Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cần sớm hình thành được những chuẩn mực về
văn hóa gia đình mới để làm cơ sở cho sự phát triển ổn định của gia
đình, thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo
dục nếp sống cho con người.
Với hai chức năng cơ bản là tái sinh con người để duy trì nòi giống và
xã hội hóa cá nhân để hình thành nhân cách mỗi con người, gia đình là
nơi cá nhân được rèn luyện, phát triển theo hướng Chân-Thiện-Mỹ, từ đó
hình thành hệ thống giá trị văn hóa gia đình.
Giá trị văn hóa gia đình truyền thống đang phai nhạt
Trong tiến trình phát triển của lịch sử
nhân loại, gia đình luôn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Sự tồn
tại của mỗi cộng đồng, làng, nước phụ thuộc vào sự tồn tại, phát triển
của gia đình, nhất là văn hóa gia đình, nơi bảo tồn, lưu giữ, trao
truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Đó là hệ thống những giá trị, chuẩn mực
đặc thù điều tiết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và mối
quan hệ giữa gia đình với xã hội. Thông qua các câu chuyện cổ tích, qua
các câu ca dao, tục ngữ, cha mẹ, ông bà là những người thầy đầu tiên dạy
dỗ, nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển tư duy và từng bước giáo dục hình
thành nhân cách cho mỗi con người.
Qua lao động, qua việc xử lý các mối
quan hệ hằng ngày, gia đình đã truyền thụ cho con trẻ những nét đẹp của
truyền thống gia đình, dòng họ, truyền thống văn hóa dân tộc. Từ đó mỗi
cá nhân hình thành và bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc,
tình cộng đồng, lòng nhân ái, tinh thần tự lực, tự cường, anh hùng
trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, chăm chỉ cần cù trong
lao động sản xuất…
Tuy nhiên, cuộc sống của xã hội hiện đại
với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế, ở một góc độ nào
đó, đã phá vỡ nền nếp gia phong, đạo đức của gia đình truyền thống Việt
Nam. Tình hình mới cũng tiềm ẩn những thách thức, tạo ra xung đột
giữa việc bảo tồn các giá trị đạo đức, lối sống, thuần phong, mỹ tục của
gia đình, dân tộc với việc tiếp thu những yếu tố mới của xã hội hiện
đại; làm xuất hiện tình trạng lỏng lẻo trong mối quan hệ ứng xử giữa
các thành viên của gia đình, dẫn đến sự thiếu ổn định và bền vững của
gia đình.
Tình trạng ly hôn, ly thân, sống thử,
hiện tượng hôn nhân đồng giới và quan hệ tình dục trước hôn nhân
cũng như nạo phá thai trong giới trẻ có xu hướng gia tăng, để lại những
hậu quả nặng nề về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Xu hướng hôn
nhân với người nước ngoài ngày càng tăng. Sau hôn nhân, nhiều phụ nữ di
cư theo chồng ra nước ngoài, tạo khoảng trống khách quan trong duy trì
mối quan hệ gia đình, đặt ra mối quan ngại cho toàn xã hội.
Các giá trị văn hóa gia đình truyền
thống tốt đẹp của người Việt Nam đang có biểu hiện phai nhạt. Nhiều tệ
nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, mại dâm, đại dịch HIV/AIDS đã và đang
xâm nhập vào các gia đình. Mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ về phép
ứng xử, lối sống và vấn đề chăm sóc người cao tuổi đang đặt ra những
thách thức mới.
Sự tôn trọng gia đình ở nhiều tầng lớp
xã hội, nhất là thế hệ trẻ đang bị giảm sút mạnh mẽ. Nếu xem xét gia
đình với tư cách là một giá trị thì giá trị đó đang có xu hướng ngày
càng bị xem nhẹ. Việc gia đình có thể chiếm được hay không những vị trí
cao trong thang bảng giá trị của xã hội hiện đại tùy thuộc vào rất nhiều
yếu tố. Đó có thể là những yếu tố về kinh tế gia đình, những yếu tố về
nhận thức, tình cảm và tâm lý, tình yêu thương và trách nhiệm, tính
huyết thống và sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình, những tác
động từ phía cộng đồng xã hội…
Rất nhiều thanh thiếu niên ở nhóm vi
phạm pháp luật đã cho rằng sở dĩ họ phạm tội vì cảm thấy không được
thương yêu, chăm sóc và bảo vệ trong gia đình, không có gia đình. Đối
với nhiều trẻ em lang thang, trẻ em lao động kiếm sống thì gia đình
trong nhiều trường hợp còn là một nơi bất an, không tìm thấy tình yêu
thương, sự che chở và vì vậy, không cảm thấy hạnh phúc khi sống trong
gia đình.
Từ thực tế trên, việc phát huy các giá
trị văn hóa tốt đẹp, hướng tới xây dựng gia đình có đời sống kinh tế
phát triển và đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú là yêu
cầu bức thiết.
|
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cần sớm hình thành được những chuẩn mực về văn hóa gia đình mới.
|
Xây dựng các chuẩn mực mới về văn hóa gia đình
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cần sớm
hình thành được những chuẩn mực về văn hóa gia đình mới để làm cơ sở cho
sự phát triển ổn định của gia đình, thực sự là nơi hình thành, nuôi
dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người.
Các chuẩn mực phải là sự kết hợp giữa
những giá trị của đạo đức với những quy định của pháp luật. Những quy
chuẩn về pháp luật sẽ là cơ sở đảm bảo cho việc phát triển của những quy
chuẩn về đạo đức. Ngược lại, những quy chuẩn đạo đức lại là động lực
tinh thần, ý thức tự giác cho việc tuân thủ những quy chuẩn pháp luật.
Việc tuân thủ những nguyên tắc và chuẩn mực về đạo đức và pháp luật
trong các mối quan hệ gia đình là phương thức đúng đắn để xây dựng, củng
cố và phát triển những chuẩn mực mới về văn hóa gia đình.
Chương trình hành động của Chính phủ
thực hiện Nghị quyết 33/NQ-TW (khóa XI) nhấn mạnh thực hiện chiến lược
phát triển gia đình Việt Nam đóng vai trò vô cùng quan trọng để xây dựng
gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và
giáo dục nếp sống cho con người. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp,
xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Xây dựng và nhân
rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ
mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết,
thương yêu nhau.
Công tác này phải gắn kết với các phong
trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tạo điều kiện cho
mọi thành viên trong gia đình được tiếp cận với các kiến thức kinh tế,
văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học, kỹ thuật và phúc lợi xã hội; giúp các
gia đình có kỹ năng sống, chủ động phòng, chống sự xâm nhập của các tệ
nạn xã hội, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Trong điều kiện nước ta còn nhiều khó
khăn, khi các thành viên trong gia đình còn dành nhiều thời gian cho
việc kiếm sống thì sự chăm lo dành cho các thành viên trong gia đình
và ngay chính bản thân chưa kịp thời và đầy đủ, cơ hội tham gia
các hoạt động xã hội không nhiều. Do vậy, công tác xóa đói, giảm nghèo
được Đảng và Nhà nước xác định như một tiền đề cơ bản giúp gia đình ổn
định và phát triển. Việc nâng cao năng lực của gia đình trong phát
triển kinh tế, ứng phó với thiên tai và khủng hoảng kinh tế; tạo việc
làm, tăng thu nhập và phúc lợi, đặc biệt đối với các hộ gia đình chính
sách, hộ nghèo và cận nghèo là công tác thường xuyên và cần được
đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, sự phát triển của hệ thống
dịch vụ hỗ trợ gia đình bao gồm các hoạt động chủ yếu như dịch vụ giáo
dục đời sống gia đình, chăm sóc sức khỏe tại nhà, dịch vụ khoa học - kỹ
thuật, thể dục thể thao, văn hóa - văn nghệ hoặc các loại dịch vụ phục
vụ sinh hoạt gia đình, giúp các thành viên có nhiều thời gian quan tâm
đến nhau hơn. Bảo đảm cho các hộ gia đình tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản
ở mức tối thiểu về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin.
Nghiên cứu khoa học về các giá trị của
gia đình truyền thống là hoạt động rất quan trọng đối với việc củng cố,
điều chỉnh và xây dựng văn hóa gia đình Việt Nam trên cơ sở đánh giá
chính xác những giá trị đã định hình từ truyền thống.
Việc đánh giá này phải được tiến hành
trong nhiều thời điểm, dưới nhiều góc độ, làm cơ sở cho việc xây dựng
chuẩn mực định hướng cho gia đình Việt Nam các giai đoạn; cơ sở cho quá
trình nghiên cứu các nội dung, biện pháp giáo dục gia đình phù hợp với
các đối tượng, các nhóm dân cư và vùng địa lý; nghiên cứu sự phối hợp
giữa quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội với vai trò tự quản của gia
đình trong việc củng cố các quan hệ gia đình, thực hiện vai trò và chức
năng của gia đình; nghiên cứu phương pháp làm cân bằng giữa công việc và
gia đình trong xã hội công nghiệp hóa và hiện đại hóa, giúp các thành
viên gia đình vừa có điều kiện cống hiến cho xã hội vừa có điều kiện
chăm sóc gia đình.../.
Trần Tuyết Ánh
Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VH-TT&DL
(Nguồn: VGP)