Chủ Nhật, 6/10/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 1/11/2015 9:4'(GMT+7)

Cơ hội nhiều, thách thức lớn khi tham gia TPP

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

 

 

Tiếp tục cải cách thể chế để hội nhập kinh tế quốc tế

 

Trao đổi trong Chương trình tập huấn chuyên sâu về cộng đồng kinh tế ASEAN, các Hiệp định thương mại tự do và tác động đối với chương trình lập pháp tại Việt Nam, ông Lê Hồng Lam, Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế, VPCP nhận định, những thách thức trong thời gian tới rất lớn, khi cùng lúc Việt Nam thực hiện rất nhiều Hiệp định thương mại tự do, tiêu chuẩn cao, trong khi chúng ta vẫn đang là nước phát triển thấp, thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Trong các quốc gia tham gia TPP, Việt Nam là nước có trình độ phát triển thấp nhất.

.

Ông Lê Hồng Lam đã nêu ra thách thức trong giai đoạn 2016 – 2020, đó là: Thể chế và luật pháp. Thể chế là sự thay đổi về cung cách quản lý của bộ máy chính quyền, bộ máy hành chính để làm sao thích ứng được với yêu cầu biến đổi rất nhanh của hội nhập, làm sao để các nhà đầu tư khi tới Việt Nam hoàn toàn yên tâm vào hệ thống luật pháp, bộ máy quản lý; còn Luật pháp chúng ta mới trong giai đoạn rà soát cần sửa đổi, bổ sung những luật lệ nào khi tham gia hội nhập, việc sửa đổi luật pháp làm sao để Việt Nam tận dụng được những cơ hội khi TPP và các Hiệp định thương mại tự do mang lại.

.

Trao đổi về cơ hội và thách thức với Việt Nam khi ký kết và thực hiện TPP, ông Hoàng Phước Hiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp nhận định, ký kết và thực hiện Hiệp định TPP có thể sẽ giúp Việt Nam cân bằng được quan hệ thương mại với các khu vực thị trường trọng điểm, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường nhất định. Ngoài ra có thể giúp Việt Nam phân bổ lại nguồn lực theo hướng hiệu quả hơn, từ đó hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng.

.

Thực hiện có hiệu quả Hiệp định TPP có thể góp phần làm cho thể thế kinh tế thị trường ở nước ta ngày càng hoàn thiện, môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước ngày càng thuận lợi, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư của các thành phần kinh tế.

.

Đồng thời, ký kết Hiệp định sẽ thúc đẩy nền kinh tế nước ta phát triển hơn, chính sách kinh tế, cơ chế quản lý ngày càng minh bạch, môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, là cơ hội tốt để Việt Nam cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế.

.

Tuy nhiên, ông Hoàng Phước Hiệp cũng nhận định, thách thức đặt ra với Việt Nam là cạnh tranh sẽ diễn ra gay gắt hơn, với nhiều “đối thủ” hơn, trên bình diện rộng hơn, đa chiều hơn, sâu hơn, không chỉ trong thương mại, đầu tư truyền thống mà cả các hoạt động thương mại, đầu tư phi truyền thống.

.

Thực hiện Hiệp định TPP tiềm ẩn một số thách thức, trong đó được nói tới nhiều nhất là các thách thức xuất phát từ việc giảm mạnh thuế quan, đưa tất cả các mức thuế quan về 0% theo lộ trình tương đối ngắn. Một thách thức khác là giảm thu ngân sách, nhất là trong bối cảnh khó khăn của thu ngân sách của nước ta. Sức ép cạnh tranh từ việc thực hiện Hiệp định TPP sẽ xuất hiện trước tiên ở 3 ngành: Ngân hàng, phân phối và phần nào đó là viễn thông giá trị gia tăng.

.

Bên cạnh đó, có thể làm tăng thêm sự phân phối lợi ích không đồng đều giữa các vùng, miền, khu vực, các ngành nghề ở nước ta. Đội ngũ cán bộ, công chức nước ta cũng còn thiếu và yếu cả về năng lực chuyên môn, trình độ tin học, ngoại ngữ; hệ thống pháp luật còn nhiều điểm chưa tương thích với các cam kết theo Hiệp định TPP.

.

Ông Hoàng Phước Hiệp cho rằng, cần phải có cải cách pháp luật mạnh hơn; có chính sách vĩ mô đúng đắn, năng lực dự báo và phân tích tình hình, cơ chế quản lý phải tạo cơ sở để nền kinh tế có khả năng phản ứng tích cực, hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực trước những biến động trên thị trường thế giới; có chính sách phúc lợi và an sinh xã hội đúng đắn; quán triệt và thực hiện tốt chủ trương: “Tăng trưởng kinh tế đi đối với xoá đói, giảm nghèo, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển”.

.

Liên quan đến kết quả rà soát sơ bộ tính tương thích của pháp luật Việt Nam với các cam kết trong Hiệp định TPP, bà Lại Thị Vân Anh, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2013 và 2014, Bộ Tư pháp đã tiến hành rà soát sơ bộ tính tương thích của pháp luật Việt Nam có hiệu lực tại thời điểm rà soát với kết quả đàm phán tại thời điểm cuối năm 2013.

.

Từ đầu năm 2014 đến nay, trong số các văn bản Luật, Pháp lệnh đề xuất sửa đổi, bổ sung và ban hành mới trên cơ sở kết quả rà soát của Bộ Tư pháp, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật Đấu thầu… Tuy nhiên, các văn bản sửa đổi này chưa hoàn toàn tính đến nội dung các cam kết trong TPP là do tại thời điểm văn bản được thông qua, Hiệp định TPP vẫn đang trong vòng đàm phán, các nội dung của Hiệp định đều có thể thay đổi, vì vậy, các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành chưa thể tính đến các nội dung cụ thể của Hiệp định.

.

Hiện nay, một số văn bản Luật đang trong quá trình soạn thảo như Luật tiếp cận thông tin, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính… Bộ Tư pháp đang nỗ lực tính đến các cam kết có liên quan trong TPP để tránh việc phải sửa đổi, bổ sung những văn bản này sau khi Hiệp định TPP có hiệu lực.

.

Bà Lại Thị Vân Anh nhận định, vấn đề thực thi hiệu quả pháp luật trong nước của các cơ quan Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương liên quan đến cam kết được Hiệp định đề cao và được coi là căn cứ để một nước đối tác có thể kiện một đối tác thành viên khác theo cơ chế giải quyết tranh chấp của Hiệp định. Do vậy, bên cạnh nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, Việt Nam cần chú trọng nâng cao năng lực thực thi pháp luật trong nước để bảo đảm thực hiện đúng, hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà mình ký kết hoặc tham gia.

.

Bên cạnh đó, khi Việt Nam đi vào thực hiện Hiệp định TPP, số lượng các tranh chấp mà Việt Nam cần tham gia sẽ ngày càng tăng với tính chất ngày càng phức tạp. Do vậy, cần chú trọng hơn nữa công tác phát triển nguồn nhân lực phục vụ hội nhập quốc tế, đặc biệt đội ngũ cán bộ pháp lý và các luật sư để có thể xử lý tốt các tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện các Hiệp định này.

.

Ngày 5/10/2015, sau hơn một thập kỷ thương lượng và thoả hiệp đầy khó khăn, 12 Quốc gia thuộc Vành đai Thái Bình Dương đã đạt được thoả thuận về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương - TPP.

.

Các Quốc gia tham gia TPP bao gồm: Canada, Mỹ, Brunei, Chi Lê, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Singapore, Pê-ru, Malaysia, Mê hi cô và Việt Nam.

.
Gia Huy (chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất