Theo ghi nhận của phóng viên, tại điểm Trường phổ thông Dân tộc bán trú và Trung học cơ sở Thanh Xuân (huyện Quan Hóa), ngay từ sáng sớm 5/9 không khí khai giảng đã ngập tràn khắp mọi nẻo đường. Các em học sinh với cờ hoa và những trang phục dân tộc sặc sỡ náo nức đến các điểm trường dự lễ khai giảng.
Thầy giáo Nguyễn Văn Đại, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc bán trú và Trung học cơ sở Thanh Xuân cho biết mới cách đây 2 ngày thôi, khu vực xã Thanh Xuân còn ngập chìm trong lũ. Toàn xã có 3 bản bị cô lập hoàn toàn. Trường tuy không thiệt hại nhiều về cơ sở vật chất nhưng sau lũ, một khối lượng lớn đất đá đổ dồn về sân trường.
Để kịp tổ chức lễ khai giảng cùng các hoạt động dạy và học, nhà trường đã huy động giáo viên, phụ huynh và chính quyền tích cực khắc phục hậu quả thiên tai.
Đối với học sinh ở 3 bản bị cô lập, trường tổ chức cho các em sơ tán, ăn ở tại trường để đảm bảo an toàn. Đến thời điểm hiện tại, 100% học sinh đã đến trường để bắt đầu học năm học mới.
Em Phạm Ngọc Ánh, học sinh lớp 9 cho biết bản Sa Lắng là 1 trong 3 bản bị cô lập trong trận lũ vừa qua. Ngôi nhà của gia đình em bị ngập và sạt lở đất hư hỏng nặng. Các thầy cô đã bố trí cho em ở tại trường gần 1 tuần nay và hỗ trợ em chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập cho năm học mới.
Do ảnh hưởng của thiên tai, trên địa bàn huyện Quan Hóa chịu thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giáo dục.
Tại Trường Tiểu học Trung Sơn, mưa lũ làm 5 phòng học kiên cố bị sập đổ hoàn toàn, 1 dãy nhà 4 phòng học bị hư hỏng nặng, không thể đưa vào sử dụng. Khu nhà ở giáo viên bị bùn đất lấp, toàn bộ tài sản trong phòng học và nhà ở của giáo viên bị hư hỏng không sử dụng được.
Trường Trung học cơ sở Trung Thành, khu nhà công vụ gồm 4 phòng và 1 phòng học đã bị sập. Trường Mầm non Trung Thành, khu phai bị nứt 2 phòng học, phòng ở của giáo viên có nguy cơ bị sập....
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các đơn vị tập trung xử lý các công trình vệ sinh, nước sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; huy động cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh và các đoàn thể trong xã dọn dẹp vệ sinh trong và ngoài khuôn viên nhà trường, đảm bảo cảnh quan môi trường.
Ông Ngô Phi Hùng, Trưởng phòng Giáo dục huyện Quan Hóa cho biết do đợt mưa lũ vừa qua, một số đơn vị bị thiệt hại nặng về cơ sở vật chất, giao thông bị ách tắc ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc chuẩn bị Lễ khai giảng, các điều kiện để bước vào năm học mới.
Phòng Giáo dục đề nghị các đơn vị tập trung huy động mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả và lên kế hoạch tổ chức Lễ khai giảng phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị.
Ban Giám hiệu cùng bàn với lãnh đạo xã, Phòng Giáo dục thống nhất phương án phù hợp nhất.
Những đơn vị bị thiệt hại nặng không nhất thiết phải tổ chức Lễ khai giảng ở điểm trường chính mà có thể tổ chức ở điểm trường lẻ, mượn địa điểm khác hoặc có thể ghép chung với một đơn vị trường học trong xã để tổ chức.
Nhờ đó, tất cả các điểm trường đều được khai giảng đúng thời gian và kế hoạch chung của cả nước...
Trong khi đó, tại Nghệ An, với nỗ lực của các thầy cô giáo, của các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương cùng lực lượng quân sự, Biên phòng, Công an... hàng chục trường học trên địa bàn các huyện miền núi Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông - những địa phương bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 4 vừa qua đều đồng loạt khai giảng vào ngày 5/9.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Nậm Típ là trường dành cho học sinh 2 xã Mường Típ, Mường Ải, huyện Kỳ Sơn. Chịu thiệt hại do cơn bão số 3 và số 4, hệ thống bờ rào lưới quanh trường, bể nhà vệ sinh khu nhà ở bán trú của học sinh bị cuốn trôi.
Thầy Hoa Văn Ngành, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết khó khăn nhất hiện nay là trường không có điện, đường nước bị hư hỏng, đường giao thông bị chia cắt bởi khối lượng lớn đất đá trên núi đổ về chắn ngang con đường dẫn vào trường.
Máy xúc không thể vào được đến nơi nên nhà trường và chính quyền địa phương cùng nỗ lực mở một lối đi nhỏ giúp các em thuận tiện tới trường.
Để đến được trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Nậm Típ phải đi ôtô rồi di chuyển bằng xe máy và cuối cùng là đi bộ hàng tiếng đồng hồ. Đường giao thông chia cắt bởi bùn và đất đá khiến việc vận chuyển lương thực thực phẩm đến cho 380 em học sinh và giáo viên rất khó khăn.
Sau cơn bão, ngoài nỗ lực khắc phục mọi thiệt hại về cơ sở vật chất, nhà trường đã gửi văn bản và liên hệ bằng điện thoại với các trưởng bản thông báo lịch đến trường cho học sinh.
Trường cũng giao trách nhiệm nắm bắt thông tin học sinh của từng bản cho các giáo viên phụ trách; nếu thiếu em nào thì phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao, do các em ốm đau, muốn nghỉ học hay đang bận đi rẫy cùng gia đình…
Thầy Ngành chia sẻ vì là trường bán trú, các em phải có mặt tại trường sớm để ổn định sỹ số, phân phòng ở, dọn dẹp vệ sinh…
Đối với học sinh lớp 6 mới nhập học, phải dạy cho các em làm quen với nề nếp sinh hoạt bán trú. Ngoài ra, những em nào kết quả năm học trước chưa đạt thì thầy cô tập trung phụ đạo, cho thi lại để quyết định có lên lớp hay không. Mặt khác, học sinh đều ở cách xa trường nửa ngày đi bộ, vì thế khi các em tới trường, chúng tôi tổ chức ăn, ở bán trú luôn.
Theo quy định, các nguồn hỗ trợ, chính sách cho học sinh vùng biên giới, con em đồng bào dân tộc thiểu số… chỉ được chi trả từ tháng 9, khi học sinh khai giảng, bước vào học chính thức. Để đưa học sinh đến trường, trong suốt 2 tuần của tháng 8, nhà trường đã trích ngân sách, có khi tạm trích lương giáo viên để nuôi ăn học sinh.
“Sáng 5/9, lễ khai giảng của trường vẫn diễn ra bình thường. Trong điều kiện còn khó khăn chồng chất, nhà trường tổ chức lễ khai giảng ngắn gọn nhưng vẫn đầy đủ ý nghĩa cho các em học sinh,” thầy Ngành cho biết.
Không chỉ có Trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Nậm Típ, ngày 5/9, hầu hết các em lứa mầm non, tiểu học trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đều tham dự ngày khai trường, tuy nhiên cũng còn nhiều học sinh bậc trung học cơ sở chưa thể đến trường do đang bị chia cắt về giao thông.
Ông Nguyễn Hồng Hoa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho biết: “Trong cơn bão số 4 vừa qua, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có 12 trường học bị ảnh hưởng, trong đó có 5 trường là trường Mầm non Mường Ải, Tiểu học Mường Ải, Mầm non Mường Típ, Tiểu học Mường Típ 1 và trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nậm Típ là bị thiệt hại nặng nề. Những ngày qua, với sự hỗ trợ của các ban, ngành và người dân điạ phương, việc dọn dẹp trường lớp cho các trường bị lũ lụt đã cơ bản hoàn thành. Ngành giáo dục huyện cũng đã nhận được sự giúp đỡ về vật chất của các đơn vị với tổng số tiền gần 400 triệu đồng. Đúng ngày khai giảng, đại diện Công đoàn giáo dục Việt Nam cũng trực tiếp đến Trường Tiểu học Mường Ải hỗ trợ xây nhà công vụ với tổng số tiền 500 triệu đồng.”
Không chỉ có huyện Kỳ Sơn tuy việc khắc phục hậu quả thiên tại còn nhiều khó khăn nhưng các huyện miền núi như Tương Dương, Con Cuông của tỉnh Nghệ An vẫn đang nỗ lực để tất cả học sinh kịp có ngày khai giảng theo đúng lịch.
Trường Phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở Con Cuông là trường duy nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An tổ chức khai giảng muộn một tuần so với kế hoạch.
Sau trận bão số 4, trường ngập sâu đến gần 1m, bùn đất dày đặc ở các dãy phòng học tầng 1 và khu nhà ở nội trú của học sinh. Toàn bộ sách vở cùng với đồ dùng sinh hoạt của học sinh nội trú và 36 thầy cô giáo hư hỏng hoàn toàn và không thể sử dụng được.
Chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng bộ đội, đoàn viên thanh niên, nhân dân cùng với thầy trò khắc phục hậu quả chuẩn bị cho năm học mới. Được biết, đây cũng là địa điểm mà trường mượn của xã Bồng Khê để tổ chức học tập cho các em. Tuy nhiên, những năm gần đây trường liên tục chịu nhiều thiệt hại về cơ sở vật chất cũng như đe dọa đến an toàn của học sinh và giáo viên mỗi khi bão lũ về.
Trường Phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở Con Cuông là trường nội trú dành cho học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện. Năm học 2018-2019, trường có 300 học sinh, trong đó có 75 em khối 6 vào nhập học.
Đảm bảo an toàn và không ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh, hiện trường đã được chuyển sang địa điểm mới tại Trường Trung cấp nghề và Trung tâm Giaó dục thường xuyên tại thị trấn Con Cuông.
Do các công trình phụ trợ cho học sinh chưa đảm bảo nên lễ khai giảng sẽ lùi lại một tuần so với kế hoạch. Việc tổ chức dạy học bù cho các em sẽ được triển khai ngay sau khi lễ khai giảng diễn ra.
Hiện nhà trường đang di chuyển đồ đạc bàn ghế và các vật dụng cá nhân của giáo viên cũng như học sinh về địa điểm mới. Theo đó, trường sẽ tổ chức học văn hóa tại Trường Trung cấp nghề và tổ chức ăn ở tại Trung tâm bồi dưỡng thường xuyên và trường chính trị của huyện./.
Theo VN+