Thứ Bảy, 12/10/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 30/5/2010 21:55'(GMT+7)

Cơ hội phát triển kinh tế

Năm 2010 đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển quan hệ song phương giữa Việt Nam - Hoa Kỳ. Sau 15 năm bình thường hóa quan hệ, Chính phủ hai nước đã có nhiều nỗ lực để xây dựng và phát triển quan hệ song phương này ngày càng sâu rộng và cởi mở trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh tế.

Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA) được ký kết năm 2001 là một mốc quan trọng đưa quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Hoa Kỳ lên một tầm cao mới. Năm 2001, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương giữa hai nước mới chỉ đạt 1,4 tỷ USD, thì đến năm 2009 đã đạt tới con số 15 tỷ USD, đưa Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hoa Kỳ cũng đang vươn lên trở thành nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư trong năm 2009 đạt 9,8 tỷ USD.

Những kết quả hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) trong thời gian qua có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. Thị trường Hoa Kỳ đã và đang là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất trong chiến lược phát triển kinh tế - thương mại của Việt Nam. Đây là thị trường có nhu cầu nhập khẩu rất lớn và đa dạng, nhất là đối với những mặt hàng mà Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản, điện - điện tử và gia công cơ khí. Do đó, các doanh nghiệp của Việt Nam cần tận dụng cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.

Theo ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Hiệp định Thương mại Việt- Mỹ có hiệu lực từ cuối năm 2001 đã khiến cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ nhảy vọt vì hàng hóa xuất khẩu của ta được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc (MFN) thấp hơn nhiều lần so với thuế không ưu đãi phải chịu trước đó, làm cho hàng hóa của Việt Nam có sức hấp dẫn và nâng cao sức cạnh tranh so với các đối thủ khác tại thị trường này.

Theo ông Nguyễn Cẩm Tú: “Trong những năm tới, để tăng kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường sức cạnh tranh, nhất là những mặt hàng công nghiệp chế biến và chế tạo có hàm lượng giá trị tăng cao. Chính phủ và các cơ quan quản lý Việt Nam tiếp tục tập trung đổi mới quản lý, đơn giản các thủ tục hành chính, ban hành các luật pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn và tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư, phát triển sản xuất tạo ra mặt hàng mới phi truyền thống có giá trị cao để xuất khẩu sang Hoa Kỳ”.

Theo các chuyên gia, một vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu nói chung và xuất sang thị trường Hoa Kỳ nói riêng là quy mô sản xuất nhỏ và dựa vào gia công thuần túy, nên sản phẩm chưa có độ tin cậy cao. Để khắc phục trở ngại này, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đổi mới tổ chức lại sản xuất để đảm bảo và ổn định chất lượng hàng hóa, mở rộng qui mô và hạ giá thành sản xuất, đặc biệt là phải tổ chức tự cung ứng được đầu vào của sản xuất để có thể đón xu hướng chuyển dịch đơn hàng từ các nước khác vào Việt Nam và trở thành đối tác sản xuất trực tiếp và lâu dài cho các nhà nhập khẩu lớn của Hoa Kỳ. Bà Đỗ Vũ Phương Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cho biết: “Chúng tôi mong muốn có thể xuất khẩu những sản phẩm vàng, bạc đã chế tác sang thị trường Hoa Kỳ cũng như học hỏi công nghệ từ các doanh nghiệp của Mỹ”.

Hoa Kỳ đã thỏa thuận mở cửa hàng hóa đối với Việt Nam vào năm 2008 và hiện nay bắt đầu các vòng đàm phán với Việt Nam và các đối tác khác về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - một hiệp định thương mại tự do khu vực sẽ làm nền móng đầy tiềm năng cho hội nhập kinh tế trong toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Michael W.Michalak, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Mỹ tại Việt Nam cho rằng: “Tiến triển trong quan hệ thương mại đầu tư song phương giữa hai nước đã song hành với sự chuyển đổi kinh tế mạnh mẽ ở Việt Nam. Mức thu nhập của Việt Nam đã tăng trung bình 7,2%/năm trong suốt thập kỷ vừa qua và GDP bình quân đầu người đã tăng lên mức 1.052 USD vào năm 2009. Tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm xuống còn 12% năm 2009. Đây là những nền tảng để Hoa Kỳ xem xét tiếp tục đầu tư vào thị trường Việt Nam. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp của Hoa Kỳ sẽ  giúp đỡ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hạ tầng của mình và tìm kiếm các sản phẩm, công nghệ vững vàng, vượt qua ngưỡng nước có thu nhập trung bình, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Hoa Kỳ”.

Quan hệ thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang ngày càng phát triển theo chiều sâu. Chính phủ hai nước cũng đang có nhiều chương trình để hỗ trợ cho doanh nghiệp hai nước giao lưu, trao đổi kinh nghiệm để tăng cường xuất khẩu hàng hóa hai bên. Vấn đề là các doanh nghiệp tận dụng cơ hội này như thế nào để ngày càng có nhiều hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam ở thị trường Hoa Kỳ./.

Xuân Lan - VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất