Thứ Bảy, 12/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 27/5/2010 21:23'(GMT+7)

Tăng năng suất để cải thiện mức sống người lao động

Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong khi ASEAN đang có dấu hiệu phục hồi kinh tế một cách vững chắc, thị trường lao động ở hầu hết các nước, bao gồm Việt Nam, đang phải đối mặt với các thách thức to lớn. Các vấn đề chính bao gồm tái cân bằng tăng trưởng, tăng chất lượng và số lượng việc làm, tăng cường kỹ năng của lực lượng lao động và xác định các vấn đề làm giảm năng suất lao động.

ASEAN chỉ tăng trưởng 1,4% trong năm 2009 dù dự đoán tăng trưởng của khối cho năm 2010 là 5,4%. Tình hình của Việt Nam khả quan hơn các nước ASEAN khác với tăng trưởng GDP là 5,3% trong năm 2009 và dự kiến là 6% cho năm 2010.

Điều đáng lo ngại, năng suất lao động của ASEAN đang tụt bậc, thấp hơn các nước Trung Quốc và Ấn Độ. Năng suất lao động trung bình hàng năm của khu vực ASEAN vào năm 2009 giảm 0,3 % so với năm 2007, trong khi đó tại Trung Quốc và Ấn Độ, tỉ lệ lại tăng tương ứng 8,7% và 4,0 %.

Việt Nam đã từng có tăng trưởng năng suất lao động ấn tượng trong thập kỷ trước, tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn chỉ bằng một nửa tỷ lệ trung bình của khối ASEAN và bằng 1/12 tỷ lệ của Singapore. Đầu tư nâng cao kỹ năng và tăng chất lượng việc làm là thiết yếu để tăng năng suất lao động.

Nhân kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 21 (ALMM)  và các Hội nghị liên quan vừa kết thúc tại Hà Nội, ông Gyorgy Szirraczki, chuyên gia kinh tế cao cấp của ILO đã trả lời báo chí về vấn đề này.

** Thưa ông, sau khủng hoảng kinh tế, vấn đề nào khiến cho thị trường lao động ở hầu hết các nước ASEAN bao gồm cả Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức to lớn?

Ông Gyorgy Sziraczki: Sau khủng hoảng kinh tế, vấn đề thất nghiệp không còn quá trầm trọng và vẫn đang có tiến triển tích cực.

Có thể nói, khu vực kinh tế ASEAN tái thiết sau khủng hoảng nhanh và tốc độ tăng trưởng trở lại nhanh nhất so với các khu vực khác trên thế giới.

Theo tôi, vấn đề thất nghiệp sau khủng hoảng không đáng lo ngại cho khối ASEAN.

Vấn đề đáng lo ngại hiện nay chính là thiếu việc làm cho những người đang ở khu vực phi chính thức, khu vực người lao động dễ bị tổn thương và thiếu các chính sách bảo trợ cho người lao động.

Tuy nhiên, sau khủng hoảng, khu vực ASEAN trong đó có Việt Nam đã có nhiều chính sách để hỗ trợ cho người lao động, đặc biệt là các chính sách liên quan đến bảo trợ xã hội.

Theo tôi, các chính sách liên quan đến bảo trợ xã hội là rất quan trọng, đặc biệt là đối với nhóm lao động rất phổ biến ở Việt Nam cũng như các nước ASEAN - nhóm lao động ở khu vực phi chính thức, nhóm dễ bị tổn thương.

Bởi khi đời sống được cải thiện, năng suất lao động sẽ tăng và kéo theo đó, thu nhập của người lao động cũng được tăng lên.

Một vấn đề đặc biệt lưu ý đối với khu vực ASEAN là trong quá trình khủng hoảng, năng suất lao động suy giảm, trong khi đó ở 2 nước cạnh tranh gồm Ấn Độ và Trung Quốc lại gia tăng. Chính điều đó làm giảm tính cạnh tranh của lao động khu vực ASEAN. Do vậy, khu vực ASEAN cần phải tăng năng suất lao động để đảm bảo tính cạnh tranh của mình trong thị trường lao động thế giới. 

** Theo ông, để tăng năng suất lao động, các nước trong khu vực ASEAN cần chú trọng vào điều gì?

Ông Gyorgy Sziraczki: Để tăng năng suất lao động cũng như tăng tính cạnh tranh, chúng ta phải cải thiện cơ sở hạ tầng và kỹ năng nghề.

Ở Singapore và Malaysia, năng suất lao động rất cao, trong khi ở các nước còn lại năng suất lao động còn thấp.

Ở Việt Nam dù tỷ lệ tăng năng suất lao động được cải thiện nhưng vẫn chưa cao so với Singapore và Malaysia.

Muốn tăng năng suất lao động thì cần cải thiện cơ sở hạ tầng và kỹ năng nghề. Các nước cần phải cân bằng 2 điểm này. Năng suất lao động là tâm điểm quan trọng để cải thiện mức sống của người lao động.

Tại hội thảo Hội nghị nguồn nhân lực ASEAN lần thứ 2, một trong những điểm quan trọng nhất là làm thế nào để cải thiện giáo dục đào tạo và đào tạo dạy nghề. Vì đây là 2 điểm quan trọng để nâng cao năng suất lao động, đồng thời nâng quan hệ giao thoa giữa các bên (Chính phủ, cơ quan sử dụng lao động và người sử dụng lao động) kết hợp với nhau để tạo điều kiện cho người lao động được đào tạo tốt nhất, đào tạo không chỉ cho hiện tại, mà cả cho tương lai, đào tạo phù hợp chứ không tràn lan.

Tôi khẳng định rằng, tính hội nhập về lao động ở ASEAN rất tốt và thực hiện nhanh trong những năm qua.

Ở Việt Nam, điểm tôi muốn nhấn mạnh chính là những kỹ năng mà các bạn cần phải chú ý xây dựng. Ở đây không nói đến tính di chuyển của những công việc đơn giản mà nói đến những công việc có kỹ năng cao.

Chẳng hạn, Việt Nam phải làm thế nào để đào tạo được lực lượng nhân công có kỹ năng được công nhận ở các quốc gia tiếp nhận khác.

** Ông đánh giá như thế nào về việc phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam?

Ông Gyorgy Sziraczki: Tôi đánh giá cao việc phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam. Mỗi khi đến Việt Nam, tôi đều nhận thấy sự thay đổi phát triển về nguồn nhân lực. Điển hình là ngày càng có nhiều người nói thành thạo tiếng Anh và tuy nhiên theo tôi nghĩ, trong tương lai, các bạn chú ý hơn đến những lao động ở khu vực nông thôn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nói trong Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 21 vừa qua rằng, trong việc xóa đói giảm nghèo, chúng ta cần phải chú ý đến nâng cao năng lực cho họ, chúng ta cần phải đầu tư và đào tạo nâng cao năng lực cho họ nếu các bạn muốn nâng cao nguồn nhân lực.

**  Xin cảm ơn ông!

Thu Thuỷ - VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất