Thứ Năm, 28/11/2024
Cuộc sống số
Thứ Sáu, 29/5/2015 8:21'(GMT+7)

CNTT giúp giảm 2/3 thời gian thực hiện thủ tục tại bệnh viện

Giảm thiểu thủ tục hành chính tại bệnh viện

Dạo qua các bệnh viện lớn của thành phố, không khó để bắt gặp tình trạng bệnh nhân xếp hàng dài chờ tới lượt khám, nhận kết quả chuẩn đoán tình hình sức khỏe... Thời gian cho việc kê toa, xuất thuốc, thu phí, làm thủ tục nhập viện, xuất viện cũng là một vấn đề nan giải  tại nhiều bệnh viện, khi mà thống kê cho thấy, hiện nay các bác sĩ phải dành tới  75% thời gian làm việc (tức 6/8 giờ làm việc hàng ngày) cho công tác hành chính, giấy tờ. Việc này ảnh hưởng rất nhiều tới công tác chuyên môn và hiệu quả hoạt động của bệnh viện.

Ứng dụng các giải pháp CNTT được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất nhằm giảm tải cho các bệnh viện. Theo thống kê từ Bộ Y tế, trong năm 2014, 100% bệnh viên tuyến Trung ương đã ứng dụng phần mềm tin học bệnh viện, tuyến tỉnh là 68%, tuyến huyện là 61%. Nhiều ứng dụng CNTT đã phát huy được tác dụng rõ rệt. Đơn cử như Hệ thống thông tin quản lý bệnh viện FPT.eHospital, đã giúp thời gian đăng ký khám bệnh giảm từ 4 phút xuống 1 phút; thời gian kê toa thuốc của bác sĩ giảm từ 5 phút xuống còn 2 phút; thời gian làm thủ tục xuất viện cho bệnh nhân giảm 1,5 lần; đặc biệt thời gian tổng hợp báo cáo giảm xuống còn 5 phút thay vì từ 1-2 ngày như trước đây.

Có khoảng 100 bệnh viện lớn như: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Nhi Trung Ương, Hữu Nghị Hà Nội, Nhân Dân Gia Định, Ung bướu TP.HCM, Vinmec,  tập đoàn Y Khoa Hoàn Mỹ… đã ứng dụng phần mềm FPT.eHospital.

Bác sĩ Trần Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Bệnh viện An Sinh cho biết, việc áp dụng FPT.eHospital đã giúp bệnh viện củng cố năng lực quản lý, đồng thời tạo ra một phong cách làm việc khoa học giúp phát triển năng lực chuyên môn cho cán bộ nhân viên.

Điện tử hóa vé tàu hỏa

Những năm trước đây, khi ngành đường sắt bắt đầu “mở cửa” bán vé tàu Tết, tại các nhà ga luôn chật kín người, chen chúc, xô đẩy nhau để giành giật từng chiếc vé.

Tuy nhiên, bức tranh xô bồ tại các ga tàu trong thời gian tới chỉ còn là câu chuyện trong quá khứ nhờ Hệ thống bán vé điện tử (do FPT cung cấp) mà ngành đường sắt triển khai vào cuối năm 2014. Hệ thống này là kênh bán vé mới tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có thể mua vé tàu mọi lúc, mọi nơi. Thời gian đặt chỗ trên hệ thống chỉ khoảng 4 phút, thay cho việc xếp hàng chờ đợi vài tiếng đồng  hồ tại ga như mọi khi.

Từ khi được chính thức triển khai vào cuối năm 2014 đến nay, hệ thống bán vé tàu điện tử đã tạo thuận tiện cho người dân trong việc mua vé, góp phần ngăn chặn nạn cò vé (Nguồn ảnh: Internet)

Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng vé mua qua hệ thống bán vé điện tử thường xuyên duy trì ở mức trên 50%. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa các kênh thanh toán cũng là một “điểm cộng” đáng chú ý. Hệ thống cho phép người dân thanh toán bằng tất cả các loại thẻ do ngân hàng trong nước phát hành (bao gồm thẻ ATM và tín dụng), tại tất cả các bưu cục trên cả nước, với khoảng 2.000 điểm hỗ trợ hoặc tại hơn 50 chi nhánh của Ngân hàng Quốc tế (VIB) ở khu vực phía Nam.

Ông Vũ Tá Tùng TGĐ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đánh giá: “Hệ thống bán vé điện tử với giao diện thân thiện, thuận tiện và minh bạch đã giúp người dân dễ dàng tìm kiếm vé tàu, chỗ ngồi phù hợp trong thời gian ngắn, từ đó chủ động kế hoạch đi lại. Ngoài ra, hệ thống cũng giúp ngăn chặn hữu hiệu nạn đầu cơ vé nhờ thông tin được công khai trên mạng Internet. Đồng thời, hỗ trợ ÐSVN nắm bắt được nhu cầu, tình hình vé bán thực tế một cách nhanh chóng, đưa ra kế hoạch điều hành chính xác, bảo đảm chất lượng phục vụ người dân, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng doanh thu cho ngành”.

Mô hình đang được được nhân rộng

Ngoài y tế và đường sắt, nhiều lĩnh vực khác cũng đang trong quá trình chuyển biến ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, tiết kiệm chi phí và thời gian cho nhà quản lý.

Mới đây nhất, ngày 18/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và nhấn nút khai trương Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, địa chỉ để người dân và DN thực hiện giao dịch về BHXH, bảo hiểm y tế qua mạng Internet. Để giảm chi phí, thời gian, tạo thuận lợi cho DN và người tham gia BHXH, thời gian tới, BHXH Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư ứng dụng CNTT theo hướng hiện đại để phục vụ tốt hơn, kịp thời hơn cho người lao động, các đơn vị sử dụng lao động và người dân khi giao dịch với cơ quan BHXH các cấp.

Ngành giao thông cũng đang nghiên cứu ứng dụng các công nghệ giám sát phương tiện qua thiết bị định vị toàn cầu (GPS) trên cả thiết bị giám sát hành trình và thiết bị di động. Đây được kỳ vọng là một trong những giải pháp hữu hiệu trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường và tăng tính tiện ích cho người tham gia giao thông ở Việt Nam./.

Theo ICTnews



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất