Thứ Hai, 23/3/2015 14:28'(GMT+7)
Có thể chữa khỏi ung thư nếu điều trị sớm bằng thiết bị nội soi
Bệnh ung thư ở Việt Nam đang ngày càng trở thành một vấn đề mang tính xã hội khi số lượng bệnh nhân chẩn đoán mắc ung thư và tử vong vì ung thư đang gia tăng đáng ngại.
Là một căn bệnh được coi là nan y, không ít người Việt Nam hiện nay vẫn quan niệm rằng mắc bệnh ung thư là cầm chắc án tử.
Tuy nhiên, với những tiến bộ của y học và các ứng dụng khoa học kỹ thuật trong khám và điều trị, việc phát hiện và điều trị ung thư ở giai đoạn sớm đóng vai trò quyết định đối với khả năng chữa khỏi căn bệnh này.
Nhân sự kiện Tập đoàn truyền thông Nikkei phối hợp cùng Đại học Nagoya tổ chức Hội thảo về y tế tại Hà Nội, phóng viên TTXVN tại Nhật Bản đã có cuộc phỏng vấn giáo sư Hidemi Goto, Phó Hiệu trưởng Đại học Nagoya kiêm Chủ tịch Khoa Tiêu hóa và Gan, Đại học Nagoya về các vấn đề liên quan đến hợp tác giữa Đại học Nagoya và Việt Nam trong lĩnh vực điều trị ung thư.
- Giáo sư có thể chia sẻ một số những thông tin mới về hợp tác giữa Đại học Nagoya và Việt Nam trong lĩnh vực y tế không?
Giáo sư Goto: Trước đây, tôi từng tổ chức hội thảo ở Huế nhưng tôi nghĩ cuộc hội thảo tại Hà Nội là một cơ hội quý báu. Tôi đã có chuyến thăm đến Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai. Trước đó, tôi từng đi thăm Bộ Y tế và bệnh viện này nhưng đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên.
Tại cuộc hội thảo, tôi đã gặp gỡ các bác sỹ và trao đổi về các vấn đề liên quan đến khám và điều trị ung thư. Tôi cho rằng cuộc hội thảo là một cơ hội rất tốt để trao đổi với các bác sỹ Việt Nam về phát hiện sớm ung thư với phương pháp chẩn đoán và điều trị nội soi. Có thể nói đây là một cuộc hội thảo thành công.
- Vậy, hội thảo năm 2015 có gì mới so với năm ngoái thưa giáo sư?
Giáo sư Goto: Tôi cũng đã dần hiểu được những vấn đề mà các bác sỹ Việt Nam quan tâm thông qua cuộc hội thảo năm trước. Hà Nội là trung tâm hàng đầu của y tế ở miền Bắc. Tôi đến thăm các bệnh viện lớn ở Việt Nam như bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện địa phương như bệnh viện Bãi Cháy ở Quảng Ninh.
Ý tưởng của tôi là làm sao để tạo được sự kết nối giữa bệnh viện tuyến trên với các bệnh viện tuyến dưới. Đầu tiên là ở miền Bắc nhưng sau đó chúng tôi dự tính là có thể sẽ bàn đến việc hỗ trợ các bệnh viện lớn ở cả ba miền, tạo sự kết nối tốt giữa bệnh viện trung ương với các bệnh viện địa phương.
- Số ca ung thư mới ở Việt Nam gia tăng trong thời gian gần đây và tỷ lệ tử vong do ung thư vẫn ở mức cao. Công nghệ phát hiện sớm, trang thiết bị khám và điều trị ung thư ở Việt Nam hiện vẫn còn hạn chế. Phải chăng đây là lý do để Đại học Nagoya thúc đẩy hợp tác y tế để nâng cao chất lượng khám và điều trị ung thư ở Việt Nam?
Giáo sư Goto: Tôi cũng đã có cuộc trao đổi chuyên môn với các bác sỹ ở Việt Nam từ viện trưởng, các trưởng khoa cho đến các bác sỹ trực tiếp điều trị. Chúng tôi xem xét triển khai các thiết bị hiện đại như máy nội soi giúp tạo cơ sở cho việc xác định tình trạng bệnh, giai đoạn tiến triển của bệnh để đưa ra phương án điều trị chính xác hơn.
Về lâu dài, chúng ta phải hướng đến tạo một môi trường thuận lợi cho việc phát hiện sớm và điều trị bệnh đồng thời nâng cao tay nghề cho các bác sỹ ngoại khoa và bác sỹ về hóa trị liệu.
Sau thành công ở bệnh viện Bạch Mai, mô hình sẽ được nhân rộng tại nhiều bệnh viện khác trên cả nước. Với nỗ lực như vậy, tôi hy vọng là sẽ tạo ra được một môi trường tốt cho phát hiện sớm ung thư, cống hiến cho sự phát triển của y học Việt Nam.
- Ông có thể mô tả một cách vắn tắt phương diện kỹ thuật hay công nghệ chẩn đoán các dấu hiệu của ung thư trên bệnh nhân? Nếu phát hiện sớm, bệnh nhân có khả năng chữa khỏi hoàn toàn hay không?
Giáo sư Goto: Tôi cho rằng có thể khỏi được bệnh nếu có thể thăm khám và điều trị sớm bằng thiết bị nội soi. Thực tế thì chúng tôi cũng cùng với các bác sỹ ở Việt Nam ở Huế cũng như bệnh viện Bạch Mai nghiên cứu triển khai.
Theo tôi được biết là nhiều trường hợp được phát hiện và xử lý thành công ở giai đoạn sớm bằng công nghệ nội soi. Tôi cảm thấy mừng vì điều này. Tuy nhiên, có một vấn đề là bệnh nhân ở Việt Nam khá đông trong khi đội ngũ bác sỹ chuyên môn thì không nhiều so với số lượng bệnh nhân.
Chúng tôi đang tính đến việc nâng cao tay nghề cho đội ngũ các y tá. Các y tá cũng cần học hỏi thêm về các kỹ năng nghề nghiệp để có thể dễ dàng phát hiện sớm ung thư ở bệnh nhân, hỗ trợ đắc lực cho công tác chẩn đoán và điều trị ung thư ở Việt Nam.
- Đại học Nagoya và Việt Nam đang hợp tác đào tạo các bác sỹ Việt Nam về kỹ thuật chẩn đoán và điều trị ung thư. Ông có thể chia sẻ một số thông tin về chương trình này không và mục đích của việc hợp tác đào tạo này ra sao ạ?
Giáo sư Goto: Năm ngoái, có tám bác sỹ ở Việt Nam, sáu bác sỹ ở Hà Nội và hai bác sỹ ở Huế tham gia khóa học hai tháng về sử dụng máy nội soi trong phát hiện và điều trị ung thư. Những người này về Việt Nam sẽ trở thành những nhóm trưởng và hướng dẫn lại cho các bác sỹ khác. Cứ như vậy, số lượng các bác sỹ có đầy đủ kỹ năng mới về chẩn đoán sớm ung thư sẽ tăng lên.
Ngoài ra, chúng tôi cũng xem xét mở các khóa học và biên soạn giáo trình giảng dạy để mở rộng diện đào tạo năng lực cho các y bác sỹ.
Để mở rộng hệ thống đào tạo thì chỉ riêng chúng tôi không thì sẽ khó thực hiện được, do đó, chúng tôi bắt tay vào xây dựng một cơ chế đào tạo cho người Việt ở Việt Nam từ năm 2014.
Cụ thể, các bác sỹ Việt sẽ đến Nhật Bản để học tập chuyên môn và sẽ quay về nước trở thành những trụ cột, truyền dạy các kỹ năng đó cho những người khác.Theo tôi, đó sẽ là cách tốt nhất để triển khai ý tưởng xây dựng cơ chế khám và điều trị ung thư tiên tiến cho Việt Nam trong tương lai.
Vâng, xin cảm ơn ông./.
Theo VN+