Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 6/11/2012 0:0'(GMT+7)

Cổ phần hóa: Cần thay đổi tư duy

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Quá trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bắt đầu thực hiện từ năm 1992, đến năm 2001 tiến trình này được đẩy mạnh. Tính đến ngày 20/4 năm nay, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 5.856 DNNN và bộ phận DNNN, trong đó, đã CPH được 3.951 DN, chiếm 67,4% tổng số DNNN cần CPH. Kế hoạch trong năm 2012 sẽ CPH 93 DNNN, tuy nhiên riêng 4 tháng đầu năm chỉ CPH được 4 DN, đây là những DN đang CPH từ năm 2011, kế hoạch này xem ra còn khá nặng nề cho những tháng cuối năm…

Trong số 1.300 doanh nghiệp nhà nước, chúng ta chỉ giữ lại chừng 700 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, số còn lại sẽ phải thực hiện cổ phần hóa xong vào năm 2015. Để kế hoạch này cán đích đúng hẹn, bên cạnh các giải pháp đồng bộ, cần có sự thay đổi về tư duy…

Mặc dù được xác định là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, được triển khai từ nhiều năm nay, mỗi năm đều có kế hoạch, mục tiêu cụ thể, tuy nhiên cho đến nay, chưa năm nào công tác CPH DNNN hoàn thành đúng kế hoạch đề ra. Tiến trình CPH DNNN hàng năm vẫn diễn ra ì ạch, chưa có lối thoát, dẫn đến đồng vốn, tài sản nhà nước tại DN không được sự dụng hiệu quả, gây thất thoát, thậm chí tạo gánh nặng cho nền kinh tế. Đánh giá về thực trạng này, ông Phạm Đình Soạn, nguyên Cục trưởng Cục Tài chính - Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đã thẳn thắn nhìn nhận: “Sự thất bại trong thực hiện các kế hoạch CPH trong nhiều năm liền này có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân căn bản là tư duy chúng ta chưa thay đổi. Chính từ tư duy chưa được thay đổi nên dẫn đến việc CPH DNNN chỉ diễn ra nửa vời…”.

Trước thực trạng này, việc ban hành Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế (TĐ), tổng công ty (TCT) nhà nước giai đoạn 2012-2015, là tín hiệu chứng tỏ sự quan tâm và quyết tâm cao độ của Chính phủ đến tái cơ cấu DNNN, đặc biệt là các TĐ, TCT và muốn thúc đẩy nhanh tiến trình CPH vốn đang diễn ra ì ạch. Theo TS. Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế cao cấp: Chúng ta đã nhìn thấy sự thay đổi tư duy trong chủ trương của Đề án, tuy nhiên để biến chủ trương thành hiện thực Chính phủ cần rốt ráo chỉ đạo các bộ, địa phương, DNNN quyết liệt, đồng bộ trong tổ chức thực hiện, đó là tư duy trong hành động. Đẩy mạnh CPH DNNN, thoái vốn là việc rất khó và đặc biệt hệ trọng đối với nền kinh tế, bởi khi thực hiện thành công sẽ có nhiều tiềm lực của nền kinh tế được phát huy, đồng thời Nhà nước có thêm những nguồn lực lớn để đầu tư cho nền kinh tế. Do đó, đòi hỏi từ Chính phủ cho tới các bộ, UBND cấp tỉnh phải đầu tư nhiều tâm sức suốt thời gian dài, kèm theo đó là một quyết tâm cao nếu muốn tạo bước chuyển biến rõ nét trong tái cơ cấu DNNN, một việc đã tiến hành từ nhiều năm nay, nhưng hiệu quả mang lại chưa như mong đợi.

Tính đến ngày 20/4/2012, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 5.856 DNNN và bộ phận DNNN, trong đó đã CPH 3.951 DN, chiếm 67,4% tổng số DNNN cần CPH. Hiện còn khoảng 1.300 DNNN, từ nay đến 2015 sẽ thực hiện CPH khoảng 600 DN, chỉ giữ lại chừng 700 DN 100% vốn nhà nước.

Theo một số chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hiện nay, việc CPH DNNN gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng ta phải biết tìm ra các giải pháp tháo gỡ “nút thắt”, trong đó phải hướng dẫn cụ thể phương thức: xác định giá trị DN, tài sản hữu hình, tài sản vô hình, xử lý các khoản công nợ… trên nguyên tắc chia sẻ rủi ro. Bên cạnh đó, cần xem xét kỹ việc DNNN nắm vị trí then chốt vì hai chữ “then chốt” vẫn chưa có định nghĩa một cách rõ ràng. Nếu hiểu đơn thuần về định lượng thì không ổn, mà phải hiểu theo định tính, tức là theo cách quản lý để xử lý những vấn đề then chốt của nền kinh tế, với sự can thiệp của nhà nước trong khuôn khổ nền kinh tế thị trường. Còn vẫn chỉ hiểu một cách “mơ hồ”, cái gì DNNN cũng phải chiếm tỷ trọng cao, cái gì cũng phải nhiều thì rất nguy hiểm.

Một trong những giải pháp quan trọng đã được Chính phủ đưa ra nhằm đảm bảo cho tiến trình tái cơ cấu, CPH DNNN thành công là tăng cường niêm yết các TĐ, TCT, DNNN quy mô lớn đã CPH trên thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, để giải pháp trên được triển khai hiệu quả, đã đến lúc thay đổi tư duy CPH DNNN gắn với niêm yết trên TTCK.

Theo đó, cần chọn “điểm nổ” là hình thành cơ chế cụ thể nhằm gia tăng thu hút NĐT chiến lược trong và ngoài nước đầu tư vào DNNN hậu CPH. Thông qua việc các NĐT này rót một lượng vốn lớn vào DN, đồng thời tạo sự thay đổi căn bản về quản trị DN khi họ tham gia điều hành, giám sát DN, sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tốt cho cả quá trình CPH lẫn niêm yết. Việc CPH gắn với niêm yết các TĐ, TCT cần diễn ra minh bạch hơn và theo tín hiệu của thị trường, nghĩa là xem NĐT muốn đầu tư vào ngành, lĩnh vực gì, thì trong điều kiện cho phép nên đáp ứng sớm đòi hỏi của họ, thay vì cứng nhắc trong tiến hành CPH những DN mà NĐT không quan tâm. Về cơ bản chỉ trừ các DN quốc phòng, an ninh, dầu khí và một vài lĩnh vực đặc thù khác, các DNNN quy mô lớn còn lại nên sớm CPH, để tạo cú hích về thu hút cả nhà đầu tư (NĐT) chiến lược tham gia.

Thực tế, trong những năm qua, rất nhiều NĐT lớn nước ngoài có ý định đầu tư vào các DNNN lớn Việt Nam nhưng không thể triển khai do tiến trình CPH các DN này diễn ra quá chậm và tỷ lệ vốn nhà nước tại các DN này còn chi phối khá lớn. Không những vậy, hầu hết các TĐ, TCT nhà nước đều thực hiện đầu tư ra ngoài ngành với một lượng vốn không nhỏ, trong khi quản trị còn yếu, hiệu quả mang lại thấp dẫn đến sự lãng phí, thất thoát lớn tiền của Nhà nước… Do vậy, việc thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành và việc giảm dần tỷ lệ vốn chi phối tại các DN là yêu cấu bức thiết đang đặt ra để giảm bớt những rủi ro và thất thoát.

Cần phải thừa nhận một thực tế, khi triển khai thoái vốn đầu tư ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, các TĐ, TCT sẽ gặp không ít thách thức. Sau “cú sốc” Vinashin và Vinalines, càng phải đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc DNNN, trong đó cần tập trung buộc các TĐ, TCT sớm hoàn tất thoái vốn đầu tư ngoài lĩnh vực kinh doanh chính.

Các đối tượng được CPH gồm: “Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế; TCT nhà nước (kể cả NHTM nhà nước); các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; DN 100% vốn nhà nước chưa chuyển thành Công ty TNHH MTV” - Theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP.

Việc các TĐ, TCT thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề chính sẽ đương nhiên đối mặt với những cái được, cái mất. Khi cân đo được - mất, cần đặt trong tổng thể lợi ích của nền kinh tế, lợi ích quốc gia, để quyết tâm thực hiện. Nếu cần, nên hy sinh lợi ích của các TĐ, TCT, nhằm đảm bảo cho chủ trương lớn được thực thi nghiêm túc và hiệu quả, qua đó mang lại lợi ích lớn hơn, dài hạn hơn cho chính các TĐ, TCT, cũng như nền kinh tế. Nếu vì lợi ích cục bộ của các TĐ, TCT, mà trì hoãn thực thi thì sẽ bỏ lỡ cơ hội tái cấu trúc các TĐ, TCT và cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư cũng hẹp hơn.

Nhìn nhận về vấn đề này, nguyên Cục trưởng Cục Tài chính - Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Phạm Đình Soạn cho rằng: Những DN hoạt động không hiệu quả, gây thất thoát và thiệt hại cho Nhà nước thì cần phải “thoái” sớm. Tuy nhiên, nếu thoái vốn mà vẫn còn kèm theo câu, “thoái nhưng vẫn phải bảo toàn được vốn” thì chắc chắc sẽ rất khó khả thi, thậm chí là bế tắc, sẽ dẫn sang một tư duy khác trong việc tái cơ cấu và CPH DN. Như vậy, vấn đề cuối cùng vẫn là tư duy, cần phải đổi mới từ tư duy soạn thảo chính sách đến tư duy trong cách nghĩ, cách làm.

Có thể nói, để CHP DNNN thành công việc căn bản xuyêt suốt tiến trình là cần phải đổi mới tư duy. Những thông điệp phát đi gần đây cho thấy, Chính phủ cùng các bộ, ngành, DN đang rất quyết tâm và nhất quán trong việc chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu DNNN, trong đó đẩy nhanh CPH DNNN chắc chắn tạo bước chuyển mạnh mẽ cho hoạt động của DN và nền kinh tế./.

Nguyễn Thị Kim Lý

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất