Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, hiện đang có hai loại ý kiến khác nhau về mô hình hệ thống cơ sở giáo dục đại học (GDĐH).

Cơ quan thẩm tra đề nghị quy định thống nhất, mạch lạc mô hình hệ thống cơ sở GDĐH gồm có Trường đại học và Đại học (hệ thống các trường đại học). Quy định theo hướng này có ưu điểm là tạo được sự rõ ràng, mạch lạc trong hệ thống GDĐH; tạo hành lang pháp lý kết hợp được tiềm năng, lợi thế của các trường đại học để tạo nên sức mạnh hệ thống, tổng hợp, tăng cường tính cạnh tranh của các cơ sở GDĐH trong hệ thống đại học quốc tế và từng bước hình thành các trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ lớn của đất nước. Tên gọi trường đại học trong đại học không mới trong xu hướng phát triển của GDĐH trên thế giới. Quy định này tạo độ mở trong luật về mô hình cơ sở giáo dục đại học và phù hợp với điều kiện lịch sử, phát triển của hệ thống GDĐH quốc tế, kết hợp, sáp nhập, giảm số lượng trường đại học. Thực tế xây dựng hai ĐHQG, đã chứng minh tính đúng đắn của mô hình này khi có cơ chế và nguồn lực phù hợp.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành hội nghị. Ảnh: QUANG KHÁNH.

Cơ quan soạn thảo đề nghị quy định hệ thống cơ sở GDĐH gồm có đại học, trường đại học, học viện và các cơ sở giáo dục đào tạo có tên khác phù hợp với quy định của pháp luật, gọi chung là đại học. Tuy nhiên, theo Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, quy định như vậy chưa giải quyết được bản chất vấn đề về mô hình trường đại học bên trong đại học của các đại học hiện nay, cả về nội dung và tổ chức, đồng thời có thể làm phức tạp thêm hệ thống khi quy định tất cả cơ sở giáo dục đại học là đại học; các cơ sở GDĐH đa lĩnh vực được thành lập các trường trực thuộc bên trong mà chưa phân định rõ tư cách pháp nhân, địa vị pháp lý của các tổ chức này. Việc ổn định của hệ thống GDĐH hiện nay có thể bị ảnh hưởng lớn.

Tham dự và phát biểu tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, phương án của Ban Soạn thảo đề ra theo nguyện vọng của nhiều trường đại học sẽ góp phần thể hiện tính tự chủ của cơ sở GDĐH. Các cơ sở GDĐH sẽ tự quyết định cơ cấu bên trong gồm những trường nào hạch toán độc lập, trường nào hạch toán phụ thuộc một phần.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) phát biểu. Ảnh: QUANG KHÁNH.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) thể hiện quan điểm đồng tình với đề xuất của Ban Soạn thảo. Đại biểu cho rằng chỉ nên có một mô hình là đại học, không nên phân định thành đại học, các trường đại học, các cơ sở giáo dục đại học. Lấy ví dụ từ nơi mình công tác, đại biểu nói, không phải vì phân định thành hai mà Trường Đại học Kinh tế quốc dân không thể thành đại học. Trường Đại học Kinh tế quốc dân hiện đã tổ chức theo mô hình đại học, tuy không chính thức. Một trường đại học muốn có các trường con thì phải có quá trình hình thành. Trước đây, Trường Đại học Kinh tế quốc dân không thể có trường con, mà hình thành các viện. Thực ra, các viện ấy cũng hoạt động như các trường đại học, nhưng phải “lách” thành các viện. Hiện nay, Trường Đại học Kinh tế quốc dân có 5 viện, hoạt động như 5 trường con. Nếu một trường đại học nào không đi theo kiểu “lách luật” như thế sẽ không có được các trường con để trở thành đại học. Từ đó, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị không tách thành 2 cấp là đại học và trường đại học, mà gọi chung là đại học. “Tất nhiên, nói mọi cơ sở giáo dục đại học đều được gọi là đại học, giống Đại học Quốc gia, không có nghĩa là nó ngang bằng với Đại học Quốc gia, vì Đại học Quốc gia sẽ có các quy định về nhiệm vụ, chức năng riêng mà Thủ tướng giao”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

Tuy nhiên, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Đoàn Hải Phòng) và một số ý kiến lại đồng tình với quan điểm của cơ quan thẩm tra, rằng mô hình cơ sở GDĐH bao gồm đại học và trường đại học. Theo đại biểu, cách tiếp cận như vậy bảo đảm được yêu cầu hội nhập quốc tế vì theo thông lệ thì nhiều nước cũng áp dụng như vậy.

Chiều 7-9, hội nghị tiếp tục cho ý kiến vào dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

CHIẾN THẮNG/QĐND