Có những lúc tôi phải bỏ qua dư luận để quyết tâm triển khai ứng dụng CNTT theo kế hoạch đã vạch sẵn.
Cả huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh hiện có 2.100 giáo viên THCS, tiểu học và mầm non, trong đó có khoảng 75% giáo viên soạn được giáo án bằng máy tính và thiết kế được bài giảng điện tử. Kết thúc năm học “Ứng dụng CNTT” 2008 – 2009, ngành giáo dục đào tạo huyện Đông Triều là một trong những cơ sở dẫn đầu cả nước với 80 trường học ứng dụng CNTT hiệu quả.
Phóng viên Báo BĐVN đã có buổi trò chuyện với ông Lưu Xuân Giới, Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện.
Thưa ông, điều gì đã khiến ông mạnh dạn đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong ngành giáo dục Đông Triều?
Từ năm 1999, khi còn làm hiệu trưởng trường THCS Mạo Khê II, tôi đã nhận thấy công tác quản lý nhà trường không thể thiếu chiếc máy tính cho bộ phận kế toán, quản lý tài chính, cho bộ phận quản trị, quản lý thông tin… Như vậy, chỉ cần hai bộ máy tính đã giải quyết được khối lượng lớn công việc. Thậm chí với những trường nhỏ, điều kiện chưa có thì dùng chung một bộ máy cũng không sao.
|
Ông Lưu Xuân Giới. |
Chính vì thế, đến năm 2007 được đảm nhận vị trí trưởng phòng giáo dục huyện Đông Triều, tôi đã quyết định đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT trong giáo dục của huyện. Với sự hỗ trợ của VNPT Quảng Ninh, chúng tôi đã đẩy mạnh kết nối Internet băng thông rộng, phát triển máy tính, ứng dụng CNTT trong quản lý và giảng dạy (có những điểm chỉ có một máy tính nhưng phải kéo tới 5 km cáp, VNPT Quảng Ninh vẫn nối thông để đảm bảo mục tiêu 100% trường học của huyện nối mạng Internet). Ngoài đội cán bộ chuyên trách về CNTT của phòng giáo dục huyện, đội kỹ thuật của VNPT Quảng Ninh cũng thường xuyên hỗ trợ các trường ở Đông Triều.
Từ thực tế triển khai, ông thấy khó khăn nào là lớn nhất?
Có lẽ cũng như nhiều nơi khác, vướng mắc lớn nhất trong những ngày đầu của chúng tôi chính là vấn đề nhận thức. Ngay trong đội ngũ lãnh đạo là hiệu trưởng một số trường còn tỏ ra nghi ngờ, họ không hình dung được chuyện ứng dụng CNTT vào giáo dục sẽ đạt kết quả đến đâu. Nhiều vị chỉ mới nghe nói đến chuyện “ứng dụng” thôi đã… “chết khiếp” vì chưa hiểu gì về CNTT.
Thậm chí, ngay trong phòng giáo dục cũng có những người chưa tin. Chính vì thế, tiến hành đổi mới tư duy là phải đổi mới từ các cán bộ phòng giáo dục, lãnh đạo các trường rồi đội ngũ giáo viên, đó là công việc hoàn toàn không đơn giản.
Có những lúc tạm thời tôi phải không để ý đến dư luận để quyết tâm triển khai kế hoạch đã vạch sẵn. Nhưng khó khăn nhất là với đội ngũ giáo viên, nên ngay từ những ngày đầu triển khai ứng dụng CNTT, chúng tôi đã tiến hành song song hai việc: khi cung cấp thiết bị thì đồng thời cũng phải tính đến vấn đề các giáo viên có dùng được các thiết bị đó hay không.
Để cải thiện trình độ, chúng tôi liên tục tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, trong đó có hình thức mở lớp học ngay tại phòng máy của các trường. Riêng đối với các giáo viên lớn tuổi, chúng tôi chia nhóm để các giáo viên hỗ trợ lẫn nhau.
Trong câu chuyện ứng dụng CNTT ở đây, một nội dung quan trọng là khuyến khích giáo viên xây dựng bài giảng, học liệu điện tử. Ở Đông Triều, vấn đề này được triển khai như thế nào?
Ứng dụng CNTT trong giáo dục cần hướng tới hai mục tiêu: ứng dụng cho quản lý giáo dục và ứng dụng hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học. Hai mục tiêu này luôn song hành với nhau. Đến nay, việc ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục của huyện đã khá thuận lợi. Chúng tôi quản lý bằng công văn điện tử thông qua trang web của phòng. Từ 1/1/2008 chúng tôi đề nghị 24 trường THCS, 26 trường tiểu học và 30 trường mầm non trên địa bàn huyện chấm dứt việc dùng công văn giấy gửi qua đường bưu điện và chỉ nhận báo cáo của các trường ở mục “Báo cáo” ngay trên website.
Còn ở mảng ứng dụng hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học, chúng tôi đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng các phần mềm soạn giáo án, bài giảng điện tử. Cả huyện Đông Triều có khoảng 2.100 giáo viên THCS, tiểu học và mầm non thì nay đã có khoảng 75% giáo viên soạn được giáo án bằng máy tính và thiết kế được bài giảng điện tử.
Hiện trong kho dữ liệu của Đông Triều cũng đã có hàng ngàn giáo án, bài giảng điện tử. Để khuyến khích, động viên giáo viên soạn và chia sẻ dùng chung giáo án, bài giảng điện tử, chúng tôi áp dụng hình thức vận động: nếu giáo viên gửi được một giáo án vào kho dữ liệu thì người đó sẽ có quyền tải 10 giáo án.
Xây dựng một website không khó, nhưng duy trì để nội dung trang web đó phát huy hiệu quả lại không dễ. Với www.dongtrieu.edu.vn, để có được nội dung đa dạng, phong phú, phát huy hiệu quả giáo dục, Phòng có biện pháp gì?
Từ 1/1/2008, trang web của Phòng giáo dục huyện Đông Triều tại địa chỉ dongtrieu.edu.vn đã ra đời và mỗi trường có một trang web “con” tích hợp ngay trên trang này. Như thế vừa giảm được chi phí, nội dung thông tin của dongtrieu.edu.vn lại phong phú, thuận tiện hơn cho công tác quản trị. Hỗ trợ thực hiện phong trào “trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ GD&ĐT phát động, chúng tôi coi website này là nơi để giáo viên, học sinh các trường giao lưu, trao đổi nghiệp vụ, học hỏi kinh nghiệm.
Chúng tôi phát động các trường thi viết theo chủ đề, tổ chức cuộc thi làm video clip, thi ảnh... Các tư liệu, bài liệu, hình ảnh và bài viết học sinh gửi về sẽ được lưu giữ, tạo thành kho dữ liệu cho website để khai thác dần.
Cảm ơn ông!
Theo VOVnews