(TCTG) - Từ ngày 14 - 15/10/2011, các viện văn hóa và các đại sứ quán của nhiều nước châu Âu tại Việt Nam sẽ tổ chức ngày hội các ngôn ngữ Châu Âu tại viện Goethe Hà Nội. Lễ hội không chỉ đưa ra sự đa dạng mà còn chỉ cho ta thấy mục đích và tầm quan trọng của đa ngôn ngữ trong mối quan hệ với châu Âu ngày nay.
Ngày hội các ngôn ngữ châu Âu (EUNIC) năm nay sẽ do viện Goethe, Hội đồng Anh, Agence Universitaire de la Francophonie, viện Cervantes cũng như đại diện của quĩ Wallonie-Bruxelles và các Đại sứ quán Tây Ban Nha, I-ta-li-a, Hung-ga-ry và Áo cùng phối hợp tổ chức. Các nước sẽ cùng giới thiệu về ngôn ngữ của quốc gia mình và thảo luận về các ưu nhược điểm của sự đa dạng ngôn ngữ ở châu Âu và vai trò của đa dạng ngôn ngữ trong bối cảnh quốc tế.
Vào thứ sáu, 14/10, sẽ diễn ra Hội thảo “Đa ngôn ngữ – Thách thức và cơ hội cho một thế giới toàn cầu”. Đây là chương trình của ngày đầu tiên đặc biệt dành cho các đối tượng chuyên ngành ngôn ngữ với các tham luận, thảo luận. GS. Nguyễn Quốc Hùng nói về Ngoại ngữ năm 2012 dự án ở Việt Nam, GS. Jürgen Quetz từ trường ĐH J.W. Goethe-Frankfurt tham luận về chủ đề Giáo trình song ngữ cho trường học trong một thế giới đa ngôn ngữ. Ông O’Rourke, Đại diện từ Hội đồng Anh, đọc một tham luận ngắn về Thông tin và công nghệ truyền thông trong giáo dục và bà Nguyễn Vân Dung, trường ĐHQG Hà Nội nêu vấn đề về quá trình học tiếng Pháp của sinh viên Việt Nam.
Buổi chiều sẽ diễn ra một buổi thảo luận bàn tròn giữa các GS. Jean-Marie Klinkenberg, nhà ngôn ngữ và biểu tượng học người Bỉ, GS. Jürgen Quetz, TS. Georg Heindl, Đại sứ Áo tại Việt Nam về đa dạng ngôn ngữ, ý nghĩa của nó đối với sự phong phú về văn hóa của châu Âu, vai trò của đa ngôn ngữ trong việc tăng cường những mối liên hệ quốc tế. Các tham luận vào buổi sáng cũng như cuộc thảo luận vào buổi chiều sẽ được dịch trực tiếp sang tiếng Việt.
Ngày thứ 7, 15/10, ngày thứ hai của ngày các ngôn ngữ Châu Âu sẽ mang nhiều tính thực hành. Trong ngày hội, trong các lớp học và thư viện của viện Goethe, các đại diện của các tổ chức tham gia sẽ giới thiệu về ngôn ngữ của mình: Tiếng Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hungary và Ý. Các nước tham gia sẽ có các buổi dạy học ngắn khoảng 30 phút, được tổ chức nhiều lần trong ngày. Ngoài ra, còn có các tài liệu trực quan sinh động như Poster, tranh ảnh, phim ngắn… tạo hứng thú trải nghiệm các nước khác nhau. Người tham dự có nhiều cơ hội tham gia các buổi học ngắn, học những từ đầu tiên của một ngôn ngữ mới và có được một ấn tượng về sự đa dạng về ngôn ngữ và văn hóa của Châu Âu.
Lễ hội không chỉ đưa ra sự đa dạng mà còn chỉ cho ta thấy mục đích và tầm quan trọng của đa ngôn ngữ trong mối quan hệ với châu Âu ngày nay. Ngoài tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh, ai có thể nói thêm một ngoại ngữ của châu Âu sẽ có thêm nhiều lợi thế trong các mối quan hệ kinh tế và thương mại với châu Âu. Đây có thể là một phát hiện quan trọng, đặc biệt là đối với một nước xuất khẩu như Việt Nam./.
PV