Ngày 17/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thí điểm hợp nhất ba văn phòng: Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), hội đồng nhân dân (HĐND) và ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh. Đây là vấn đề mà cử tri cả nước đặc biệt quan tâm.
Theo ban soạn thảo đề án, việc hình thành ba văn phòng riêng ở đơn vị
hành chính cấp tỉnh làm cho bộ máy cồng kềnh, nhiều phòng, nhiều cấp
phó, khó tập trung nguồn lực và phát sinh tăng trụ sở. Mỗi tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương có ba đơn vị tương đương cấp sở làm nhiệm vụ
tham mưu, giúp việc, như vậy, trên toàn quốc sẽ có 189 cơ quan và hơn
500 lãnh đạo cơ quan cấp sở (tương đương giám đốc, phó giám đốc sở).
Ngoài ra, còn hình thành nhiều đơn vị trung gian cấp phòng. Khi thực
hiện hợp nhất ba văn phòng, sẽ giảm được hai đầu mối cơ quan tương đương
cấp sở ở mỗi địa phương. Tương ứng với đó giảm được hai cấp trưởng và
ba cấp phó ngành, nhiều đầu mối cấp phòng và trưởng, phó trưởng phòng.
Trước đó, đã có nhiều hội nghị, hội thảo bàn về vấn đề này. Các ý kiến,
kiến nghị đánh giá khá toàn diện cả về mặt được và những mặt chưa được
khi tiến hành hợp nhất. Đại đa số các đại biểu cho rằng, việc hợp nhất
ba văn phòng đoàn ĐBQH, HĐND và UBND thành một văn phòng tham mưu, giúp
việc chung ở cấp tỉnh là cần thiết, nhằm tiếp tục cải cách tổ chức bộ
máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp
với chủ trương chung của Đảng và Nhà nước ta về tinh giản biên chế, góp
phần nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ ở khối văn phòng ở
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thực tế ở một số địa phương
đã phát huy được hiệu quả tích cực khi sáp nhập, hợp nhất một số cơ quan
Đảng, chính quyền, đoàn thể...
Tuy nhiên, cũng có đại biểu cho rằng, chức năng của đoàn ĐBQH và HĐND
là cơ quan quyết định và giám sát, còn chức năng của UBND là cơ quan
thực thi… Vì vậy, nếu sáp nhập ba văn phòng thì có tình trạng văn phòng
“vừa đá bóng, vừa thổi còi” không? Có đại biểu lý giải: Đoàn ĐBQH không
phải là chính quyền địa phương, lại sáp nhập với văn phòng của địa
phương thì có phù hợp? Mặt khác, theo một số văn bản quy phạm pháp luật
hiện hành thì việc hợp nhất này là không đúng quy định. Đặc biệt, khi
sáp nhập ba văn phòng lại với nhau, đi liền với đó là cơ cấu lại đội ngũ
cán bộ công chức, viên chức, chắc chắn sẽ động chạm, tác động đến tâm
tư, tình cảm, thậm chí ảnh hưởng đến lợi ích của một số người trong văn
phòng.
Chính vì những lý do trên, theo ý kiến của nhiều đại biểu, việc hợp
nhất ba văn phòng cần cẩn trọng khi cơ cấu tổ chức các phòng và biên
chế. Trước mắt, cần thí điểm việc hợp nhất tại một số địa phương để rút
kinh nghiệm. Quá trình hợp nhất, cần có cơ chế, chính sách phù hợp với
đội ngũ bị tác động và cơ chế thưởng phạt nghiêm minh, nơi nào làm tốt
cần có khen thưởng, nơi nào không thực hiện được cần có chế tài xử lý,
trước hết là người đứng đầu. Văn phòng hợp nhất nên trực thuộc UBND,
thiết kế theo hướng phân định mang tính tương đối trong đó có tổ chức
một bộ phận giúp việc đoàn ĐBQH, một bộ phận giúp việc HĐND, một bộ phận
giúp việc UBND. Phòng quản trị hành chính phục vụ và phòng tiếp công
dân nên thiết kế phục vụ chung cho cả ba cơ quan.
Sau thời gian thí điểm hợp nhất, nên xem xét thấu đáo những mặt được và
chưa được, những địa phương thành công và chưa thành công để rút kinh
nghiệm, hoàn thiện mô hình để có thể nhân rộng ra toàn quốc./.
Đỗ Phú Thọ (qdnd.vn)