Thứ Ba, 1/10/2024
Cuộc sống số
Thứ Bảy, 3/10/2009 16:4'(GMT+7)

Quản lý truyền hình trả tiền: Còn nhiều bất cập

Hiện Việt Nam đang nở rộ các loại hình, công nghệ dịch vụ truyền hình trả tiền.

Hiện Việt Nam đang nở rộ các loại hình, công nghệ dịch vụ truyền hình trả tiền.

Nở rộ dịch vụ

Tính tới thời điểm này, Việt Nam đang triển khai nhiều phương thức truyền dẫn cơ bản cho hoạt động truyền hình trả tiền gồm: cáp (tương tự, số và IPTV), truyền hình mặt đất kỹ thuật số, truyền hình DTH và truyền hình di động.

Trên cả nước chỉ còn 1 địa phương chưa có mạng truyền hình cáp là Lai Châu. Đã có 47 đơn vị được cấp phép hoạt động truyền hình cáp, 9 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền dẫn tín hiệu truyền hình cáp.

Nếu như vào tháng 9/2003, lượng thuê bao của hệ thống truyền hình trả tiền mới chỉ đạt con số khoảng 80 ngàn thuê bao tập trung tại Hà Nội và TP. HCM thì 6 năm sau, vào thời điểm năm 2009, số thuê bao đã tăng hơn 20 lần.

So với nhiều ngành dịch vụ khác, kinh doanh hoạt động truyền hình trả tiền trở thành một trong những ngành kinh doanh có tốc độ phát triển nhanh. TP.HCM là địa phương có tốc độ phát triển thuê bao nhanh, số lượng thuê bao truyền hình cáp lớn nhất cả nước với 1 triệu thuê bao, sau đó tới Hà Nội gần 120 ngàn thuê bao, Đà Nẵng gần 80 ngàn thuê bao và Hải Phòng khoảng 70 ngàn thuê bao.

Đặc biệt, một loại hình dịch vụ công nghệ mới đó là dịch vụ truyền hình giao thức Internet trên mạng viễn thông hiện đang có 4 đơn vị được cấp phép thử nghiệm đó là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT, Tổng công ty Viễn thông quân đội Viettel, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC và Công ty cổ phần Viễn thông FPT.

FPT hiện đang thử nghiệm trên diện hẹp dịch vụ truyền hình IPTV cho khoảng 10 ngàn thuê bao. Hôm 27/9 vừa rồi, VNPT cũng đã chính thức ra mắt dịch vụ truyền hình Internet có tên gọi MyTV. Với rất nhiều tiện ích, MyTV được giới chuyên môn đánh giá sẽ là một đối thủ nặng ký của các loại hình dịch vụ truyền hình trả tiền đã có ở Việt Nam hiện nay.

Có thể nói, song song với hệ thống truyền hình quảng bá, hệ thống các dịch vụ truyền hình trả tiền đã góp phần quan trọng tạo nên kênh thông tin đa dạng. Với việc đa dạng hoá nội dung thông tin theo từng kênh chuyên biệt, truyền hình trả tiền đang là phương tiện thông tin giải trí hữu hiệu phục vụ cho nhiều lớp đối tượng khán giả khác nhau.

Việc phát triển hệ thống truyền hình trả tiền trong những năm qua đã tạo động lực cho việc nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình, kể cả các chương trình quảng bá, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong việc sản xuất nội dung chương trình giữa các đài phát thanh, truyền hình với nhau…

Nhưng cũng đã xuất hiện nhiều hạn chế

Xét về lý thuyết, hiện nay tại bất kỳ điểm nào của Việt Nam người dân cũng có thể sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền (hoặc bằng công nghệ truyền dẫn cáp, DTH hay truyền hình kỹ thuật số). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hệ thống truyền hình trả tiền đặc biệt là dịch vụ truyền hình cáp chủ yếu mới tập trung phục vụ tại khác khu vực thành phố, thị xã, thị trấn đông dân cư. Diện phủ sóng tại vùng nông thôn rất thấp và không có ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa với lý do cơ bản là mật độ dân cư thưa, thu nhập người dân thấp không đủ để chi phí cho loại hình dịch vụ này.

Trong công tác quản lý nhà nước, nhiều vấn đề đặt ra cần có sự giải quyết để loại hình dịch vụ truyền hình trả tiền có được sự phát triển hơn nữa.

Hạn chế đầu tiên có thể kể tới đó là sự không đồng bộ giữa chính sách quản lý về nội dung và kỹ thuật dịch vụ khiến nhiều khía cạnh quản lý dịch vụ chưa được các quy phạm pháp luật điều chỉnh.

Với sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ phát thanh, truyền hình, dịch vụ truyền hình trả tiền đang trở thành một ngành kỹ thuật - dịch vụ gắn kết với hạ tầng kỹ thuật và xu thế hội tụ truyền hình, viễn thông trên một hạ tầng kỹ thuật thống nhất. Thế nhưng các quy định của pháp luật về báo chí hiện nay đã tỏ ra bất cập trong việc điều chỉnh hoạt động thiết lập hạ tầng cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình, nhất là các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng dịch vụ. Chính sách quản lý về hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật chưa đồng bộ với chính sách quản lý về nội dung thông tin.

Hạn chế nữa đó là vấn đề năng lực kỹ thuật, công nghệ và dịch vụ. Hiện có rất ít đơn vị hoạt động truyền hình trả tiền đặc biệt là truyền hình cáp có đủ năng lực cả về nhân sự, tài chính, công nghệ, kỹ thuật.

Công nghệ truyền hình cáp được sử dụng là công nghệ analog với ưu thế giá thành rẻ, vận hành đơn giản tuy nhiên chất lượng còn hạn chế, loại hình dịch vụ cũng còn nghèo nàn bởi không tích hợp được các dịch vụ giá trị gia tăng khác trên cùng hệ thống như truyền hình theo yêu cầu, thoại…


Chất lượng tín hiệu của truyền hình số mặt đất vẫn chưa thực sự ổn định, đặc biệt là ở các thành phố lớn có mật độ xây dựng dày đặc. Thêm vào đó, giá thành thiết bị còn cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân.

Hiện nay, sự buông lỏng trách nhiệm kiểm soát nội dung thông tin của các đơn vị được cấp phép hoạt động truyền hình cáp cũng là một hạn chế lớn. Đa số các đơn vị được cấp hoạt động truyền hình cáp vẫn không xác định được vai trò quyết định của mình trong việc quản lý nội dung chương trình truyền hình cáp.

Việc biên tập các chương trình truyền hình nước ngoài phát trên hệ thống truyền hình trả tiền gần như đang bị bỏ ngỏ. Trừ một số đài như Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình TP.HCM và Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội có tổ chức biên tập, nhiều đài địa phương khác không thực hiện việc biên tập chương trình theo quy định, thậm chí có đơn vị còn “khoán trắng” cho đối tác liên kết.

Một số bất cập khác cũng cần sớm khắc phục như sự phân tán và bất cập về năng lực biên tập các chương trình nước ngoài; việc cấp phép lắp đặt thiết bị thu tín hiệu chương trình truyền hình trực tiếp từ vệ tinh cho người dân không còn phù hợp, rồi chính sách cấp phép truyền hình trả tiền theo địa bàn hành chính tỉnh, thành phố đến nay cũng đã bộc lộ hạn chế; thiếu chính sách thúc đẩy phát triển truyền hình trả tiền theo hướng thị trường…

Mọi bất cập này đều đang cần phải được sửa đổi và bổ sung cho hợp lý trong thời gian tới. Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng Dự thảo Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền với quan điểm thực tế phát triển của hệ thống dịch vụ này phải đi đôi với quản lý. Đây sẽ là một hành lang pháp lý đồng bộ để hoạt động kinh doanh dịch vụ truyền hình đạt được những hiệu quả như mong muốn trong thời gian tới./.

Theo VnMedia

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất