Ngày 29-11 tới, trong nỗ lực đạt mục tiêu trở thành nhà nước Pa-le-xtin độc lập, chính quyền Pa-le-xtin của Tổng thống Ma-mút Áp-bát sẽ chính thức đề nghị lên LHQ công nhận quy chế Nhà nước quan sát viên cho Pa-le-xtin.
Triển vọng thành công được đánh giá khá lạc quan vì Pa-le-xtin đang ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ của các nước thành viên. Trong khi đó, mục tiêu của Pa-le-xtin có động lực mới khi các phong trào đối địch ở dải Ga-da đã quay sang ủng hộ kế hoạch của Tổng thống Ma-mút Áp-bát sau nhiều năm phản đối. Có thể nói, Pa-le-xtin đang đứng trước cơ hội quan trọng để xây dựng một dân tộc đoàn kết và trở thành nhà nước độc lập trong tương lai.
Những diễn biến tích cực này xuất hiện sau khi phong trào vũ trang Hamas kiểm soát Ga-da và quân đội I-xra-en đạt được thỏa thuận ngừng bắn, chấm dứt một tuần xung đột đẫm máu ở Ga-da. Các phe phái của Pa-le-xtin trong đó chủ yếu là hai phong trào Fatah ở Bờ Tây và Hamas ở dải Ga-da đã quyết định chấm dứt tình trạng chia rẽ, một dân tộc hai chính quyền nhiều năm qua. Trong một cuộc biểu tình nhằm bày tỏ tình đoàn kết với Ga-da ở Ra-ma-la, Bờ Tây, một thủ lĩnh của Hamas tuyên bố: “Sau ngày hôm nay, ai còn nói về chia rẽ sẽ là một tội phạm”. Sau cuộc tổng tuyển cử Pa-le-xtin năm 2006, Pa-le-xtin rơi vào chia rẽ sâu sắc bởi mâu thuẫn nặng nề giữa Fatah và Hamas. Kết cục là từ tháng 6-2007, Fatah nắm chính quyền ở Bờ Tây, còn Hamas thành lập chính phủ riêng ở dải Ga-da.
Chiến dịch quân sự của I-xra-en hồi tuần trước ở Ga-da dường như đã khiến người Pa-le-xtin hiểu ra rằng, họ cần đoàn kết lại để cùng nhau hướng tới một mục tiêu chung đó là thành lập một nhà nước, thay vì việc tranh giành quyền lực và cãi vã nội bộ. Sau khi đạt được lệnh ngừng bắn, tại các cuộc tuần hành ở Ga-da, người ta thấy trên các đường phố ngập tràn đủ sắc cờ màu xanh của Hamas, vàng, đen và đỏ của Fatah, Jihad và Mặt trận nhân dân giải phóng Pa-le-xtin - cảnh tượng chưa từng được nhìn thấy trong suốt 5 năm qua. Sự đoàn kết giữa các phe phái Pa-le-xtin vào thời điểm này là rất quan trọng. Trong bối cảnh sắp diễn ra kỳ họp của Đại hội đồng LHQ, nơi sẽ quyết định có trao cho Pa-le-xtin quy chế Nhà nước quan sát viên hay không, việc xây dựng một hình ảnh đất nước đoàn kết và thống nhất trong con mắt cộng đồng quốc tế là cần thiết. Các phe phái Pa-le-xtin dự kiến sẽ tiếp tục các vòng đàm phán mới tại Ai Cập về việc thành lập chính phủ đoàn kết trong vài ngày tới. Trong 5 năm qua, kể từ khi chia rẽ, Fatah và Hamas đã ký kết 4 thỏa thuận hòa giải nhưng việc thành lập một chính phủ đoàn kết vẫn chưa thành hiện thực.
Sự ủng hộ của Hamas sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Tổng thống Ma-mút Áp-bát trong nỗ lực theo đuổi mục tiêu ở LHQ. Từ trước tới nay, dư luận vẫn cho rằng, Hamas phản đối việc chính quyền ở Bờ Tây đề nghị LHQ công nhận quy chế Nhà nước quan sát viên cho Pa-le-xtin là để làm suy yếu chính quyền do Tổng thống Áp-bát đứng đầu cũng như phá hoại uy tín của ông. Trong khi đó, I-xra-en và đồng minh Mỹ luôn phản đối Pa-le-xtin độc lập, điều sẽ gây không ít phiền toái cho I-xra-en. Quy chế “Nhà nước quan sát viên” phi thành viên nếu đạt được sẽ mang lại những giá trị chính trị và pháp lý quốc tế hơn so với vai trò một “thực thể quan sát viên” hiện nay của Pa-le-xtin. Nếu được trao quy chế này, Pa-le-xtin có quyền tham gia Tòa án quốc tế của LHQ, giúp chính quyền dân tộc Pa-le-xtin khởi kiện I-xra-en chiếm đóng lãnh thổ mà không bị ngăn cản. Hơn nữa với tư cách một nhà nước, Pa-le-xtin sẽ tạo được thế cân bằng hơn trên bàn đàm phán với I-xra-en.
Sau khi không thành công trong nỗ lực đề nghị LHQ trao quy chế thành viên chính thức do Mỹ bỏ phiếu phủ quyết tại HĐBA LHQ hồi năm ngoái, chính quyền của Tổng thống Áp-bát vẫn chưa từ bỏ quyết tâm theo đuổi mục tiêu độc lập. Động thái tiếp theo đề nghị được trao quy chế Nhà nước quan sát viên mà ông Áp-bát đang thúc đẩy được là nỗ lực mạnh mẽ nhất của Pa-le-xtin để đạt được nguyện vọng và ước mơ chính đáng này. Dù gặp không ít trở ngại, chính quyền của Tổng thống Áp-bát vẫn xúc tiến nhiều chiến dịch ngoại giao nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các nước thành viên. Để được công nhận là nhà nước phi thành viên, Pa-le-xtin phải nhận được sự đồng ý của 2/3 số nước thành viên LHQ. Đến nay, đã có khoảng 130 quốc gia lên tiếng ủng hộ nhà nước Pa-le-xtin độc lập và con số này dự kiến sẽ chưa dừng lại. Cơ hội giành đủ số phiếu cần thiết của Pa-le-xtin được đánh giá khá lạc quan. Và điều quan trọng là tại Đại hội đồng LHQ, Mỹ không có quyền phủ quyết và quá trình bỏ phiếu tại đây không cần thông qua HĐBA./.
(Mỹ Hạnh/QĐND)