Thứ Tư, 27/11/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 5/11/2012 23:11'(GMT+7)

Châu Âu cần châu Á hỗ trợ giải quyết khủng hoảng

Khung cảnh Trung tâm họp báo của hội nghị ASEM-9 tại Vientiane, Lào. (Nguồn: Xinhua)

Khung cảnh Trung tâm họp báo của hội nghị ASEM-9 tại Vientiane, Lào. (Nguồn: Xinhua)

ASEM 9 hội tụ các nhà lãnh đạo đến từ 49 nước châu Âu và châu Á, trong bối cảnh châu Âu đang tìm cách giải quyết khủng hoảng nợ công dai dẳng và các nền kinh tế "lục địa già" đang tìm kiếm những lợi ích từ sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của châu Á trong những năm gần đây.

Các quan chức hàng đầu của châu Âu, như Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Italy Mario Monti, sẽ thúc đẩy các nỗ lực nhằm đảm bảo với châu Á rằng cuộc khủng hoảng nợ Eurozone sẽ nằm trong tầm kiểm soát.

Phát biểu với báo giới tại thủ đô Bangkok, Thái Lan, trước thềm ASEM 9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso nói rằng châu Âu tin tưởng châu Á mỗi ngày đều trở nên quan trọng hơn về mặt phát triển kinh tế.

Đồng thời, châu Âu là một trong những đối tác quan trọng bậc nhất ở châu Á xét trên khía cạnh đầu tư và thương mại. Châu Âu mong muốn thảo luận vấn đề thương mại và đầu tư, cũng như những thách thức về ổn định và an ninh trong khu vực.

ASEM được tổ chức hai năm một lần với mục tiêu mang lại cơ hội tăng cường quan hệ giữa châu Á và châu Âu - hai châu lục hiện chi phối khoảng một nửa sản lượng kinh tế toàn cầu.

Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP tại thủ đô Vientiane trước khi diễn ra Hội nghị, Bộ trưởng ngoại giao Philippines, Albert del Rosario, nói rằng châu Âu nên nhìn sang châu Á để thúc đẩy hoạt động kinh tế; cơ hội đầu tư và thương mại được chia dành cho cả hai bên.

Tại ASEM 9, các nhà lãnh đạo châu Âu có thể sẽ vận động Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo trích kho dự trữ ngoại hối trị giá khoảng 3.000 tỷ USD - dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới hiện nay - đầu tư vào các quỹ cứu trợ của Liên minh châu Âu.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo châu Á dự kiến sẽ thúc giục châu Âu nhanh chóng hành động để giải quyết khủng hoảng ở châu lục này, đang gây ảnh hưởng tiêu cực lên kinh tế thế giới cũng như cản trở những nỗ lực giảm đói nghèo trên toàn cầu.

Một số nước châu Á muốn đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền biển vào nội dung thảo luận tại Hội nghị lần này, nhưng có thể Trung Quốc sẽ phản đối./. 

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất