Ngày 12/5, ông Lâm Quốc Cường, Giám đốc Công ty Viễn thông Quốc tế
(VNPT-I, thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam) cho biết, sự cố đứt cáp quang biển quốc tế AAG vào ngày
23/4 đã được sửa chữa xong, tốc độ Internet từ Việt Nam đi quốc tế đã
được khôi phục hoàn toàn.
Đại diện các nhà khai thác dịch vụ Internet tại Việt Nam trên tuyến cáp
quang biển này như FPT Telecom, CMC cũng đã lên tiếng xác nhận việc
trên.
Ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm thông tin và quan hệ công chúng
(VNPT) cho biết, đơn vị này đã tích cực phối hợp với Ban điều hành quản
lý các nước có liên quan thực hiện quy trình triển khai các biện pháp
khắc phục sự cố cáp quang trong thời gian sớm nhất, vượt tiến độ dự
kiến.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khác đã triển khai phương án xử lý kịp
thời bằng cách san tải, định tuyến lưu lượng sang tuyến mới qua hướng ưu
tiên như mở khẩn cấp 20 Gbps từ Việt Nam đi Hong Kong trên tuyến cáp
đất liền qua Trung Quốc…
Trước đó, vào 5 giờ 17 phút ngày 23/4, phân đoạn cáp SH1 từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Hong Kong của tuyến cáp AAG đã bị đứt.
Đây cũng là lần thứ hai trong năm 2015, tuyến cáp quang AAG xảy ra sự
cố, ảnh hưởng tới tốc độ truy cập Internet từ Việt Nam đi quốc tế.
AAG có dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu
vực Đông Nam Á với Mỹ. Tuyến cáp quang này được đưa vào khai thác
từ năm 2009, đi qua Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (điểm
cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong, Philippines và Hoa Kì (Guam,
Hawaii và California).
Tuyến cáp này được xây dựng từ kết quả hợp tác của 19 công ty viễn
thông, trong đó có bốn doanh nghiệp Việt Nam là VNPT, Viettel, FPT và
SPT, cùng tham gia xây dựng và bảo dưỡng.
AAG có chiều dài 20.191km (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314km) với tổng
chi phí đầu tư khoảng 560 triệu USD, trong đó VNPT là doanh nghiệp Việt
Nam góp vốn nhiều nhất với 40 triệu USD.
Việt Nam hiện có bốn tuyến cáp quang biển quốc tế cập bến gồm AAG
(Asia-America Gateway) và TGN-IA (TGN-Intra Asia Cable System) cập bến
tại trạm Vũng Tàu, SMW3 (SEA-ME-WE 3) và APG (Asia Pacific Gateway) cập
bến tại Đà Nẵng./.
(Vietnam+)