Thứ Năm, 28/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 12/8/2009 20:50'(GMT+7)

Cơ hội lớn để các địa phương giảm nghèo nhanh, bền vững

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: Chưa bao giờ có sự đầu tư lớn như vậy đối với các huyện nghèo trên cả nước như theo NQ 30a.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: Chưa bao giờ có sự đầu tư lớn như vậy đối với các huyện nghèo trên cả nước như theo NQ 30a.

Hội nghị được tổ chức với 21 điểm cầu trên cả nước, nhiều lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tham dự. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc triển khai NQ 30a tại những huyện nghèo sẽ là bài học để các tỉnh triển khai tiếp ở các vùng nghèo còn lại. Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay Trung ương đang chỉ đạo mô hình xây dựng nông thôn mới ở 11 xã điểm. Cùng với NQ 30a, đây là chương trình rất toàn diện, không chỉ tạo sự ổn định về kinh tế mà còn tạo ổn định về mặt xã hội.

“Chưa bao giờ có sự đầu tư lớn như vậy cho các huyện nghèo”

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Bộ Tài chính đã dự toán cân đối vốn năm 2009 và tạm ứng vốn cho các địa phương để thực hiện NQ 30a: Tạm ứng 25 tỷ đồng/huyện để triển khai thực hiện ngay các chính sách, dự án trong năm 2009 với số tiền 1.550 tỷ đồng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) xây dựng dự án trồng rừng cho 61 huyện trong Chương trình trồng 5 triệu ha rừng từ 2010-2012, dự kiến 1.900 tỷ đồng. Bộ LĐTBXH phối hợp với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phân bổ kinh phí hỗ trợ 22 huyện nghèo thuộc 9 tỉnh thực hiện xóa nhà dột nát với số tiền 5 tỷ đồng.

Nếu cộng tất cả, từ nguồn lực đầu tư của Trung ương gần 11.000 tỷ đồng cùng với hơn 1.300 tỷ đồng của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp thì trung bình mỗi tỉnh được hỗ trợ gần 200 tỷ đồng để thực hiện Chương trình.

“Chưa bao giờ có sự đầu tư lớn như vậy đối với các huyện nghèo trên cả nước. Do đó, đây là thời cơ vàng để lãnh đạo các tỉnh giải quyết giảm nghèo bền vững tại địa phương mình; đồng thời các địa phương phải tổ chức triển khai đạt hiệu quả cao”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về kết quả thực hiện một số chính sách, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đến ngày 5/8, tất cả 57 đề án của địa phương đã có ý kiến thẩm tra của Bộ KHĐT. Nhiều tỉnh tuy chưa được phê duyệt đề án nhưng đã khẩn trương triển khai thực hiện một số chính sách đã được bố trí kinh phí trong năm 2009. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân, tổng số nhà ở cần hỗ trợ là trên 77.300 căn nhà với nhu cầu vốn đầu tư 1.260 tỷ đồng. Đến nay, cơ bản các huyện đã xây dựng xong đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn; 16 huyện đã khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo với kế hoạch đợt đầu xây gần 11.050 nhà. Điển hình như tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành gần 1.300 căn nhà, bàn giao đưa vào sử dụng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến.

Các huyện: Hoàng Su Phì, Quản Bạ, Yên Minh (Hà Giang); Bắc Ái (Ninh Thuận) phấn đấu đến 2/9 hoàn thành 50% tổng số nhà. Tại Hội nghị, các tỉnh đều nêu quyết tâm hoàn thành mục tiêu hỗ trợ nhà ở cho tất cả huyện nghèo trên địa bàn trước Tết Nguyên đán năm nay.

Về xuất khẩu lao động, đã triển khai thí điểm ở 6 tỉnh (Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Yên Bái, Quảng Ngãi) Đề án xuất khẩu lao động cho các huyện nghèo và đã sơ tuyển được hơn 1.200 người. Về việc sử dụng khoản kinh phí 25 tỷ đồng ứng trước năm 2009, hầu hết các huyện đều đã phân khai xong nguồn vốn. Chủ yếu các huyện tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng; chỉ có 19 huyện của các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Phú Thọ, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Ninh Thuận sử dụng một phần trong khoản kinh phí trên để hỗ trợ sản xuất, khoán rừng, luân chuyển cán bộ.

Hưởng ứng sự vận động của Chính phủ về việc nhận giúp đỡ các huyện nghèo, đến nay đã có 40 tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhận giúp đỡ 60 huyện nghèo. Nhiều doanh nghiệp đã tích cực, chủ động triển khai ngay các hoạt động: thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện NQ 30a, thống nhất và cam kết với các huyện phương thức, nội dung, mức hỗ trợ.

Nhanh chóng nâng cao đời sống ở 61 huyện nghèo

Tại Hội nghị, các địa phương nêu lên một số khó khăn, cho rằng Chương trình lớn nhưng thực hiện trong khoảng thời gian ngắn nên việc điều tra, khảo sát để lập đề án của riêng địa phương còn hạn chế. Để tiếp tục triển khai NQ 30a của Chính phủ có hiệu quả, các địa phương mong muốn được bố trí đủ vốn, kịp thời. Bộ Tài chính sớm hướng dẫn cơ chế quản lý, định mức quản lý phí cho Chương trình ở địa phương.

Các địa phương tham dự Hội nghị tại các điểm cầu

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao việc các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai, thực hiện đồng bộ NQ 30a. Theo Phó Thủ tướng, chưa có chương trình nào được triển khai nhanh như Chương trình này. Điều đó thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và toàn dân đối với những huyện nghèo nhất trong cả nước.

Phó Thủ tướng cho rằng, đây là chương trình tổng thể mang ý nghĩa chính trị, xã hội sâu rộng, vì vậy, phải đặt trong tổng thể của Nghị quyết TƯ 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Mục tiêu của Chương trình là triển khai nhanh để đời sống của người dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện nhanh hơn, đẩy mạnh hơn phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó, người dân ở những huyện nghèo không ỷ lại và cần phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình, góp sức cùng Đảng, Chính phủ thực hiện tốt NQ 30a.

Lãnh đạo các địa phương như Bí thư, Chủ tịch tỉnh cần tham gia trực tiếp chỉ đạo gắn kết thực hiện NQ 30a với các chương trình, dự án khác trên địa bàn.

Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chương trình ưu tiên cho những huyện nghèo như: đầu tư trang thiết bị, đạo tạo nghề tại chỗ, xây dựng đội ngũ giáo viên. Bộ Y tế cần ưu tiên cho bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã về cơ sở vật chất, đội ngũ y, bác sỹ. Bộ Nội vụ tham mưu thay đổi lãnh đạo cấp huyện đủ trình độ, điều động lãnh đạo cấp tỉnh về huyện, xã để đào tạo cán bộ tại chỗ. Công tác quy hoạch phải đi trước một bước. Bộ NNPTNT chỉ đạo địa phương sắp xếp lại dân cư ở những vùng sụt lở.

Phó Thủ tướng yêu cầu, trước mắt cần tập trung chỉ đạo triển khai sớm những công việc cụ thể như: giao đất, giao rừng, cấp gạo cho bà con đầy đủ; thực hiện các chính sách liên quan bao gồm bảo hiểm, cho vay học tập, khai hoang, mua gia súc, gia cầm; xóa nhà dột nát. Các chương trình 134, 135 cơ bản từ nay đến năm 2010 phải hoàn thành. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, khuyến lâm-nông-ngư phải triển khai ngay. Thực hiện căn cơ, khoa học, có quy hoạch đối với xây dựng cơ sở hạ tầng. Kinh phí cho chương trình, dự án phải bố trí đủ, kịp thời; đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội và cộng đồng để thực hiện hiệu quả Chương trình này./.

(Theo: chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất