Sáng 12-1, tại Hà Nội, Sở Công thương Hà Nội, Ban tổ chức chương trình vinh danh doanh nghiệp hội nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp hội các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Hội doanh nhân trẻ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Vận hội và thách thức của Việt nam sau 3 năm gia nhập WTO với sự tham dự của nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá tác động của việc gia nhập WTO tới các lĩnh vực kinh tế, về những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO ngày 11-1-2007 để trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức này cho đến nay.
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan cho biết, chúng ta gia nhập WTO đúng thời điểm kinh tế thế giới diễn biến xấu đến hai lần. Lần thứ nhất là năm 2007 giá cả thị trường thế giới tăng cao, đặc biệt là giá dầu; lần thứ hai là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua. Tuy nhiên, nếu chưa gia nhập WTO thì chắc chắn Việt Nam sẽ gặp khó hơn nhiều vì hàng hoá của chúng ta phải chịu thuế rất cao... Từ khi gia nhập WTO đến nay, nhận thức của toàn xã hội, trong đó có cả cộng đồng các doanh nghiệp thấy rõ hơn được những thuận lợi và thách thức và họ tiếp cận một cách rất bình tĩnh cho thấy việc này là rất quan trọng trong việc hội nhập. Trước khi gia nhập WTO, nước ta đã thực hiện nghiêm túc yêu cầu của tổ chức này như minh bạch hóa chính sách, hoàn thiện thể chế và cải cách hành chính… Năm 2006, vốn FDI thực hiện chỉ là 4,1 tỷ USD và vốn đăng ký là 12 tỷ thì đến năm 2007 các con số tương ứng là 8,03 tỷ USD và 21,34 tỷ USD, năm 2008 là 11,6 tỷ USD và 64 tỷ USD… Theo ông Vũ Khoan, năm 2010, nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi, kinh tế nước ta cũng bắt đầu quá trình vượt qua khỏi sự suy giảm. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận xét, với ba năm gia nhập WTO là quãng thời gian chưa đủ dài để có thể đánh giá và bóc tách rõ ràng, đầy đủ những tác động của việc gia nhập WTO đối với nền kinh tế Việt Nam.
Giáo sư TSKH Nguyễn Mại, Nguyên phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đánh giá, sau ba năm gia nhập WTO, cũng như nhiều nước trên thế giới, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua đã tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội của nước ta, đồng thời bộc lộ rõ hơn những nhược điểm cố hữu đã tồn tại trong thời gian hưng thịnh. Do vậy, sau khủng hoảng là lúc nhìn lại lý thuyết phát triển và chính sách kinh tế của đất nước, cơ cấu lại nền kinh tế quốc dân, hướng tới những mục tiêu kinh tế-xã hội cao hơn và thực hiện có hiệu quả hơn. FDI năm 2010 và những năm tiếp theo phụ thuộc vào việc giải quyết hậu quả những vấn đề kinh tế - xã hội sau khủng hoảng. Từ kinh nghiệm của hơn 20 năm đổi mới và việc giải quyết hậu quả của hai cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra trong vòng 10 năm gần đây, có thể tin tưởng vào việc điều hành của Chính phủ trong năm 2010 với những giải pháp hữu hiệu để nước ta chuẩn bị tốt nhất hành trang tiến vào thập niên mới. Dự báo FDI năm 2010 sẽ phục hồi và có thể tăng trưởng cao hơn năm 2008 về vốn thực hiện và chất lượng các dự án FDI được nâng cao hơn. Vấn đề quan trọng hàng đầu của nước ta hiện nay là tìm được mô hình tăng trưởng trong giai đoạn mới theo hướng quy mô, chất lượng và hiệu quả. Đó là vấn đề cần được lưu ý trong quá trình xây dựng Chiến lược kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020. Ông Mại dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2010 có thể đạt 6,5%, cao hơn năm 2009 và cho biết, là thành viên của WTO, chúng ta cần chuẩn bị tốt hơn để chủ động đề ra chủ trương, lựa chọn cán bộ có đủ năng lực và phẩm chất tham gia Vòng đàm phán Đôha, nhằm kết thúc vòng đàm phán này có lợi cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tìm mọi phương thức thích hợp với từng đối tác đàm phán song phương để họ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, vì điều này có lợi cho các doanh nghiệp nước ta trong trường hợp phải đối đầu với những vụ kiện bán phá giá. Các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp phải chủ động hơn trong việc theo dõi, kịp thời phát hiện những vi phạm từ các đối tác để tận dụng tư cách là thành viên WTO yêu cầu họ phải thực hiện nghiêm chỉnh cam kết đối với Việt Nam…
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương cho biết, cơ hội mới đối với Việt Nam khi gia nhập WTO chính là việc cải cách thể chế, tạo lập môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa và đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ…
Tại hội thảo, một số chuyên gia kinh tế nước ngoài nhận xét, năng lực cạnh tranh quốc gia, doang nghiệp, sản phẩm của Việt Nam còn thấp và chậm được cải tiến hơn so với một số nước trong khu vực. Các lĩnh đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, năng lực thể chế, trình độ công nghệ còn yếu. Chính vì vậy sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn thấp, cần được cải thiện./.
(Theo: ND)