TỔ CHỨC ĐA PHƯƠNG LỚN NHẤT HÀNH TINH
Liên hợp quốc ra đời ngày 24/10/1945 với mục tiêu cao cả là duy trì
hòa bình và an ninh quốc tế, tạo môi trường ổn định bền vững để hợp tác
và phát triển trên toàn thế giới. Trải qua gần 77 năm hình thành và phát
triển, Liên hợp quốc trở thành tổ chức toàn cầu rộng rãi nhất với sự
tham gia hầu như toàn bộ các quốc gia độc lập của hành tinh, với một hệ
thống toàn diện hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ ngăn ngừa và giải
quyết xung đột, giải trừ quân bị, chống khủng bố, bảo vệ môi trường, cho
đến thúc đẩy quyền con người, bình đẳng giới và phát triển bền vững.
Vai trò và hoạt động của Liên hợp quốc được mở rộng về mọi mặt, nỗ
lực hoạt động hướng tới thực hiện các tôn chỉ mục đích đã được đề ra,
qua đó đem lại những tác động tích cực, to lớn đến đời sống quốc tế và
từng dân tộc.
Việt
Nam tích cực trong việc tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình
quốc tế. (Ảnh: Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc)
Từ 51 quốc gia thành viên khi được thành lập năm 1945, Liên hợp
quốc hiện có 193 quốc gia thành viên và trở thành một hệ thống toàn diện
gồm 6 cơ quan chính, chịu trách nhiệm về các lĩnh vực hoạt động khác
nhau như Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế và Xã hội
(ECOSOC), Hội đồng Quản thác (chính thức chấm dứt hoạt động theo quyết
định của Hội nghị thượng đỉnh năm 2005), Tòa án quốc tế và Ban Thư ký.
Đại hội đồng Liên hợp quốc là một trong sáu cơ quan chính của Liên
hợp quốc và là cơ quan duy nhất của Liên hợp quốc có đại diện của tất cả
193 nước thành viên. Đại hội đồng Liên hợp quốc có thẩm quyền rộng
trong các lĩnh vực hợp tác chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, có quyền
thảo luận và đưa ra kiến nghị về các vấn đề thuộc phạm vi Hiến chương
hoặc bất kỳ vấn đề nào thuộc thẩm quyền của các cơ quan của Liên hợp
quốc, nhằm mục đích thúc đẩy sự hợp tác quốc tế trên phạm vi toàn cầu.
Đồng thời, Liên hợp quốc có nhiều cơ quan phụ trợ, 20 tổ chức chuyên
môn và 5 Ủy ban kinh tế - xã hội đặt ở các khu vực, hàng chục quỹ và
chương trình, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực từ giải quyết và ngăn
ngừa xung đột, giải trừ quân bị và không phổ biến, chống khủng bố, bảo
vệ người tỵ nạn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cho đến thúc
đẩy dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới, phát triển kinh tế và xã hội…
Với những thành tựu quan trọng, Liên hợp quốc đã được khẳng định giữ vai trò trung tâm trong thúc đẩy luật pháp quốc tế, gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột và ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Sau gần 77 năm hoạt động, Liên hợp quốc đã chứng tỏ là một tổ chức
toàn cầu, đa dạng, có uy tín và quy mô rộng lớn nhất. Liên hợp quốc đã
được cộng đồng quốc tế thừa nhận là tổ chức toàn cầu có vai trò hết sức
quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế và là nền tảng không thể
thiếu cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng hơn.
VAI TRÒ TÍCH CỰC CỦA VIỆT NAM
Trong 45 năm qua, hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc đạt kết quả
tốt và có tác dụng tích cực, vừa đáp ứng được yêu cầu, lợi ích của Việt
Nam trong từng giai đoạn, vừa góp phần tăng cường vai trò, tiếng nói và
“dấu ấn” đóng góp của Việt Nam tại Liên hợp quốc.
Những kết quả này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực chung
của Việt Nam và Liên hợp quốc trong việc khắc phục những mặt còn tồn
tại, mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác hai bên, hỗ trợ tích
cực cho công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam và
góp phần nâng cao vai trò của Liên hợp quốc trong thời kỳ mới.
Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc vào ngày 20/9/1977. Về hòa
bình và an ninh, từ năm 1996 đến 1998, Việt Nam là một trong những nước
đầu tiên ký Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện và trở thành thành viên
chính thức của Công ước Cấm vũ khí hóa học.
Năm 2008-2009, Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng
Bảo an Liên hợp quốc. Năm 2014, Việt Nam bắt đầu cử lực lượng tham gia
các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; năm 2018, ký Hiệp ước
cấm vũ khí hạt nhân và là nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước.
Trong khoảng thời gian năm 2017-2021, Việt Nam đã cử 493 lượt sỹ quan
quân đội làm nhiệm vụ tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc,
triển khai 4 lượt bệnh viện dã chiến số 2 tại phái bộ ở Nam Sudan và 1
đội công binh tại Phái bộ ở Abyei. Năm 2020-2021, Việt Nam hoàn thành
xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp
quốc.
Về phát triển, năm 2000-2002, Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng
Chấp hành Chương trình phát triển Liên hợp quốc. Năm 2012-2015, là nước
đầu tiên có Một ngôi nhà xanh chung của Liên hợp quốc. Năm 2017, tham
gia Kế hoạch Chiến lược chung mới giai đoạn 2017-2021. Năm 2016-2018,
trở thành thành viên Hội đồng kinh tế xã hội.
Năm 2020-2021, Liên hợp quốc thông qua Ngày Quốc tế chống dịch bệnh
27/12 do Việt Nam đề xuất; đóng góp cho Quỹ ứng phó COVID-19 của Liên
hợp quốc (50.000 USD) và Chương trình COVAX (cơ chế nhân đạo nhằm đảm
bảo khả năng tiếp cận vaccine nhanh chóng và bình đẳng giữa các quốc gia
trên toàn thế giới) 1 triệu USD; trở thành điểm tiếp nhận và điều trị
bệnh nhân theo cơ chế MEDEVAC (Nhóm Công tác sơ tán y tế toàn cầu của
Liên hợp quốc) của Liên hợp quốc.
Về bảo vệ quyền con người, từ năm 2014-2016, Việt Nam trở thành thành
viên Hội đồng Nhân quyền; tiếp tục hợp tác tích cực với các cơ chế Liên
hợp quốc về quyền con người, bảo vệ Báo cáo quốc gia theo cơ chế Rà
soát định kỳ phổ quát (UPR) và các báo cáo thực thi công ước quốc tế về
quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Hiện Việt Nam đang vận động
ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ
2023-2025.
Trong 45 năm là thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã gánh vác
nhiều trọng trách lớn, có nhiều đóng góp thực chất và hiệu quả cho tổ
chức đa phương lớn nhất hành tinh.
Với đường lối đối ngoại đa phương đúng đắn, lấy Liên hợp quốc là
trọng tâm, Việt Nam - trên cương vị mới, sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn
nữa cho những mục tiêu cao cả của Liên hợp quốc, đó là giải quyết xung
đột, duy trì hòa bình, ổn định cho tất cả người dân trên thế giới./.
Vietnam+