Chuyến thăm lịch sử bất chấp khó khăn, nguy hiểm của lãnh tụ Cuba,
người bạn lớn của nhân dân Việt Nam, mãi mãi trở thành biểu tượng của
tình đoàn kết anh em thủy chung, gắn bó cùng lý tưởng cao đẹp...
Cách đây 45 năm, vào khoảng giữa tháng 9/1973, lãnh tụ Fidel Castro, Bí
thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng
Chính phủ đã vượt nửa vòng Trái Đất đến thăm vùng giải phóng miền Nam
Việt Nam để được tận mắt chứng kiến chiến trường ác liệt và tinh thần
chiến đấu dũng cảm của quân và dân ta.
Lãnh tụ Fidel Castro trở thành vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến
vùng giải phóng miền Nam Việt Nam. Chuyến thăm lịch sử bất chấp khó
khăn, nguy hiểm này của lãnh tụ Cuba, người bạn lớn của nhân dân Việt
Nam, mãi mãi trở thành biểu tượng của tình đoàn kết anh em thủy chung,
gắn bó cùng lý tưởng cao đẹp chống chủ nghĩa đế quốc, vì hòa bình, độc
lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.
Ý NGHĨA LỊCH SỬ TO LỚN
Với nhà báo Nguyễn Duy Cương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt
Nam-Cuba (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam), chuyến thăm của
Lãnh tụ Fidel Castro có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, diễn ra vào đúng
thời điểm cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn còn tiếp diễn ác liệt.
Bên cạnh đó, chuyến thăm là sự động viên mạnh mẽ, sâu sắc đối với quân
và dân ta, những người đang trực tiếp cầm súng bảo vệ Tổ quốc; tiếp động
lực cho quân và dân ta tiếp tục cuộc chiến đấu, tiến tới chiến thắng vẻ
vang ngày 30/4/1975.
Là người có hơn 15 năm học tập và làm việc tại Cuba, từng được gặp Lãnh
tụ Fidel Castro, ông Nguyễn Duy Cương khẳng định, sự có mặt của Fidel
Castro tại Quảng Trị còn mang đến một thông điệp cho thế giới là cần đẩy
mạnh đoàn kết với Việt Nam. Cuba đã trở thành lá cờ đầu trong phong
trào đoàn kết với Việt Nam.
Đối với Việt Nam, Fidel Castro luôn dành tình cảm rất đặc biệt, một tình
cảm hiếm có xưa nay. Ông coi ủng hộ Việt Nam như ủng hộ chính sự nghiệp
của Cuba, dành hết tất cả những gì quý báu nhất mà Việt Nam cần, Cuba
luôn sẵn sàng. Điều này được thể hiện qua câu nói bất hủ “Vì Việt Nam,
Cuba luôn sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”.
Sự chia sẻ của nhân dân Cuba không chỉ bằng tinh thần, mà còn bằng những
hành động và việc làm hết sức có ý nghĩa. Cuba đã dành tặng Việt Nam 5
công trình kinh tế-xã hội gồm: Khách sạn Thắng Lợi ở Hà Nội; đoạn đường
Sơn Tây-Xuân Mai dài hơn 50km hiện vẫn còn rất tốt; Nông trường bò sữa
Mộc Châu với 1.200 con bò thụ thai ở Cuba và đẻ ở Việt Nam; Nông trường
gà ở Lương Mỹ (Hòa Bình) sau thành nơi cung cấp giống gà cho cả miền
Bắc; Bệnh viện Đồng Hới với quy mô 500 giường ở Đồng Hới (Quảng Bình).
Từ năm 1961 đến 1975, trung bình mỗi năm Cuba viện trợ 50.000 tấn đường,
cử bác sỹ sang Việt Nam chăm sóc thương bệnh binh. Đất nước Cuba cũng
đón nhận gần 1 triệu sinh viên Việt Nam với chế độ ưu đãi tốt mặc dù
Cuba khi đó còn rất nhiều khó khăn.
Những sinh viên này sau khi về nước đã trở thành những chuyên gia đầu
ngành ở các lĩnh vực, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc.
Có thể nói tình cảm của Fidel Castro, cũng như tình cảm của nhân dân
Cuba dành cho nhân dân Việt Nam, đều trước sau như một, cùng chiến đấu,
hỗ trợ nhau trong xây dựng và phát triển đất nước.
QUAN HỆ HỢP TÁC MỞ RỘNG TRÊN NHIỀU LĨNH VỰC
Đánh giá về quan hệ Việt Nam-Cuba hiện nay, PGS. TS. Nguyễn
Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ
tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Cuba thành phố Hà Nội chia sẻ, quan hệ hợp
tác Việt Nam-Cuba đang được mở rộng trên nhiều lĩnh vực nông nghiệp,
công nghiệp, xây dựng, thương nghiệp, đầu tư, văn hóa, giáo dục, khoa
học-kỹ thuật.
Việt Nam chuyển giao kỹ thuật và con giống giúp Cuba canh tác lúa nước
trên quy mô nhỏ, nuôi trai lấy ngọc, phát triển công nghệ gốm sứ, duy
trì khối lượng gạo hàng hóa sang thị trường Cuba.
Phía Cuba tiếp tục hợp tác giúp đỡ Việt Nam trong công nghệ mía đường,
chế biến phụ phẩm từ mía đường, nuôi cá sấu, nuôi và sử dụng mồi Mosca
diệt sâu hại mía, chuyển giao gen kháng bệnh cho lúa, bắp cải, khoai
lang; tư vấn giám sát các công trình xây dựng khu liên hợp thể thao,
đường Hồ Chí Minh; hỗ trợ kỹ thuật phát triển công nghệ sản xuất nhà ở
kiểu simplex ở vùng ngập nước Đồng bằng sông Cửu Long; giúp đỡ một số
chương trình y tế quan trọng.
Riêng trên lĩnh vực đầu tư, Cuba và Việt Nam hiện có hai dự án hoạt động
khá hiệu quả là Công ty Liên doanh xây dựng quốc tế (VIC) và xí nghiệp
Vi sinh học Việt Nam (BIO VIETNAM).
Theo PGS. TS. Nguyễn Viết Thảo, sự củng cố và phát triển của
mối quan hệ Việt Nam-Cuba là một trong những nhân tố góp phần bảo vệ,
duy trì và phát triển chủ nghĩa xã hội ở hai nước trong những năm qua.
Công cuộc đổi mới ở Việt Nam và công cuộc cải cách ở Cuba đã tạo tiền
đề, tương tác và bổ sung lẫn nhau trên cả bình diện lý luận và thực tiễn
xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Quan hệ Việt Nam-Cuba xứng đáng là mẫu mực, là tấm gương đã được thể
hiện và thử thách qua nhiều thời kỳ, năm tháng lịch sử, trở thành niềm
tự hào của nhân dân hai nước.
THÚC ĐẨY TÌNH ĐOÀN KẾT
Nhấn mạnh mối quan hệ Việt Nam-Cuba là biểu tượng của thời đại, của tình
hữu nghị anh em thân thiết, Chủ tịch Cuba Fidel Castro và Chủ tịch Hồ
Chí Minh chính là những hiện thân của biểu tượng đó, Đại sứ Cuba tại
Việt Nam, bà Lianys Torres Rivera khẳng định, tinh thần của Lãnh tụ
Fidel Castro và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục được Nhà nước và người
dân hai nước tiếp nối. Rất nhiều trường học và các tổ chức tại Cuba
được đặt theo tên Việt Nam.
Hàng ngàn thanh niên Việt Nam đã đến Cuba học tập. Nhiều chuyên gia,
công nhân cũng được Cuba gửi tới Việt Nam để hỗ trợ quá trình tái thiết,
xây dựng đất nước sau chiến tranh. Tiếp nối tinh thần đó, hai nước cần
tiếp tục phát triển và tăng cường hơn nữa mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị
đặc biệt giữa hai nước.
Cuba đang cố gắng thúc đẩy, từng bước nâng quan hệ hợp tác kinh tế,
thương mại và đầu tư giữa hai nước ngang tầm với quan hệ chính trị song
phương tốt đẹp. Hiện nay, đã có một số tập đoàn, công ty của Việt Nam
quan tâm và đầu tư tại Cuba.
Bà Lianys Torres Rivera hy vọng, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư Việt Nam
đến với Cuba trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Cuba cũng đang thúc đẩy
hợp tác y tế với Việt Nam, trong đó có việc đưa các bác sỹ Cuba sang làm
việc, đồng thời đưa các sản phẩm y dược, một thế mạnh của Cuba, đến với
thị trường Việt Nam.
Đối với công tác tuyên truyền thúc đẩy tình đoàn kết giữa nhân dân hai
nước, đặc biệt là thế hệ trẻ, ông Nguyễn Duy Cương cho rằng, quan hệ hai
nước thời gian tới phụ thuộc rất nhiều vào các tổ chức Đảng, đoàn thể;
tập trung vào việc tăng cường tuyên truyền nâng cao hiểu biết của nhân
dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống quan hệ hai nước, từ đó tiếp
nối quan hệ truyền thống tốt đẹp này.
Với phương châm “Giúp đỡ Cuba là mệnh lệnh của trái tim”, Hội Hữu nghị
Việt Nam-Cuba cùng các đoàn thể, thường xuyên có các chương trình giao
lưu hữu nghị với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, nhằm tăng cường sự
hiểu biết và hợp tác của nhân dân hai nước, góp phần đẩy mạnh quan hệ
hai nước trên nhiều mặt./.
Thu Phương (TTXVN)