Thứ Ba, 19/11/2024
Thế giới
Thứ Tư, 18/11/2009 21:43'(GMT+7)

Có gì mới trong thông cáo chung Obama - Hồ Cẩm Đào?

Tại buổi họp báo ngày 17-11, cả ông Obama và ông Hồ Cẩm Đào đều không trả lời câu hỏi của phóng viên - Ảnh: Reuters

Tại buổi họp báo ngày 17-11, cả ông Obama và ông Hồ Cẩm Đào đều không trả lời câu hỏi của phóng viên - Ảnh: Reuters

Trong phát biểu sau cuộc gặp song phương, hai ông Obama và Hồ Cẩm Đào cũng đề cập vấn đề này, trong lớp bọc là vấn đề Đài Loan.

Thông cáo chung nêu rõ: “Hoa Kỳ và Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của Đài Loan trong quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc. Trung Quốc nhấn mạnh vấn đề Đài Loan liên quan đến chủ quyền và vẹn toàn lãnh thổ của Trung Quốc, đồng thời bày tỏ hi vọng Hoa Kỳ sẽ tôn trọng các cam kết của mình về vấn đề đó và hậu thuẫn lập trường của phía Trung Quốc về vấn đề này. Hoa Kỳ khẳng định đeo đuổi chính sách một Trung Quốc và tuân thủ các nguyên tắc của ba bản thông cáo chung Hoa Kỳ - Trung Quốc (trước đây)”.

Ba bản thông cáo chung Hoa Kỳ - Trung Quốc trước đây được nhắc đến là:

1. Thông cáo chung ngày 28-2-1972 (còn gọi là thông cáo chung Thượng Hải) nhân chuyến thăm Trung Quốc của tổng thống Richard Nixon.

2. Thông cáo chung ngày 1-1-1979, nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Đặng Tiểu Bình, thiết lập quan hệ chính thức Hoa Kỳ - Trung Quốc.

3. Thông cáo chung ngày 17-8-1982 liên quan đến việc Hoa Kỳ giảm dần việc bán vũ khí cho Đài Loan cho đến khi đạt đến giải pháp chung cuộc.

Cả ba thông cáo chung trên chủ yếu nhằm giải quyết vấn đề Đài Loan “độc lập”, có chân trong Liên Hiệp Quốc và là đồng minh - tiền đồn của Hoa Kỳ. Mà như năm 1958, Hoa Kỳ đã đổ quân, đưa tên lửa đạn đạo Nike-Hercules vào bảo vệ Đài Loan trong cuộc chiến 44 ngày bằng không quân và pháo binh trên hai đảo Kim Môn (Quemoy) và Mã Tổ (Matsu), thậm chí chạm trán với không quân Trung Quốc.

Năm 1972, để tìm một “lối ra trong danh dự” ở miền Nam Việt Nam bằng hội nghị hòa đàm Paris năm 1973 và an toàn rút quân khỏi miền Nam sáu tháng sau đó, ông Nixon đã sang Trung Quốc và ký thông cáo chung Thượng Hải. Bảy năm sau, Đài Loan bị xóa sổ khỏi Liên Hiệp Quốc cũng như trong danh sách có quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, thay vào đó Hoa Kỳ tuyên bố chính sách “một Trung Quốc”, bán vũ khí cho Đài Loan ít hơn trước, rút quân về... Từ đó, vấn đề Đài Loan coi như đã giải quyết xong, tái thống nhất trong hòa bình chỉ là vấn đề thời gian...

Vậy tại sao lần này ba bản thông cáo chung đó lại được nhắc đến trong thông cáo chung Obama - Hồ Cẩm Đào ngày 17-11?

1. Khi nói “Trung Quốc nhấn mạnh rằng vấn đề Đài Loan liên quan đến chủ quyền và vẹn toàn lãnh thổ của Trung Quốc”, điều này hàm ý vấn đề Đài Loan nằm trong một vấn đề lớn hơn, bao trùm hơn, đó là vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

2. Nhưng một khi vấn đề Đài Loan nay hầu như “đã xong”, vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc (mà thông cáo chung này nhấn mạnh) cụ thể là gì mà Trung Quốc phải “hi vọng Hoa Kỳ hậu thuẫn”?

Câu trả lời có thể thấy trong phát biểu của ông Hồ Cẩm Đào với báo chí: “Tổng thống Obama trong nhiều dịp đã tái khẳng định rằng phía Hoa Kỳ tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc khi có việc liên quan đến vấn đề Đài Loan cùng các vấn đề khác”.

“Các vấn đề khác”, ngoài Đài Loan, là gì? Tại cuộc điều trần ngày 15-7-2009 trước Ủy ban đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, thượng nghị sĩ Jim Webb đã nêu ra: “Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Senkaku, Hoàng Sa và Trường Sa. Bất chấp việc Nhật Bản kiểm soát đảo Senkaku kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II - và việc các nước khác, trong đó có Mỹ, công nhận chủ quyền của Nhật Bản đối với những đảo này - Trung Quốc vẫn công khai đòi hỏi chủ quyền đối với đảo Senkaku. Các đòi hỏi chủ quyền chính tập trung vào quần đảo Trường Sa, gồm 21 đảo và đảo nhỏ, 50 đảo chìm và 28 bãi đá chìm”.

Trong cuộc điều trần ấy, phó trợ lý ngoại trưởng Scott Marciel đã nhấn mạnh lập trường của Hoa Kỳ là trung lập: “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục chính sách không đứng về bên nào trong các tranh chấp pháp lý về chủ quyền lãnh thổ ở biển Nam Trung Hoa (mà Việt Nam gọi là biển Đông). Chúng ta không đứng về bên nào trong những đòi hỏi chủ quyền đối với các đảo và các phần đất phụ thuộc ở biển này hoặc các vùng biển (vùng lãnh hải) xuất phát từ các phần đất đó”.

Bốn tháng sau cuộc điều trần “trung lập” đó, qua thông cáo chung Obama - Hồ Cẩm Đào, lập trường của Hoa Kỳ đã khác, như qua lời ông Hồ Cẩm Đào trước báo chí.

Phải chăng thông cáo chung 2009 cũng cùng “hệ” với thông cáo chung Thượng Hải năm 1972?

DANH ĐỨC

Obama thúc đẩy “đối thoại mạnh mẽ” với Trung Quốc

Lãnh đạo hai siêu cường, một cũ một mới nổi, là Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã cùng cam kết tăng cường “đối thoại mạnh mẽ” để ổn định nền kinh tế thế giới, kiềm chế ảnh hưởng của thay đổi khí hậu và chống tình trạng phổ biến vũ khí hạt nhân.

Sau cuộc gặp gỡ kín bàn thảo một loạt vấn đề từ thương mại cho tới chương trình hạt nhân của Iran, CHDCND Triều Tiên, Tổng thống Obama nói trong cuộc họp báo: “Chúng tôi tin tưởng đối thoại mạnh mẽ không chỉ quan trọng cho Mỹ và Trung Quốc mà còn với cả phần còn lại của thế giới”. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cho rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nên tránh chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Theo ông, hai bên nên “tiếp tục các tham vấn trên cơ sở bình đẳng để giải quyết các mâu thuẫn kinh tế và thương mại”.

Theo New York Times, cả hai nhà lãnh đạo nói đã đạt được đồng thuận về biện pháp đối phó với thay đổi khí hậu và phổ biến vũ khí hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên. Ông Hồ Cẩm Đào nói thêm “tôi hi vọng sẽ có một mối quan hệ mật thiết” giữa hai bên. Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Obama sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Ngô Bang Quốc trước khi gặp Thủ tướng Ôn Gia Bảo trong ngày hôm nay.

Trên lĩnh vực thương mại, Tổng thống Obama cũng gây sức ép đòi phía Trung Quốc phải nới lỏng tỉ giá đồng nhân dân tệ. Phía Washington cho rằng việc duy trì đồng nhân dân tệ yếu đang gây ra tình trạng mất cân bằng trong cán cân thương mại toàn cầu. “Tôi vui mừng ghi nhận cam kết của Trung Quốc về việc tiến tới một tỉ giá theo hướng thị trường trong thời gian tới” - ông Obama nói trong cuộc họp báo với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại Đại lễ đường Nhân dân. Thể hiện rõ vị thế ngày càng nổi bật của mình, ông Hồ Cẩm Đào nói đánh giá cao việc Tổng thống Obama chào đón “một Trung Quốc mạnh mẽ, thịnh vượng và thành công đóng vai trò quan trọng hơn trên trường quốc tế”.

Về vấn đề nhạy cảm về dân chủ, ông Obama nói với phía Trung Quốc rằng mọi cộng đồng thiểu số nên có được nhân quyền và kêu gọi Trung Quốc tiếp tục đàm phán với Đạt Lai Lạt Ma.

Theo BBC, với lợi ích đan xen như hiện tại, cả hai nước đều có lợi ích chung để thúc đẩy kinh tế thế giới hồi phục.


(Theo Tuổi trẻ online)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất