Thứ Ba, 26/11/2024
Thế giới
Thứ Hai, 2/11/2015 9:4'(GMT+7)

"Chuyến tàu hòa bình" bị trì hoãn

Hội nghị quốc tế mở rộng về Xy-ri diễn ra tại thủ đô Viên (Áo) ngày 30-10. Ảnh: AFP

Hội nghị quốc tế mở rộng về Xy-ri diễn ra tại thủ đô Viên (Áo) ngày 30-10. Ảnh: AFP

 

Đồng thuận nhỏ, bất đồng to

Hội nghị nói trên có sự tham dự của đại diện 17 nước, gồm: Nga, Mỹ, A-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ, I-ran, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), Ca-ta, Gioóc-đa-ni, Đức, Pháp, Ai Cập, I-ta-li-a, Anh, I-rắc, Li-băng, Ô-man và Trung Quốc, cùng 2 phái đoàn của Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc (LHQ).

Roi-tơ ngày 31-10 dẫn Tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị cho biết, các bên thừa nhận "những bất đồng lớn vẫn tồn tại", song nhất trí cần phải đẩy nhanh các nỗ lực ngoại giao để chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn 4 năm qua tại Xy-ri. Theo tuyên bố, các nước tham gia đàm phán đã đề nghị LHQ tập hợp các đại diện của chính quyền Xy-ri và phe đối lập nhằm hướng tới một tiến trình chính trị, từ đó tiến đến một chính quyền đáng tin cậy, đa đại diện, phi giáo phái, sau đó là một bản hiến pháp mới và các cuộc bầu cử. Tuyên bố cũng yêu cầu bảo đảm giữ nguyên các thể chế nhà nước của Xy-ri, đất nước phải thống nhất, quyền của mọi dân tộc và nhóm tôn giáo phải được bảo đảm.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề then chốt, đó là tương lai của Tổng thống Xy-ri Ba-sa An Át-xát (Bashar al-Assad), thì vẫn còn bỏ ngỏ. Theo Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri (John Kerry), ông cùng hai người đồng cấp của I-ran và Nga đã "thừa nhận về sự bất đồng" về tương lai của Tổng thống Ba-sa An Át-xát. Trong khi Oa-sinh-tơn tiếp tục tin rằng việc ông Ba-sa An Át-xát từ bỏ quyền lực sẽ góp phần mở đường cho một thỏa thuận nhằm chấm dứt nội chiến Xy-ri và giúp đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Mát-xcơ-va và Tê-hê-ran lại phản đối quan điểm này.

Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp (Sergei Lavrov) cũng nhấn mạnh rằng tương lai của Tổng thống Ba-sa An Át-xát phải do chính người dân Xy-ri quyết định. “Tôi chưa từng nói Tổng thống Ba-sa An Át-xát nên ở lại hay ra đi. Tôi chỉ nói rằng số phận của ông ấy nên do chính người dân Xy-ri quyết định”, tờ The Washington Post dẫn phát biểu của ông Xéc-gây La-vrốp tại cuộc họp báo sau hội nghị.

Ngoài ra, các bên tham gia hội nghị cũng khẳng định cần phải tiếp tục cuộc đấu tranh và tiêu diệt hoàn toàn khủng bố, trong đó có IS và các tổ chức khủng bố khác mà Hội đồng Bảo an LHQ đã định rõ.

Theo Ngoại trưởng Đức Phranh Oan-tơ Xtên-mai-ơ (Frank-Walter Steinmeier), hội nghị vừa qua đã không thể đạt được một bước đột phá nào cho cuộc khủng hoảng Xy-ri và người ta lại phải tiếp tục chờ đợi vào cuộc đàm phán kế tiếp, dự kiến sẽ diễn ra trong hai tuần tới. Điều này cũng đã nằm trong dự đoán của giới phân tích từ trước khi hội nghị diễn ra, bởi thực tế cho thấy trong vấn đề Xy-ri, sự khác biệt quan điểm giữa các bên là quá lớn, và ai cũng hiểu rằng mọi chuyện không thể giải quyết trong chỉ một ngày.

Động lực và hy vọng mới

Tuy nhiên, hội nghị vừa qua cũng cho thấy những bước tiến hiếm hoi và ít nhiều mở ra hy vọng chấm dứt cuộc xung đột tại Xy-ri.

Trước hết, đây là lần đầu tiên một hội nghị quốc tế về Xy-ri tập hợp được các quốc gia có quan điểm đối lập và có "tác động khác nhau" đến tình hình Xy-ri. Việc I-ran lần đầu tiên được mời tham dự hội nghị đã cho thấy sự thay đổi đáng kể trong cách nhìn của Mỹ và các đồng minh đối với Tê-hê-ran. Nó cũng phần nào cho thấy thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà I-ran và Nhóm P5+1 mới đạt được đã giúp cải thiện quan hệ giữa I-ran và phương Tây. Và biết đâu, sự hiện diện của I-ran tại bàn đàm phán với tư cách là quốc gia có vị thế và ảnh hưởng quan trọng ở khu vực, sẽ tạo ra một động lực mới để từ đó giúp các bên tìm được lối thoát cho cuộc khủng hoảng Xy-ri.

Hay như đối với quan hệ Nga-Mỹ, mặc dù vẫn tồn tại bất đồng then chốt về tương lai của Tổng thống Xy-ri Ba-sa An-Át-xát, nhưng dường như hai bên đang dần tìm được tiếng nói chung trong cuộc chiến chống khủng bố. Theo Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp, Mát-xcơ-va và Oa-sinh-tơn hoàn toàn có thể hợp tác hiệu quả hơn trong cuộc chiến này. “Chúng tôi đều có một kẻ thù chung. Chúng tôi phải bảo đảm rằng kẻ thù đó không thể giành quyền lực tại Xy-ri hay tại bất cứ quốc gia nào khác”, ông Xéc-gây La-vrốp khẳng định.

Ngoài ra, việc hai “đối thủ lớn” của khu vực là I-ran và A-rập Xê-út lần đầu tiên ngồi vào bàn đàm phán cùng với các nước khác để tìm giải pháp cho vấn đề Xy-ri cũng đem lại những tín hiệu đầy lạc quan.

Tất nhiên, các bên vẫn đang đi theo những hướng khác nhau. Ngoại trưởng Áo Xê-ba-ti-an Ku-xơ (Sebastian Kurtz) cho rằng, điều quan trọng là các cường quốc như Nga, Mỹ và các nước trong khu vực cùng tìm ra một hướng đi chung cho vấn đề Xy-ri. Chỉ khi tất cả cùng ủng hộ một tiến trình thì tiến trình đó mới có cơ hội khả thi.

Trung Dũng/QĐND
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất