Thứ Hai, 20/5/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 18/3/2017 16:19'(GMT+7)

Cơ hội giải bài toán khởi nghiệp của thanh niên

Tọa đàm "Start-up - Từ ý tưởng đến hiện thực", một trong những nhịp cầu kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư với sinh viên, bạn trẻ đam mê khởi nghiệp.

Tọa đàm "Start-up - Từ ý tưởng đến hiện thực", một trong những nhịp cầu kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư với sinh viên, bạn trẻ đam mê khởi nghiệp.

Lãng phí tiềm năng kinh doanh

Theo báo cáo Doing Business 2016 của nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam xếp thứ 90/189 nền kinh tế, tăng ba bậc so với năm 2015. Trong khi đó, theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015-2016, Việt Nam xếp hạng 56 trên tổng số 140 nền kinh tế, với chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu đạt 4,3/7. Cùng với đó, khảo sát về chỉ số môi trường kinh doanh do EuroCham thực hiện trong năm 2015 nêu rõ: niềm tin và triển vọng kinh doanh, cũng như kỳ vọng vào tương lai của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã tăng nhẹ so với tổng quan tình hình năm trước.

Quả thật, Việt Nam đang không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh trong nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn gặp một số thách thức trong quá trình hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, tập trung quanh một số vấn đề như: các quy định hướng dẫn cho nhiều văn bản luật mới vẫn chưa được ban hành, quá trình xử lý hồ sơ cho các nhà đầu tư vẫn bị trì hoãn, các doanh nghiệp thường phải tiêu tốn nguồn lực cho các thủ tục hành chính…

Số liệu từ Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp toàn cầu 2015/2016 cho thấy: hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam năm 2015 hầu như không thay đổi so với năm 2014. Trong 12 chỉ số về điều kiện kinh doanh, chỉ có ba chỉ số đạt trên mức trung bình còn lại chín chỉ số vẫn ở mức dưới trung bình.

Những vấn đề cố hữu của khu vực doanh nghiệp ở nước ta, sau một năm, vẫn chưa được giải quyết. Năng suất lao động thấp, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, công nghệ còn lạc hậu, thiếu vắng lực lượng doanh nghiệp có quy mô đủ lớn để hội nhập… Lĩnh vực dịch vụ có mức tăng trưởng cao nhưng các loại hình dịch vụ phát triển kinh doanh phục vụ chủ yếu cho các doanh nghiệp lại chưa nhận được sự quan tâm thỏa đáng cả từ phía cộng đồng doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách.

Một nghiên cứu từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ rõ: có tới 37,4% người Việt Nam khởi sự kinh doanh là vì nhu cầu thiết yếu, mưu sinh hằng ngày. Đây có thể là dòng người từ nông thôn lên thành phố để làm thuê với đồng lương rẻ mạt, những sinh viên mới tốt nghiệp đang tìm kiếm “may mắn” thông qua việc mở các quán trà sữa, cà phê take-away, hoặc cũng có thể là những công nhân thất nghiệp, “đầu tư” xe đẩy ra đường bán bánh mỳ, bán xôi… Trong khi đó, tại các nước phát triển, chỉ số khởi sự kinh doanh hướng tới sự độc lập phát triển cao hơn rất nhiều.

Với những bất cập đó, dễ dàng lý giải nguyên nhân không ít start-up trẻ bắt tay hiện thực hóa ý tưởng, nghiên cứu sản phẩm, bỏ tiền thuê mặt bằng, tìm kiếm nhà đầu tư… đã phải từ bỏ ý định lập nghiệp sau một thời gian không lâu.

Cơ hội cho các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp

Tại Tọa đàm “Start-up - Từ ý tưởng đến hiện thực”, do T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức sáng 18-3 tại Hà Nội, đã có nhiều ý kiến góp phần giải đáp bài toán trên.

Trong tham luận “Bàn về thu hút vốn từ cộng đồng cho khởi nghiệp kinh doanh”, TS Vũ Trọng Nghĩa, ĐH Kinh tế Quốc dân, khẳng định: Tinh thần khởi nghiệp đã và đang tạo làn sóng mạnh mẽ, đặc biệt là ở tầng lớp thanh niên. Tuy nhiên, để khởi sự kinh doanh, các Start-up cần phải giải quyết vấn đề thu hút, kêu gọi vốn đầu tư.

Theo ông, thu hút vốn từ cộng đồng - Crowdfunding - là hình thức kêu gọi sự góp sức từ cộng đồng nhằm thực hiện những dự án hay sản phẩm khi có ý tưởng nhưng không đủ nguồn vốn thực hiện.

“Ví dụ như khi một bạn trẻ có ý tưởng thiết kế một phụ tùng giúp xe máy không bị tắt máy khi lội nước vào mùa mưa. Tuy nhiên, bạn này lại không có tiền, cũng không có tài sản có thể thế chấp ngân hàng để vay tiền thực hiện ý tưởng. Do đó, ta có thể đưa ý tưởng ra cộng đồng, kêu gọi sự ủng hộ”, TS Vũ Trọng Nghĩa lấy dẫn chứng.

“Tại Việt Nam hiện nay đã có nhiều tổ chức, kênh gây quỹ thu hút vốn đầu tư cộng đồng cho khởi nghiệp như Fundstart, IG9, Funding.vn, Firststep.vn… Nhưng nên nhớ, thu hút vốn đầu tư cộng đồng cho khởi nghiệp không phải ủng hộ từ thiện. Trong nhiều trường hợp, nó giống hình thức mua hàng trả trước: bạn ứng tiền cho nhà sản xuất, họ trả lại sản phẩm có giá trị lớn hơn số vốn bạn đưa ban đầu”, TS Vũ Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến này, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, với mục tiêu phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước, đòi hỏi sự ra đời của doanh nghiệp khởi nghiệp dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khoa học công nghệ.

Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn, ĐH Bách khoa Hà Nội đã triển khai nhiều nội dung đào tạo và nghiên cứu đặc thù hướng tới khởi nghiệp kinh doanh, tiêu biểu như xây dựng hệ thống doanh nghiệp nhà trường BKHolding; tạo không gian và hoạt động đào tạo hỗ trợ cho cộng đồng sinh viên sẵn sàng khởi nghiệp tại BKHUP…

“Thời gian tới đây, nhà trường sẽ đưa nội dung về khởi nghiệp vào chương trình đào tạo cho sinh viên năm đầu, xây dựng đội ngũ giáo viên nguồn hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo trong sinh viên, xây dựng BK-Fablab trong khuôn viên trường để sinh viên có cơ hội thử sức với các sản phẩm sáng tạo dạng thử nghiệm…”, PGS.TS Hoàng Minh Sơn khẳng định.
TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất