch nước cũng lưu ý, văn nghệ sỹ cần coi trọng sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật cho thiếu nhi, nhi đồng, gắn chặt với việc nâng cao chất lượng giáo dục thẩm mỹ, dạy văn học, nghệ thuật trong hệ thống giáo dục phổ thông.

Đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật cần được quan tâm xây dựng phát triển kể cả về chất lượng và số lượng trong toàn bộ các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, thật sự góp sức thẩm định đúng các giá trị đích thực các tác phẩm văn học, nghệ thuật và giáo dục thẩm mỹ, làm tốt vai trò định hướng dư luận xã hội trong quá trình sáng tác, quảng bá, biểu diễn văn học, nghệ thuật.

Kết thúc bài phát biểu của mình, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Đội ngũ các nhà văn hóa, các văn nghệ sỹ có sứ mệnh cao quý là chiến sỹ xung kích trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Chủ tịch nước mong muốn các nhà văn hóa, các văn nghệ sỹ mắt sáng, lòng trong, có tài năng nghệ thuật và khát vọng sáng tạo mãnh liệt, góp phần xây dựng con người phát triển toàn diện, trực tiếp bồi đắp tâm hồn, tình cảm, nhân cách, đạo đức, lối sống tốt đẹp cho các thế hệ người Việt Nam, phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới đồng bộ và toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam” được tổ chức trong hai ngày 3-4/10 tại Thành phố Hồ Chí Minh với gần 100 báo cáo tham luận.

Tại hội thảo, các nhà quản lý, nhà văn hóa, văn nghệ sỹ đã tập trung thảo luận, bàn thảo các vấn đề thực trạng văn nghệ hiện nay; vai trò của văn học, nghệ thuật tham gia xây dựng nhân cách con người Việt Nam.

Các đại biểu cũng đã đề xuất, kiến nghị các giải pháp để phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật với xây dựng nhân cách con người Việt Nam, trong đó đặc biệt đề cao trách nhiệm của văn nghệ sỹ trong việc xây dựng đạo đức, nhân cach, lối sống của con người Việt Nam; tăng cường công tác quản lý của ngành giáo dục- đào tạo; đổi mới, bổ sung cơ chế, chính sách; đẩy mạnh công tác lý luận, phê bình…/.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất