Chủ Nhật, 29/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 12/10/2011 16:9'(GMT+7)

Chuyện trạng Vĩnh Hoàng cần được đánh thức

Chuyện Trạng Vĩnh Hoàng đã được sáng tạo bằng hình thức tranh vẽ sinh động.

Chuyện Trạng Vĩnh Hoàng đã được sáng tạo bằng hình thức tranh vẽ sinh động.

Huỳnh Công (Vĩnh Hoàng) một làng quê nằm ở phía Đông huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, giáp Biển Đông, cách thị trấn Hồ Xá trung tâm huyện lỵ khoảng 4km, cách khu di tích đôi bờ Hiền Lương khoảng 10km, cách bãi tắm Cửa Tùng, địa đạo Vịnh Mốc khoảng 15 km theo đường huyện lộ, và cách Thành phố Đông Hà tỉnh lỵ khoảng 35km.

Huỳnh Công (Vĩnh Hoàng) theo gia phả của dòng họ Huỳnh (Hoàng) viết vào tháng 4 niên hiệu Tự Đức thứ 16 năm 1863 đã nói rằng: năm 1362 ông Huỳnh Đại La người Hoan Châu từ Bắc đã cùng con trai vào Ô Châu quan sát địa thế. Sau một thời gian nghiên cứu đất đai thuận lợi có núi, sông, thiên nhiên tươi đẹp, ông dừng chân tại đây khai hoang định cư. Sau họ Huỳnh, các họ Trần Chính Phái, Trần Như Phái cùng họ Nguyễn, họ Tạ cũng đến vùng đất này lập nghiệp. Trong buổi lễ kết nghĩa anh em, giữa 4 Trưởng họ để làm địa bộ, ông trưởng họ Huỳnh (Hoàng) được tôn làm Anh cả đặt tên xã là Huỳnh Công (Vĩnh Hoàng). Từ đó Vĩnh Hoàng đã trãi qua những biến thiên của lịch sử nhập tách… có tên gọi từ đó vào nữa đầu thế kỷ XX. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp (1955), Vĩnh Hoàng được chia tách địa giới mới thành 4 xã: Vĩnh Nam, Vĩnh Trung, Vĩnh Tú, Vĩnh Thái thuộc huyện Vĩnh Linh cho đến nay. Xuất phát từ xã Huỳnh Công xưa những câu chuyện trạng lưu truyền miệng từ đời này sang đời khác đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hoá của người dân ở đây.

Trải qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, chuyện Trạng Vĩnh Hoàng vẫn tồn tại như một nếp sống thường ngày. Được xuất phát từ thực tế cuộc sống dí dỏm, hài hước, thông minh, phóng khoáng trong sản xuất, chiến đấu với kẻ thù, với thiên nhiên rất ngặt nghèo, nhưng những câu chuyện trạng bịa như thật bao giờ cũng có lý, có cơ sở cuốn hút người nghe, chiếm vị trí xứng đáng trong kho tàng văn nghệ dân gian Việt Nam nói chung, Quảng Trị nói riêng, được các nhà nghiên cứu chú ý đánh giá như một hiện tượng văn hoá đặc sắc riêng biệt không hoà lẫn với bất cứ văn hoá của một làng quê nào. Chính trên mảnh đất sơn thuỷ hữu tình này đã sinh ra một huyền thoại, đó là chuyện Trạng Vĩnh Hoàng.

Mặc dù được ưu đãi thiên nhiên xinh đẹp, hữu tình, song về điều kiện kinh tế có thể nói Vĩnh Hoàng là vùng đất nghèo nhất huyện. Trải qua bao đời, đất và người Vĩnh Hoàng phải vật lộn với môi trường để sinh tồn. Người Vĩnh Hoàng đã chịu đựng một cuộc sống khó khăn, cùng cực. Những thành ngữ như: “Ăn cơm bữa diếp”, “Đói rạ mắt”. Mặc thì: “Áo rách chi lắm áo ơi / Áo rách trăm tấm không nơi rận nằm” cũng từ đất này mà ra. Đến nay trong người dân Vĩnh Hoàng vẫn còn lưu truyền những câu ca dao nhức nhối buồn: “Ai về Vĩnh Hoàng làm chi / Ruộng đồng thì ít rú ri thì nhiều / (hoặc) Em về Vĩnh Hoàng làm giàu / Chột môn làm mắm, sắn tàu thay cơm”. Vất vả cực nhọc vì đất bạc màu, ruộng xấu, thiên tai đe doạ, lại cùng cực vì bọn cường hào thống trị đè nén, áp bức, song con người Vĩnh Hoàng vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Khác với sự trầm tĩnh của con người ở các vùng quê khác trong huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, con người Vĩnh Hoàng có phong cách sống sôi nổi, ồn ào, bộc trực, thẳng thắn. Họ là những người khí thái, tự tin, ít có tâm lý bi quan tuyệt vọng và chính điều đó đã giúp họ vượt qua mọi thử thách. Đặc biệt, người Vĩnh Hoàng rất thông minh, sắc sảo, có tài ứng đối rất giỏi và nhanh, bằng lý lẽ chặt chẽ và có cơ sở thực tiễn.

Trong tác phẩm “Vĩnh Linh” nhà văn Nguyễn Huy đã từng viết “Vĩnh Linh có hai làng, một làng giỏi võ với tài bắt cọp là làng Thuỷ Ba (Vĩnh Thuỷ), một làng giỏi văn với tài ứng tác chuyện trạng nổi tiếng khắp cả nước đó là Vĩnh Hoàng”. Dân cư cả làng đều nói trạng giỏi và có khả năng kể chuyện trạng hay. Phải có đầu óc thật thông minh, một cảm quan nghệ thuật sắc sảo, có tài bịa chuyện nhanh như chớp, có tài ứng tác văn học và giàu kỹ năng trào lộng, hài hước trong bất cứ hoàn cảnh nào thì người dân mới có thể nói trạng giỏi như thế.

Với kho tàng chuyện trạng độc đáo, phong phú, người Vĩnh Hoàng đã tạo cho riêng mình một “bản sắc” không thể trộn lẫn với một làng quê nào ở Quảng Trị. Nó đã góp tiếng nói của một làng quê vào kho tàng văn học dân gian Quảng Trị và kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Ở một khía cạnh nào đó, chuyện trạng Vĩnh Hoàng còn góp phần làm phong phú thêm tiếng cười dân gian Việt Nam.

Chuyện trạng Vĩnh Hoàng là một sản phẩm tinh thần quý giá. Nó gắn bó với lịch sử Vĩnh Hoàng, phản ánh cuộc sống vật chất và tinh thần, tính cách và phẩm chất của người dân Vĩnh Hoàng. Qua chuyện trạng hình ảnh người dân Vĩnh Hoàng hiện ra thật là đẹp, một vẻ đẹp chất phác, hồn nhiên đầy chất dân dã. Sức thuyết phục của những câu chuyện, trước hết là ở con người. Màu sắc ca ngợi của tiếng cười trong chuyện trạng trước hết từ con người Vĩnh Hoàng. Họ mang sức mạnh của những con người rất có ý thức về vai trò chủ nhân của mình. Từ bao đời, người và đất Vĩnh Hoàng gắn bó mật thiết với nhau, người bảo vệ đất, đất bao dung người. Chính mảnh đất này đã tôi luyện người Vĩnh Hoàng trong quá trình lao động và chiến đấu. Họ không chấp nhận sự thất bại, sự chùn bước trước khó khăn thử thách, các câu chuyện trạng đã nói lên điều đó. Qua những câu cuyện về “quả dưa”, “cây ớt”, “củ sắn”, “con cà nông dội bom bi”, “cải cọp mà cày”, “ngọn khoai lang bò ra ba huyện”, “rào làng giỏi đến nổi giặc Pháp đi càn không tìm được lối đi vào làng, lớ ngớ sập hầm chông du kích chết quá nữa …” người Vĩnh Hoàng muốn chứng minh rằng: họ có đủ sức mạnh để làm ra mọi thứ trên đời. Họ sẵn sàng chấp nhận sự khó nhọc, vất vả để có được những sản phẩm ‘trạng” tuyệt vời như: qủa dưa lớn đến nỗi quạ chui vào bắt bọp mỏi cả tay; hay cây ớt lớn đến mức xẻ thân cây đủ ván để đóng 3 cỗ quan tài, và ngày nay trong thời kỳ đổi mới, khi trồng lạc cao sản thì vỏ lạc to có thể làm thuyền, kết bè đi câu cá chình trên bàu Thủy Ứ chứ chẳng thua gì …

Xứ Huỳnh Công xưa hoang vu, rậm rạp, dân cư thưa thớt, thú dữ quậy phá, con người luôn luôn bị đe doạ tính mạng, cuộc sống vất vả cực nhọc, thức khuya dậy sớm … kiếm sống sinh nhai, nhưng với những chủ nhân của vùng đất này thì họ luôn mỉm cười, tự tin trước sức mạnh của mình. Hãy nghe câu chuyện bứt đuôi cọp: ông cắt tranh hóp má hút thuốc, trả lời giọng thật thà như đếm: “Cũng đôi khi eng (anh) ạ. Mới bữa tê (kia) tui (tôi) đi cắt tranh, nặng gấp ba triêng (gánh) ni, về đến nhà mở ra phơi bất ngờ chộ (thấy) mấy cái đuôi cọp lẫn lộn bên trong, một vằn hai vện máu me bê bết gớm …”

Nếu cái thật của người dân Thuỷ Ba là bắt cọp, thì ở đây cái thật trong câu chuyện trạng là: từ cuộc sống lam lũ, thức khuya, dậy sớm, vất vả người Vĩnh Hoàng tự hun đúc cho mình bản lĩnh vững vàng, sức mạnh chế ngự thiên nhiên. Họ tự tôi luyện mình trong lao động để có được sức mạnh kia, đó là sức mạnh tinh thần quý giá giúp người dân Vĩnh Hoàng đứng vững trong nắng gió khắc nghiệt của thiên nhiên và trước mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù.

Nghe và đọc những câu chuyện trạng được ứng tác trong cuộc sống lao động, sản xuất, chiến đấu trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, sức mạnh của người dân Vĩnh Hoàng được bộc lộ rõ. Những câu chuyện như “cải cọp cày”, “cho bọ điếu thuốc đã”, “quèo máy bay”, “dư một đứa con …” đều cho thấy sức mạnh ấy. Chuyện “dư một đứa con” là một ví dụ: “Câu chuyện kể về vợ chồng anh dân quân đi trực chiến về, ba đứa con đã ngủ dưới hầm, vợ chồng phát hiện trong hầm có 4 đứa trẻ đang ngủ (dư một đứa lại đang nóng sốt), đến khi bật lửa lên thì mới hay là quả bom khoan của Mỹ chui xuống hầm cận bọn trẻ. Anh chồng nhẹ nhàng bồng quả bom lên, vứt xuống vũng trâu dầm”. Bình tĩnh, đường hoàng đến thế là cùng, câu chuyện đã nói lên bản lĩnh vững vàng của người Vĩnh Hoàng. Bản lĩnh đó là bản lĩnh của người chính nghĩa, điều này kẻ thù không thể có và không bao giờ có.

Thông qua câu chuyện trạng, người dân Vĩnh Hoàng, rất giàu tình cảm, yêu quê hương, tình nghĩa làng xóm, lòng mến khách hiện lên rất rõ. Có giàu tình cảm, người dân Vĩnh Hoàng mới có thể kể về quả dưa, cây ớt, cây lạc, con cá, … về những trảng dưa, khoai, sắn, ớt, lạc, một cánh rừng, bàu Thủy Ứ thơ mọng … của quê mình một cách say sưa, thân thiết như vậy. Tất cả đều gắn bó như một phần máu thịt của người dân Vĩnh Hoàng xưa và nay.

Những con người giàu tình cảm đó cũng là những con người sống có bản lĩnh, cương trực, thẳng thắn, hồn nhiên và lạc quan. Trong cuộc sống kháng chiến chống Mỹ, cũng như mọi người dân Vĩnh Linh khác, mỗi người dân Vĩnh Hoàng phải chịu 7 tấn bom và 10 quả đạn pháo. Cái chết luôn rình rập, đe doạ nhưng người Vĩnh Hoàng đâu có sợ, trái lại họ vẫn cười ngạo nghễ, điều đó đã được thể hiện rõ nét trong các chuyện trạng. Khác với tiếng cười trào phúng, tiếng cười phê phán phủ định thói hư, tật xấu trong chuyện cười Ga Brôvô của Bungari, tiếng cười trong chuyện trạng Vĩnh Hoàng là tiếng cười ca ngợi… Bằng những biện pháp nghệ thuật độc đáo, phóng đại gián tiếp, khai thác đề tài, xây dựng cốt truyện, nhân vật sử dụng ưu thế ngôn ngữ địa phương. Chuyện trạng Vĩnh Hoàng chỉ hay và hấp dẫn khi người nghe kể bằng chính giọng nói của người thuộc địa phận thôn Tây (xã Vính Tú), thôn Đông (xã Vĩnh Trung) và chỉ có chất giọng con người ở địa danh này kể mới hấp dẫn “chất trạng” và “chất gây cười”.

Chuyện trạng Vĩnh Hoàng đã đưa người nghe vào thế giới hiện thực nhưng thấm đẫm chất lãng mạn. Phải dày dặn, vững vàng trong thử thách, phải có bản lĩnh nghị lực, nhất là có tình yêu tha thiết với quê hương, làng xóm, tình yêu đời, yêu cuộc sống, người Vĩnh Hoàng mới tạo được tiếng cười hấp dẫn và độc đáo đến như vậy.

Kho chuyện trạng Vĩnh Hoàng đã chứng minh khả năng sáng tạo vô cùng to lớn của quần chúng lao động, làm rõ hơn ý nghĩa: ở đâu có cuộc sống người lao động chịu muôn vàn thử thách ở đó có sự sáng tạo văn học dân gian.

Kho chuyện trạng là niềm tự hào, là niềm kiêu hãnh, làm cho người Vĩnh Hoàng thêm gắn bó với quê hương, tác dụng động viên quần chúng có thêm sức mạnh trong sản xuất, chiến đấu. Tiếng cười cho từng chuyện trạng thực sự là vũ khí tăng thêm sức mạnh của bản lĩnh, ý chí, giúp người dân Vĩnh Hoàng tự tin, vững bước đi lên trong công cuộc xây dựng quê hương mến yêu của mình ngày càng giàu mạnh, phồn vinh. Những câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng đã đi theo bước chân người chiến sĩ theo tháng năm trên dặm đường dài hành quân giết giặc và gắn bó với người ở lại bám trụ vừa sản xuất vừa chiến đấu.

Chuyện trạng Vĩnh Hoàng đã thực sự đi vào lòng người và sống mãi với thời gian như một huyền thoại. Những năm gần đây trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, phát triển đất nước, mỗi dân tộc đều phải tự vươn lên để tự phát triển và tự khẳng định chính mình. Song hành trên con đường hội nhập ấy là sự giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Trên đất nước ta mỗi nét đẹp văn hoá của mỗi làng quê như một hương sắc riêng góp thêm vào vườn hoa đặc trưng cho một vùng quê. Nên chăng các cấp chính quyền, cơ quan chức năng nên có đầu tư kinh phí, trí tuệ để biên soạn chọn lọc các chuyện trạng Vĩnh Hoàng thành sách và chọn người Vĩnh Hoàng kể chuyện trạng rồi ghi âm, ghi hình giới thiệu văn hoá chuyện trạng Vĩnh Hoàng đến với đông đảo nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Là một mạch chảy của nền văn hoá dân gian Quảng Trị nói riêng và cả nước Việt Nam nói chung, chuyện trạng Vĩnh Hoàng góp phần để mỗi người dân hiểu, thêm yêu hơn mảnh đất con người nơi đây, để bảo vệ, giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hoá truyền thống, của vùng đất này đến với mọi thế hệ mai sau ./.

Hoàng Đức Chúng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất